Iran tuyên bố làm giàu urani 4,5%

Thanh Tuấn |

Truyền thông Iran đưa tin, ngày 8/7, giới chức nước này tuyên bố Iran đang làm giàu nhiên liệu urani lên mức 4,5% tinh khiết.

Hãng thông tấn bán chính thức của Iran dẫn lời một quan chức cấp cao nước này cho hay Tehran đang làm giàu nhiên liệu hạt nhân urani lên mức 4,5% tinh khiết.

Theo hãng thông tấn ISNA, mức độ làm giàu nhiên liệu hạt nhân của nước này ngày 8/7 đã quá 4,5%, mức vượt qua ngưỡng qui định trong Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) – tên chính thức của thỏa thuận hạt nhân đa phương mà Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cộng với Đức).

Người phát ngôn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi nêu rõ: “Sáng nay (8/7), Iran đã vượt qua mức làm giàu urani 4,5%. Mức độ urani tinh khiết này hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu nhiên liệu dùng cho nhà máy điện của đất nước”.

Kênh truyền hình Press TV dẫn lời ông Behrouz Kamalvandi cho biết thêm Iran trước đó cũng đã vượt qua giới hạn làm giàu urani 3,67% vốn được qui định trong thỏa thuận JCPOA. Ông Kamalvandi cảnh báo nước Cộng hòa Hồi giáo này thậm chí có thể làm giàu urani lên mức 20% tinh khiết và tăng số lượng máy ly tâm, coi đây là bước đi thứ 3 trong quá trình Iran giảm thực thi các cam kết của thỏa thuận.

Ông Kamalvandi nhấn mạnh: "Làm giàu nhiên liệu 20% chưa cần thiết ở thời điểm này, song nếu muốn, chúng tôi sẽ làm. Chúng tôi có phương án làm giàu 20% và thậm chí các phương án làm giàu cao hơn nữa".

Urani làm giàu cấp độ từ 3-5% có thể dùng làm nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân. Giới chuyên gia cho biết một khi Iran đạt được mức độ làm giàu 20%, Tehran chỉ còn một chặng đường ngắn nữa để tiến tới việc làm giàu urani mức độ 90% tinh khiết có thể dùng để sản xuất vũ khí hạt nhân.

Iran tuyên bố làm giàu urani 4,5% - Ảnh 2.

Kỹ thuật viên Iran kiểm tra các thiết bị tại cơ sở làm giàu urani Isfahan ở cách thủ đô Tehran 420km về phía nam. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, ngày 7/7, Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sau khi Iran tuyên bố gia tăng hoạt động làm giàu urani vượt mức giới hạn quy định trong thỏa thuận hạt nhân JCPOA ký năm 2015, đồng thời cho biết đang liên hệ chặt chẽ với các bên tham gia ký thỏa thuận để thảo luận những bước tiếp theo.

Trong một tuyên bố, bà Maja Kocijancic, người phát ngôn của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini, nhấn mạnh EU "hết sức quan ngại về tuyên bố của Iran rằng nước này bắt đầu làm giàu urani trên mức giới hạn 3,67%".

EU hối thúc Iran "chấm dứt và hủy bỏ tất cả các hoạt động trái với các cam kết của nước này". Bà Kocijancic cũng cho biết EU đang đang liên hệ chặt chẽ với các bên khác tham gia JCPOA về những bước đi tiếp theo trong khuôn khổ các điều khoản của thỏa thuận.

Theo JCPOA, Iran hạn chế chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy việc được dỡ bỏ trừng phạt. Thỏa thuận quy định Iran chỉ được làm giàu urani ở mức 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và mức 20% mà Iran đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký kết. Bên cạnh đó, Iran được sản xuất urani có tỷ lệ làm giàu thấp với lượng tối đa 300 kg và lượng urani dư thừa có thể được xuất ra nước ngoài.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận từ tháng 5/2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Ngày 8/5 vừa qua, đúng một năm sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA, Iran tuyên bố đình chỉ thực hiện một số cam kết, theo đó sẽ tăng mức làm giàu urani vượt ngưỡng 3,67%, đồng thời đặt thời hạn trong vòng 60 ngày 5 nước còn lại tham gia thỏa thuận phải thực hiện nghĩa vụ của họ để đảm bảo lợi ích kinh tế của Iran theo thỏa thuận.

Phản ứng về ý định của Iran, Tổng thống Trump cảnh báo Tehran "nên cẩn thận" với quyết định gia tăng hoạt động làm giàu urani. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Iran sẽ phải gánh chịu thêm các các lệnh trừng phạt vì vi phạm giới hạn làm giàu urani.

Link bài gốc tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại