'Vén màn' Nga coi Iran là lá bài mặc cả trong quan hệ với Mỹ

Minh Đức |

Iran sẽ đóng vai trò gì trong quan hệ giữa Moscow và Washington trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ 2020.

Những diễn biến mới nhất trong đối thoại Mỹ-Nga hiện đang làm dấy lên nhận định rằng Moscow có thể sử dụng Iran như một con bài mặc cả trong mối quan hệ với Tổng thống Donald Trump. Phần lớn cho rằng, Moscow có thể ngừng ủng hộ chính trị cho Tehran để đổi lấy việc dỡ bỏ áp lực chính trị và kinh tế từ Mỹ.

Sau chuyến thăm vào giữa tháng 5 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Nga, Moscow đã bày tỏ hy vọng rằng, các kênh liên lạc giữa hai nước sẽ nhận được cú huých mới. Để làm được điều này, hai bên cần phải có các con bài mặc cả của riêng mình. Và đối với chính quyền Mỹ, Iran có vẻ như là một trong số đó.

Bloomberg đưa tin, Moscow từ chối bán cho Iran hệ thống tên lửa S-400. Một số khác nhận xét, Nga sẽ có thêm lợi ích tại thị trường dầu mỏ thế giới từ việc Iran liên tục phải hứng chịu sức ép từ Mỹ.

Tuy nhiên, theo Al-monitor, một số sự kiện sau chuyến thăm của ông Pompeo cho thấy, Moscow vẫn chưa sẵn sàng đi theo chiến lược "gây sức ép tối đa" của Mỹ, chứ khoan nói tới chuyện thay đổi chính quyền tại Iran.

Ngày 18/6, tại cuộc họp chung Uỷ ban Nga-Iran về hợp tác thương mại và kinh tế, Nga đã tỏ rõ ý định phát triển quan hệ kinh tế với Tehran bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ngoài ra, khi đưa ra quyết định ngày 1/7 về gia hạn hiệp định Vienna, Nga rõ ràng đã cân nhắc các lợi ích của Iran thay vì "nhân cơ hội" điều chỉnh nó theo hướng có lợi cho mình.

Điện Kremlin từng ít nhất hai lần cố gắng trao đổi lập trường thân Iran của mình để có được mối quan hệ tốt hơn với phương Tây trong những năm 1990 và 2000. Tuy nhiên, kết quả đạt được không thực sự tích cực. Năm 2009, "chính sách tái khởi động" dưới thời Medvedev-Obama ám chỉ quy mô thu hẹp trong quan hệ Nga-Iran. Năm 2010, Nga "lật ngược" thỏa thuận cung cấp tên lửa S-300 cho Tehran. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới việc Iran mất niềm tin lớn vào Nga; trong khi chính sách trên cũng không đem lại cho Moscow nhiều lợi ích trong quan hệ với Washington.

Ngoài cuộc chiến Syria, Nga và Iran "bắt tay" trên nhiều lĩnh vực, từ năng lượng cho tới an ninh tại khu vực Caspia và Trung Á. Đầu những năm 1990, hợp tác với Iran góp phần giúp Moscow ngăn ngừa cuộc nội chiến đẫm máu tại Tajikistan. Tehran cũng thể hiện lập trường nghiêng về Nga trong cuộc chiến tại Georgia năm 2008. Cuối cùng, năm 2018, nếu không có sự ủng hộ của Iran, Moscow khó có thể đạt được một hiệp định khung về tình trạng pháp lý của Biển Caspia có lợi cho mình như vậy. Tất cả những điều này cho thấy, Điện Kremlin không thể phá hủy đối thoại với Iran.

Vén màn Nga coi Iran là lá bài mặc cả trong quan hệ với Mỹ - Ảnh 1.

Ngoài cuộc chiến Syria, Nga và Iran "bắt tay" trên nhiều lĩnh vực, từ năng lượng cho tới an ninh tại khu vực Caspia và Trung Á (ảnh: Reuters)

Hiện chưa rõ Mỹ có thể đưa ra những đề nghị gì cho Nga. Mặc dù cuộc điều tra Mueller không tìm ra chứng cứ rõ ràng về sự liên quan của Tổng thống Trump với Moscow, nhưng hình ảnh của Nga trong giới chính trị Mỹ vẫn không hề được cải thiện. Trước thềm cuộc bầu cử 2020, ông Trump gần như chắc chắn sẽ không thể làm được gì nhiều.

Vì vậy, Nga có lẽ sẽ chọn hướng đi mở rộng chương trình nghị sự với Iran và tập trung vào chất lượng. Thương mại Nga-Iran đạt 1,7 tỷ USD vào năm 2018 và kỳ vọng sẽ vượt 2 tỷ USD vào cuối năm nay.

Hiện Moscow đang tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác không trực tiếp bị ảnh hưởng bởi cấm vận, ví dụ như kế hoạch tăng cường xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp – vốn vô cùng quan trọng cho an ninh lương thực Iran. Cùng với Kazakhstan, chính quyền Nga nuôi tham vọng đưa Iran trở thành trung tâm thương mại để đưa lúa mỳ Nga tiếp cận các thị trường khác ở Trung Đông và Nam Á.

Về hợp tác dầu mỏ và khí gas, tập đoàn Nga Gazprom đã hứa giúp Iran phát triển hạ tầng cơ sở trong khi doanh nghiệp hai nước đang thảo luận về các dự án chung tại Biển Caspia… Điểm mấu chốt cho phát triển song phương sâu rộng hơn là vấn đề giao dịch tài chính. Giờ đây, ý tưởng là củng cố quan hệ trực tiếp giữa hệ thống ngân hàng Nga, Iran, đồng thời giảm thiểu sử dụng "đồng tiền thứ ba" (nhất là USD) trong giao dịch.

Tương lai quan hệ Nga-Iran phụ thuộc không ít vào diễn biến của leo thang căng thẳng Mỹ-Iran. Moscow sẽ không gây sức ép đòi Tehran phải có mối quan hệ tốt hơn với Washington, nhưng họ có thể đảm nhân vai trò trung gian hòa giải. Tuy nhiên, nếu cuộc khủng hoảng tiếp tục leo thang và Iran sẵn sàng mở rộng cửa cho Nga tiếp cận với nền kinh tế của mình, Moscow có thể dần dần gia tăng sự ủng hộ cho Iran bằng cách tham gia vào các kế hoạch "lẩn tránh" lệnh trừng phạt, cũng như thông qua các nỗ lực ngoại giao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại