Mỹ "nhắm mắt làm ngơ", Triều Tiên sẽ lách "kẽ hở" đi theo Pakistan thành cường quốc hạt nhân?

Ngọc Khánh |

Ông David Santoro khi bình luận về những bức ảnh của Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong Un, đã nói rằng: "Mỹ có thể đã chấp nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân".

Mỹ-Triều sẽ đạt được thỏa thuận đóng băng hạt nhân

Sau hội nghị với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tại Bàn Môn Điếm ngày 30/6 vừa qua, giới quan sát cho rằng Tổng thống Mỹ Donlad Trump sẽ chuyển hướng sang kế hoạch đóng băng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Theo đó, tờ The New York Times (NYT - Mỹ) mới đây cho biết, chính quyền Tổng thống Trump đang công khai hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn thì nhận ra rằng việc yêu cầu hủy bỏ các chương trình hạt nhân trong tương lai gần là không thành công nên đã đề ra một phương án tiếp cận mới - đóng băng hạt nhân.

Theo NYT, biện pháp này có thể ngăn Triều Tiên tăng số lượng vũ khí hạt nhân nhưng không phải hủy bỏ khoảng 20 đến 60 loại vũ khí hạt nhân hiện có trong tương lai gần. Đồng thời cũng không thể giới hạn sức mạnh tên lửa hạt nhân của Triều Tiên.

Đổi lại, Nhà Trắng có thể cân nhắc hỗ trợ kinh tế ở một tiêu chuẩn nhất định nhằm giúp Triều Tiên cải thiện đời sống dân sinh v.v...

Điểm cốt yếu của thỏa thuận "đóng băng" này được cho nằm ở phạm vi "đóng băng hạt nhân". Phía Triều Tiên chỉ muốn giới hạn đối tượng thỏa thuận nằm trong phạm vi khu vực Yongbyon. Ngược lại Mỹ yêu cầu đóng băng cả những cơ sở bí mật khác ngoài Yongbyon như Kangson hay Pakchon.

Giới chuyên gia cho rằng, trong quá trình Mỹ-Triều trao đổi về phạm vi đóng băng hạt nhân, Triều Tiên sẽ yêu cầu "hủy bỏ lệnh trừng phạt" hay "nới lỏng lệnh trừng phạt".

Ông Shin Bum Cheol, Giám đốc Trung tâm an ninh và thống nhất, Viện Nghiên cứu Chính sách Asan cho biết: "Nếu đạt được thỏa thuận trao đổi giữa đóng băng hạt nhân và hỗ trợ kinh tế, thành lập văn phòng liên lạc thì sẽ không có vấn đề gì. Tuy nhiên, Triều Tiên có thể sẽ yêu cầu hủy bỏ các biện pháp trừng phạt trong quá trình đàm phán. Trong trường hợp Triều Tiên chấp nhận đóng băng hạt nhân để đổi lấy nới lỏng trừng phạt, sẽ khó khăn hơn cho quá trình phi hạt nhân hóa trong tương lai".

Như NYT đã đưa tin, chính quyền Tổng thống Trump có thể sẽ chấp nhận dự án hợp tác kinh tế liên Triều như một ngoại lệ đối với các lệnh trừng phạt Triều Tiên trong quá trình đàm phán đóng băng hạt nhân.

Mỹ nhắm mắt làm ngơ, Triều Tiên sẽ lách kẽ hở đi theo Pakistan thành cường quốc hạt nhân? - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến cho rằng, Mỹ có thể đạt thỏa thuận đóng băng hạt nhân với Triều Tiên. Ảnh minh họa

Cũng có ý kiến cho rằng, Tổng thống Trump có thể đã rút lui khỏi mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên, điều mà ông đã theo đuổi cho đến nay.

Một chuyên gia hạt nhân tại Diễn đàn Thái Bình Dương - David Santoro khi bình luận về những bức ảnh của Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong Un, đã nói rằng: "Mỹ có thể đã chấp nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân".

Triều Tiên sẽ lợi dụng kẽ hở trở thành cường quốc hạt nhân?

Theo Axios, Đặc phái viên Biegun cho biết: "Chúng tôi không quan tâm đến việc nới lỏng lệnh trừng phạt trước khi phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Khả năng nới lỏng hay xóa bỏ lệnh trừng phạt vì thỏa thuận đóng băng hạt nhân cũng giậm chân tại chỗ".

Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ liệu Mỹ có thể duy trì nguyên tắc này bất chấp những nổ lực bình thường hóa quan hệ, chẳng hạn như việc thành lập văn phòng liên lạc giữa Mỹ và Triều Tiên trong quá trình đàm phán đóng băng hạt nhân. Các chuyên gia chỉ ra rằng, nếu các lệnh trừng phạt được nới lỏng một phần sau khi đóng băng hạt nhân, mạng lưới trừng phạt Triều Tiên có thể sẽ bị phá vỡ.

Giáo sư Nam Sung Wook của Đại học Hàn Quốc cho biết: "Tôi nghi ngờ liệu rằng các biện pháp trừng phạt sẽ được duy trì chặt chẽ ngay cả khi mối quan hệ Mỹ-Triều đã được cải thiện trong khi phi hạt nhân hóa hoàn toàn chưa đạt được."

Một số nhà quan sát cho rằng, ngay cả khi Mỹ không chính thức hóa xóa bỏ hay nới lỏng biện pháp trừng phạt, thì mạng lưới trừng phạt cũng sẽ suy yếu theo cách đi đường vòng. Viện trưởng Shin Bum Cheol cho rằng: "Mỹ khó có thể giữ được ranh giới trừng phạt mạnh mẽ như bây giờ, vì mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên đã được cải thiện".

Theo báo Hàn Chosun Ilbo, đã có một quốc gia lợi dụng 'kẽ hở' này và thực sự trở thành một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, đó là Pakistan.

"Mỹ đã đồng ý không can thiệp vào quá trình sở hữu hạt nhân của Pakistan với điều kiện nước này không tiến hành các vụ thử hạt nhân bổ sung vào những năm 1980... Pakistan đã tuyên bố đóng băng vụ thử hạt nhân như một lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế, nhưng sau một vài năm, khi lệnh trừng phạt đã được dỡ bỏ, Pakistan thực sự đã trở thành một cường quốc hạt nhân", báo Hàn viết.

Pakistan được cho là có hơn 100 đầu đạn tên lửa hạt nhân. Nước này hiện không bị áp dụng lệnh trừng phạt do kết quả của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân có Mỹ tham gia.

Bộ ngoại giao Hàn Quốc hiện đang lo ngại rằng Triều Tiên có thể đi theo con đường của Pakistan bởi khi xung đột Mỹ-Trung đang leo thang và giá trị chiến lược của Triều Tiên ở Đông Bắc Á ngày càng tăng thì Mỹ có thể nhắm mắt làm lơ việc sở hữu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Báo Hàn nhận định, Tổng thống Trump - đang sử dụng các cuộc đàm phán hạt nhân như một quân bài chính trị trong nước, có kế hoạch đạt được mục tiêu đầu tiên là đóng băng hạt nhân trong nhiệm kỳ đầu tiên, và sau đó thúc đẩy phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Câu hỏi đặt ra chính là điều gì có thể đảm bảo sức mạnh để đưa thỏa thuận đóng băng hạt nhân thành thỏa thuận phi hạt nhân hóa.

"Nếu Mỹ không đảm bảo động lực đưa Triều Tiên từ tình trạng đóng băng hạt nhân đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn, Triều Tiên sẽ đi theo tiến trình của Pakistan", ông Shin Bum Cheol nói, "Lúc đó khả năng cao Mỹ sẽ phải đối mặt với Triều Tiên - một cường quốc hạt nhân".

Tuy nhiên, trước nguồn tin của giới truyền thông về khả năng đóng băng hạt nhân, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Johon Bolton - người được coi là siêu diều hâu với những quan điểm cứng rắn về Triều Tiên - đã kịch liệt phản bác cho rằng, khả năng về thỏa thuận đóng băng hạt nhân sẽ không xảy ra và yêu cầu Triều Tiên trước tiên phải dỡ bỏ triệt để chương trình hạt nhân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại