Tehran đã đặt ra thời hạn 7/7/2019, cho các nước châu Âu và Mỹ, hoặc là được xuất khẩu dầu, quan hệ kinh tế, thương mại, vận tải hàng hải, hàng không với các nước, hoặc là trở lại làm giàu, tăng khối lượng dự trữ uranium, đưa lò phản ứng Arak vận hành bằng nước nặng để sản xuất plutonium. Thời gian chỉ còn một ngày để phía bên kia trả lời.
Ngày 1/7/2019, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố sẽ tạm ngừng thực hiện một số nghĩa vụ của mình trong Kế hoạch hành động toàn diện chung, gọi tắt là Thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) ký giữa Iran với các nước P5+1 năm 2015.
Theo tuyên bố này, Tehran sẽ trở lại làm giàu uranium trên giới hạn cho phép 3,67% và tàng trữ một khối lượng vượt quá 300kg uranium đã được làm giàu ở cấp độ thấp. Ông M. Zarif nói, Iran đi đến quyết định này là do các nước châu Âu ký kết thỏa thuận đã không giữ lời hứa của họ và không quan tâm đến việc bảo vệ lợi ích của Iran.
Thoả thuận hạt nhân JCPOA ký giữa Iran với các nước P5+1 quy định Iran không được phép làm giàu uranium vượt quá tỷ lệ 3,67% và dự trữ uranium làm giàu cấp độ thấp vượt quá 300 kg.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: AP.
Tiếp theo, ngày 3/7/2019, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố, từ ngày 7/7/2019, Iran sẽ bắt đầu thực hiện bước thứ hai của chương trình cắt giảm một số nghĩa vụ của mình trong thỏa thuận hạt nhân JCPOA. Ông nói: "Từ ngày 7/7/2019, mức độ làm giàu uranium của Iran sẽ không còn là 3,67% (mức Thỏa thuận JCPOA cho phép). Chúng tôi sẽ tăng mức độ làm giàu uranium khi cần thiết."
Các tuyên bố trên của Iran không có nghĩa là Tehran sẽ bắt đầu sản xuất bom hạt nhân ngay, nhưng cộng đồng quốc tế tỏ ra lo ngại, những lời cảnh báo của các nhà lãnh đạo Iran là hết sức nghiêm túc.
Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Yukiya Amano đã xác nhận và thông báo cho Hội đồng thống đốc rằng, Iran đã vượt quá giới hạn cho phép làm giàu uranium và lưu trữ uranium làm giàu cấp thấp. IAEA coi hành động này của Iran là vi phạm Thỏa thuận hạt nhân JCPOA.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif tuyên bố Iran không vi phạm thỏa thuận vì theo điều khoản 36 của JCPOA, Tehran có quyền phản ứng lại việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận vào năm ngoái.
Tổng thống H. Rouhani cho rằng, một hành động như vậy là nhằm để cứu vãn chứ không phải xé bỏ thỏa thuận. Ông nêu rõ, Iran sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình ngay sau khi Mỹ quay trở lại Thỏa thuận JCPOA.
Tên lửa Iran.
Quyết định của Iran đình chỉ thực hiện một số nghĩa vụ của mình là một bước đi ngoại giao, chủ yếu nhằm gây sức ép đối với các nước châu Âu thực hiện các cam kết của mình với hy vọng bằng cách đó họ có thể thuyết phục châu Âu giúp Tehran tránh được hậu quả các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Các nhà quan sát chính trị cho rằng, không ai hoan nghênh quyết định của Tehran, bởi vì tất cả đều muốn duy trì thỏa thuận JCPOA, nhưng quyết định này là có thể hiểu được.
Quyết định của Iran là hậu quả trực tiếp của việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận ngày 8/5/2018, khôi phục tất cả các lệnh trừng phạt chống Iran, đặc biệt là đưa xuất khẩu dầu của Iran về 0 và trừng phạt cả những nước khác có quan hệ làm ăn với Iran.
Các chuyên gia Viện nghiên cứu hạt nhân Dubna của Nga cho biết Iran, nếu muốn, có thể tạo ra một quả bom nguyên tử trong vòng chưa đầy một năm.
Khối lượng uranium hiện có của Iran, theo báo cáo của IAEA, đã đủ để làm ra một quả bom nguyên tử. Nhưng chỉ riêng uranium là không đủ, cần phải có kíp nổ và vỏ nén compact. Cho đến nay, Iran chưa có công nghệ để chế tạo hai bộ phận này.
Theo báo cáo mới nhất của IAEA vào tháng 2/2019, tổng dự trữ uranium của Iran là 202,8 kg. Trong số đó 149,4 kg uranium được làm giàu tới 3,67% (giới hạn được Thỏa thuận JCPOA cho phép để sử dụng tại các nhà máy điện hạt nhân).
Để làm giàu uranium, Iran sử dụng các máy ly tâm tại các nhà máy điện hạt nhân ở Natanz và Fordo. IAEA cho biết, tất cả các cơ sở hạt nhân của Iran đều nằm dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của đông đảo đội ngũ chuyên gia của IAEA trên khắp lãnh thổ Iran.
Để sản xuất một đầu đạn hạt nhân chỉ cần 8 kg plutonium hoặc 25 kg uranium được làm giàu cấp độ cao là đủ. Người ta không chỉ sử dụng uranium hoặc plutonium để tạo ra một quả bom, mà còn có thể sử dụng nhiên liệu từ các nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động.
Tuy nhiên, Iran hoàn toàn không thể tiếp cận với nguồn nhiên liệu của các nhà máy điện hạt nhân, trong đó có nhà máy Bushehr được xây dựng với sự giúp đỡ của Nga.
Theo quy định, Nga phải mang về nước tất cả các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Một điều hết sức quan trọng là Nga sẽ không bao giờ cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân vì Iran không phải là đồng minh chiến lược của Nga.
Iran hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung cấp uranium từ bên ngoài, chủ yếu từ Kazakhstan. Kazakhstan ở gần Iran, là nước đứng thứ hai trên thế giới về trữ lượng và đứng đầu về sản lượng uranium.
Tháng 2/2017, người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran, Ali Akbar Salehi cho biết, Iran đã ký hợp đồng mua 950 tấn uranium đậm đặc từ Kazakhstan trong vòng ba năm.
Tháng 12/2018, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Kazatomprom của Kazakhstan Galymzhan Pirmatov tuyên bố sẽ cung cấp uranium cho Iran đến hết năm 2020 với điều kiện các quốc gia ký kết Thỏa thuận JCPOA cho phép. Kazakhstan chỉ cung cấp uranium cho những đối tác sử dụng vào mục đích hòa bình.
Iran không có kế hoạch sản xuất bom hạt nhân, ít nhất là về mặt chính thức. Năm 2013, nhà lãnh đạo tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei đã ban hành án lệnh Fatwa cấm tuyệt đối việc sản xuất bom hạt nhân vì nó trái với các nguyên tắc của đạo Hồi.
Mới đây, IAEA cho biết tất cả 14 cuộc thanh sát của cơ quan này được tiến hành trên mặt đất cũng như từ vệ tinh đã khẳng định Iran không còn khả năng chế tạo ra một quả bom hạt nhân và không có bất cứ hoạt động nào nhằm sản xuất loại vũ khí này.
Như vậy,
về lý thuyết, Iran hoàn toàn có thể sản xuất được bom hạt nhân . Tuy nhiên, trên thực tế việc sản xuất bom hạt nhân của Iran không thể thực hiện được, một mặt do các biện pháp giám sát hết sức nghiêm ngặt của IAEA, mặt khác phụ thuộc toàn bộ vào nguồn nguyên liệu uranium của nước ngoài và các quy định chặt chẽ của JCPOA.Theo các chính trị gia, việc cho Iran có kế hoạch sản xuất bom hạt nhân chỉ là sự phỏng đoán, chủ yếu của Mỹ và những nước ủng hộ Washington rút khỏi JCPOA.
Để cứu vãn thỏa thuận JCPOA, các nước châu Âu, Trung Quốc, Nga một mặt thuyết phục Iran tiếp tục thực hiện JCPOA, mặt khác cũng cần có các biện pháp cụ thể duy trì mối quan hệ kinh tế, thương mại với Iran để Iran thấy được lợi ích khi thực hiện các nghĩa vụ của mình trong Thỏa thuận này.
Các nước ký kết JCPOA còn lại đều mong muốn và đang hết sức cố gắng tìm các biện pháp để duy trì thỏa thuận hạt nhân ký với Iran. Bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ, Nga vả Trung Quốc đã dùng đồng tiền địa phương để tiếp tục quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, tiếp tục mua dầu của Iran.
Anh, Pháp, Đức đưa ra sáng kiến thiết lập cơ chế INSTEX (Instrument in Support of Trade Exchanges - Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại) để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ trong việc thực hiện các giao dịch thương mại với Iran.
Ở giai đoạn đầu, cơ chế này chỉ mới được sử dụng để thanh toán các hợp đồng nhân đạo như lương thực, thực phẩm, thuốc men... Điều này thể hiện cố gắng của các nước châu Âu nhằm duy trì quan hệ với Iran và giữ thỏa thuận JCPOA.
Các loại tên lửa hiện có của Iran.
Tuy nhiên, do các biện pháp trừng phạt của Mỹ hết sức nghiêm ngặt, đối với các hợp đồng thương mại lớn, cơ chế này khó phát huy được tác dụng và không thể bồi hoàn đầy đủ cho những tổn thất từ lệnh trừng phạt của Mỹ.
Cơ chế INSTEX rất khó hoạt động như Iran mong muốn. Các nước châu Âu cũng không thể làm như Nga và Trung Quốc do không muốn làm ảnh hưởng tới quan hệ đồng minh với Mỹ.
Trong khi Nga, Trung Quốc và các nước châu Âu có thiện chí và đang cố gắng duy trì thỏa thuận JCPOA, đặc biệt không muốn sử dụng "cơ chế giải quyết xung đột" của JCPOA vì có thể dẫn đến việc quốc tế trừng phạt Iran, Tehran nên tiếp tục thực hiện thỏa thuận này.
Tại hội nghị Brussel bàn về thỏa thuận JCPOA, các nước châu Âu đã nói với Iran: "Trong mọi trường hợp, tốt hơn hết là duy trì một sự liên tục trong quan hệ thương mại với châu Âu để cô lập Mỹ thay vì bị cô lập bởi châu Âu và Mỹ."
Cộng đồng quốc tế đều mong muốn Iran và các nước ký kết còn lại sẽ tiếp tục bàn thảo để tìm ra các biện pháp nhằm duy trì thỏa thuận JCPOA.
Trong trường hợp xấu nhất, nếu Iran quyết định từ bỏ Thỏa thuận JCPOA và rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), thì trách nhiệm rõ ràng sẽ không thuộc về ai khác ngoài Mỹ, vì Mỹ là nước đầu tiên vi phạm các cam kết của mình, rút khỏi JCPOA, đơn phương tái áp đặt các lệnh trừng phạt bất hợp pháp và đe dọa tấn công Iran.
Thế giới hiện đang đứng trước nguy cơ của một cuộc đối đầu quân sự giữa Iran và Mỹ. Dư luận các nước đang chờ đợi điều gì sẽ xảy ra sau thời hạn 7/7/2019 do Iran đưa ra. Nhiều dấu hiệu cho thấy các nước châu Âu sẽ không thể đáp ứng được các điều kiện của Iran để giảm bớt các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ trước thời hạn này.
Mặt khác, Washington đã áp đặt tất cả các biện pháp cấm vận có thể, kể cả việc tập trung một lực lượng quân sự lớn đến khu vực, đe dọa tấn công Iran, nhưng cho đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy Iran sẽ đáp ứng các yêu cầu của Mỹ. Cả trên lời nói cũng như hành động, thái độ của Iran hết sức cứng rắn.
Mặc dù Mỹ đề nghị đàm phán không có điều kiện tiên quyết, không có ý định thay đổi chế độ Iran..., Tehran vẫn tỏ ra hết sức kiên quyết, tuyên bố sẽ không đàm phán chừng nào Washington chưa dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt, trở lại Thỏa thuận hạt nhân JCPOA đã ký và chấm dứt mọi đe dọa quân sự chống Iran.
Máy bay chiến đấu của quân đội Iran.
Không chỉ có vậy, Tehran còn tuyên bố sẽ ngừng thực hiện một số nghĩa vụ của mình được quy định trong thỏa thuận này.
Về quân sự, Iran nhiều lần tuyên bố sẵn sàng giáng trả mạnh mẽ nếu Mỹ liều lĩnh tấn công Iran. Việc bắn hạ chiếc máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk của Mỹ hôm 20/6/2019 trên không phận Iran là hành động đối đầu quân sự trực tiếp đầu tiên giữa Iran với Mỹ chứng tỏ Iran không ngại gì nếu Mỹ gây chiến.
Trái với những lời đe dọa tấn công Iran, gần đây Tổng thống Mỹ D. Trump đã hạ thấp cuộc tấn công vào hai tàu chở dầu ở vịnh Oman, thậm chí khi chiếc máy bay do thám RQ-4 Global Hawk bị Iran bắn hạ ngày 20/6/2019, ông cũng cho rằng Iran không có ý định nhằm vào chiếc máy bay này.
Đặc biệt, ông D. Trump phản ứng có mức độ về những tuyên bố cứng rắn của Tehran về thỏa thuận JCPOA. Đáng chú ý, trong cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Time gần đây, ông Trump nói:
"Vị trí của Mỹ ở Trung Đông không còn như trước đây. Có nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản phụ thuộc vào dầu mỏ của khu vực này, còn Mỹ trong hai năm rưỡi qua nhập rất ít dầu từ Trung Đông và sắp tới sẽ trở thành nước xuất khẩu năng lượng."
Tổng thống D. Trump là một người thực dụng. Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông đã hứa với người dân Mỹ sẽ rút quân Mỹ ở Trung Đông về nước.
Các nhà quan sát cho rằng, tiến hành một cuộc chiến tranh với Iran chỉ để bảo vệ Israel, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Iran không phải là mối đe dọa trực tiếp tới an ninh của Mỹ.
Mojtaba Zolnour, Chủ tịch Ủy ban hạt nhân Quốc hội Iran mới đây đã đưa ra lời cảnh báo sẽ "huỷ diệt Israel trong vòng nửa giờ" nếu Mỹ tấn công Iran. Đây không phải là lời tuyên bố suông. Iran cho biết có những loại vũ khí bí mật có sức công phá rất lớn đến nay chưa được công bố.
Nhiều nguồn tin cho biết Iran hiện có hàng chục ngàn tên lửa có tầm bắn từ 300 km đến 2.500 km. Trước khi quyết định phát động bất cứ một hành động quân sự nào chống Iran, Mỹ cũng phải tính toán hết sức kỹ lưỡng đến hậu quả và không thể coi thường được sức mạnh của Iran.
Không thể loại trừ bất cứ khả năng nào, nhưng một cuộc chiến tranh nổ ra sẽ không chỉ là thảm họa đối với khu vực và thế giới mà còn đối với chính nước Mỹ. Con đường duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran là thương lượng hòa bình.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.