Nghẹt thở giữa gọng kìm Mỹ-Iran, châu Âu lo sốt vó nhìn thỏa thuận hạt nhân sắp bị "khai tử"

Hải Võ |

Trong hơn một năm qua, các nước châu Âu đã phải cố gắng để cân bằng giữa Mỹ và Iran, trong nỗ lực bảo vệ thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Những ngày tiếp theo sẽ là thời gian mang tính quyết định khi những nỗ lực phút chót được đưa ra nhằm duy trì thỏa thuận hạt nhân, sau khi Iran đã thông báo hôm 7/7 rằng nước này đang tăng mức độ làm giàu urani vượt qua giới hạn cho phép của thỏa thuận ký năm 2015 với nhóm P5+1.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani hôm thứ Bảy (6/7), và đã cử cố vấn đối ngoại hàng đầu tới Tehran ngày 9/7 để tiếp nối đàm phán.

Về phía Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Joseph Dunford nói nước này sẽ xúc tiến kế hoạch thiết lập một liên quân nhằm giám sát và răn đe mối đe dọa từ Iran đối với các hoạt động thương mại trên biển.

Tờ Washington Post chỉ ra, cố gắng mong manh của châu Âu nhiều khả năng sẽ sớm kết thúc. Pháp, Anh và Đức nhận thấy việc Tehran gia tăng mức độ làm giàu urani là một "lằn ranh đỏ", và các nước này không còn phương án khác ngoài khởi động lộ trình tái áp đặt cấm vận lên Iran, đồng nghĩa với sự chấm dứt trên thực tế của thỏa thuận hạt nhân.

Theo các nhà ngoại giao châu Âu, việc Iran quay lưng với các thanh sát viên quốc tế hay lắp đặt thêm máy ly tâm phục vụ làm giàu urani cũng có thể châm ngòi cấm vận.

Bên cạnh đó, các nước châu Âu còn lo ngại Mỹ sẽ công kích nhằm vào những công ty đa quốc gia của họ, hoặc tiến hành trả đũa việc các nước này tiếp tục giao thương với Tehran.

"Chúng tôi kêu gọi Iran không có thêm hành động phá hoại thỏa thuận hạt nhân," người phát ngôn Liên minh châu Âu (EU) bà Maja Kocijancic lên tiếng hôm 8/7. "Lúc này chúng tôi thúc giục mạnh mẽ Iran chấm dứt và đảo ngược tất cả hành động không phù hợp với cam kết đã đưa ra."

Số phận thỏa thuận hạt nhân gần tới giờ định đoạt

Châu Âu đang chạy đua với thời gian để bảo vệ thỏa thuận hạt nhân. Theo Ellie Geranmayeh, chuyên gia về vấn đề phổ biến hạt nhân Iran tại Hội đồng đối ngoại châu Âu (ECFR), "người châu Âu đang cố gắng tìm ra khả năng 'hạ cánh' mềm nhất trước kịch bản tiến thoái lưỡng nan giữa một thỏa thuận JCPOA sụp đổ và một cuộc tấn công quân sự tiềm tàng của Mỹ hoặc Israel nhằm vào Iran".

"Cho đến nay những hành động của Iran được kiểm soát và tính toán rất càng," Geranmayeh bình luận. "Căn cứ vào một loạt biện pháp mà Iran có khả năng áp dụng, có thể thấy họ vẫn [hành động] ở mức thấp."

"Sẽ là không thực tế nếu châu Âu bất ngờ 'rút dây' [thỏa thuận hạt nhân]," bà cho biết. Trong khi đó, sự cứng rắn của Anh, Pháp, Đức với Iran chính là điều mà Mỹ đang thúc giục và trông đợi ở các đồng minh này.

Nghẹt thở giữa gọng kìm Mỹ-Iran, châu Âu lo sốt vó nhìn thỏa thuận hạt nhân sắp bị khai tử - Ảnh 2.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đóng vai trò đi đầu trong nỗ lực đàm phán với Iran để bảo vệ thỏa thuận hạt nhân (Ảnh: Charles Platiau/AFP/Getty Images)

Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Iran, ông Brian Hook, cảnh báo châu Âu hồi tháng 6: "Nếu đang làm ăn với Iran thì các vị sẽ không bao giờ biết được là mình đang xúc tiến thương mại hay chủ nghĩa khủng bố. Quý vị không thể giao thương với cả Mỹ và Iran. Và mọi người đã lựa chọn Mỹ thay vì Iran bởi nhiều lý do."

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 8/7 nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong duy trì các lệnh trừng phạt Tehran. Ông cho hay, chính quyền Trump "không bao giờ cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân".

Giải pháp duy nhất khả thi đang không hiệu quả

Chưa có lãnh đạo châu Âu nào dồn nhiều công sức và nguồn lực để ổn định tình hình Iran như tổng thống Pháp Macron. Ông đã cố gắng vận động tổng thống Trump tiếp tục bám sát thỏa thuận hạt nhân vào năm 2018, nhưng không thành công.

Trong cuộc điện đàm với ông Rouhani cuối tuần qua, ông Macron đã cố thuyết phục lãnh đạo Iran rằng Paris - cùng với các đồng minh châu Âu khác - vẫn cam kết với thỏa thuận hạt nhân.

Trong thời gian ngắn, giải pháp ngoại giao không tạo ra nhiều khác biệt. Iran tuyên bố đang làm giàu urani ở mức 4.5% - rất thấp so với mức yêu cầu 90% để chế tạo được vũ khí hạt nhân hay mức 20% mà nhiều nhà quan sát e ngại, nhưng vẫn vượt nhiều so với giới hạn 3.67% của thỏa thuận JCPOA nhằm gửi thông điệp rõ ràng về sự bất mãn của Tehran.

Châu Âu không muốn đối đầu với Mỹ, bởi lục địa già vẫn phụ thuộc nhiều vào Washington trong vấn đề đối trọng an ninh với Nga hay các đe dọa khác. Dù vậy, Anh, Pháp, Đức đã dành nhiều tháng thiết lập công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (Instex) nhằm bảo vệ một số thỏa thuận thương mại với Iran.

Instex là phương tiện thương mại cho phép các công ty châu Âu và Iran xuất khẩu hàng hóa và nhận thanh toán ở địa phương để né cấm vận của Mỹ. Tuy nhiên, Iran vẫn thất vọng khi chưa có giao dịch nào được thực thi. Những tuyên bố mới của Tehran đã gây thêm khó khăn về mặt chính trị để khởi động Instex, bởi châu Âu không thể "tưởng thưởng" cho động thái vi phạm thỏa thuận hạt nhân.

Song song với đó, các lãnh đạo châu Âu cũng không muốn vội vã khởi động điều khoản giải quyết tranh chấp trong JCPOA - điều có thể dẫn đến cấm vận trở lại với Iran. Các nước châu Âu ghi nhận Iran đã duy trì các cam kết trong suốt hơn 1 năm qua, ngay cả sau khi chính quyền Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận, và xem đây là tín hiệu về cơ hội cứu vãn thỏa thuận quan trọng này.

Nghẹt thở giữa gọng kìm Mỹ-Iran, châu Âu lo sốt vó nhìn thỏa thuận hạt nhân sắp bị khai tử - Ảnh 3.

Cơ sở hạt nhân nước nặng của Iran ở gần trung tâm thành phố Arak, cách thủ đô Tehran 240km về phía Tây Nam (Ảnh: AP)

Cơ hội kể trên có thể sẽ bị dập tan nếu Iran có động thái bước ngoặt để phá vỡ thỏa thuận. Khi đó, châu Âu sẽ buộc phải áp cấm vận và đứng về phía Mỹ dù không mong muốn.

Nếu châu Âu chính thức xác định Iran là vi phạm thỏa thuận hạt nhân, họ sẽ có khoảng 1 tháng để đàm phán trước khi áp đặt những cấm vận chủ chốt.

"Thực tế là chúng tôi hy vọng với giải pháp đứng ở vị thế trung gian, chúng tôi có thể tác động đến Iran và thúc giục họ [hành động] lý trí hết sức có thể trong bối cảnh hiện nay," trích lời Dominique Moïsi - cố vấn chiến dịch của ông Macron về chính sách đối ngoại, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Montaigne, Paris.

"Và người Iran đã đi theo một hướng khác, mà những thành tố cấp tiến đã trở nên mạnh mẽ hơn tại Iran nhờ vào chính sách của ông Donald Trump. Ở một mức độ nào đó, rủi ro chiến tranh xảy ra đang leo thang, còn khả năng ngăn chặn của chúng tôi thì dần mất đi."

"Cũng không có lựa chọn khác nào rõ ràng," ông Moïsi nói. "Giải pháp hiện nay không hiệu quả, nhưng liệu có còn giải pháp nào khác không?"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại