Liên quan đến các vụ tấn công liên tục vào tàu chở dầu ở khu vực Trung Đông thời gian gần đây, như vụ hai tàu bị tấn công tại Vịnh Oman ngày 13/6 khiến căng thẳng Mỹ - Iran leo thang, Mỹ đe dọa dùng vũ lực quân sự đối với Iran. Nhưng có phân tích cho rằng thực tế tại Trung Đông hiện nay, hiện hữu của Trung Quốc đang rất mạnh mẽ; thêm nữa mối quan hệ lợi ích lớn giữa Iran và Trung Quốc khiến thái độ cứng rắn của chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump với Iran có thể tăng tốc đẩy Tehran về “vòng tay” Trung Quốc.
Vị thế địa chính trị của Iran đặc biệt quan trọng với Trung Quốc
Trung Quốc đang nỗ lực đẩy mạnh các bước đi nhằm thể hiện vai trò cường quốc biển. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngoài tăng cường sức mạnh hải quân, Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh vào hạ tầng cảng biển trên quy mô toàn cầu.
Trong khát vọng vượt Mỹ, với sáng kiến “Vành đai, Con đường” nhằm thâu tóm cả trên đại dương và đất liền và tìm con đường năng lượng mới cho Trung Quốc, có thể nói Iran là mắt xích đặc biệt quan trọng.
Eo biển Hormuz nằm giữa vịnh Ba Tư và vịnh Oman đóng vai trò quan trọng bậc nhất với ngành dầu mỏ thế giới, do hai tuyến đường của eo biển là tuyến đường yết hầu để kiểm soát vùng Vịnh Ba Tư với khả năng sản xuất và dự trữ gần một nửa trữ lượng dầu thế giới, vì thế dễ hiểu vụ tấn công gần đây nhất vào tàu chở dầu tại tuyến đường thủy chiến lược Vịnh Oman bên ngoài eo biển này đã gây “cú sốc” trên thế giới.
Chính quyền Donald Trump liên tục cáo buộc Tehran đứng sau các vụ tấn công trên và để ngỏ khả năng dùng biện pháp quân sự. Để bác bỏ cáo buộc của Mỹ, hôm 17/6 Tổng tham mưu trưởng quân đội Iran Mohammad Baqeri khẳng định nước này đủ sức công khai phong tỏa hoàn toàn eo biển Hormuz mà không cần thực hiện những vụ tấn công nhằm vào tàu dầu.
Trong bài viết “Đối thủ của Mỹ tại Trung Đông không phải Iran, mà là Trung Quốc” trên tờ New York Times hôm 27/6, chuyên gia Robert D. Kaplan, Cố vấn cấp cao của Eurasia Group tại Mỹ cho biết, “Tình hình căng thẳng hiện nay phần nhiều liên quan đến Trung Quốc với Ấn Độ Dương chứ không phải Iran và Vịnh Ba Tư. Bất kể chính quyền Trump có nhận thức được điều này hay không, thực tế tình hình căng thẳng này liên quan đến một số vấn đề bao trùm hơn”.
Một tàu chở dầu của Oman tại cảng Châu Sơn, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc (ẢNh: VCG/GETTY IMAGES)
Trung Quốc đã ở Trung Đông
Vịnh Oman không chỉ phân cách Oman với Iran mà còn phân cách Oman với Pakistan. Ở mũi phía tây nam của Pakistan gần biên giới Iran, Trung Quốc đã xây dựng xong cảng container hàng đầu thế giới tại Gwadar của Pakistan.
Hiện nay Bắc Kinh đang nỗ lực kết nối cảng này với phía tây Trung Quốc bằng hệ thống đường bộ, đường sắt và đường ống dẫn. Từ cảng Gwadar, người Trung Quốc có thể giám sát tình hình vận chuyển ở eo biển Hormuz.
Mối quan tâm của Trung Quốc đối với cảng Gwadar - do công ty Cảng hải ngoại Trung Quốc (China Overseas Ports) vận hành từ năm 2013 - xuất phát từ giá trị chiến lược của cảng trong việc vận tải dầu thô từ Trung Đông về khu vực phía Tây của Trung Quốc mà không cần phải đi qua eo biển Malacca. Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển của Trung Quốc cũng có tiềm năng sử dụng cho các mục đích quân sự.
Theo ông Kaplan, hiện nay Trung Quốc đang tính đến việc xây dựng căn cứ Hải quân áp sát về biên giới Iran. Vấn đề là do sự ra đời của cuộc cách mạng khí đá phiến khiến nhu cầu của Mỹ về nhập khẩu dầu ngày càng ít đi, thế nhưng Vịnh Oman không chỉ là tuyến đường thủy để vận chuyển dầu mà còn là vùng trọng yếu trong sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc nối liền Trung Đông với Nam Á và Đông Á.
Như vậy tại Trung Đông, trong sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc thì Gwadar là cứ điểm then chốt về mặt hàng hải. Nhưng phân tích còn cho rằng, mối quan tâm của Trung Quốc đối với Iran còn nằm trên đất liền với các tuyến đường mà hiện nay Trung Quốc đang xây dựng ở Trung Á nối Trung Quốc với Iran, một kết hợp lý tưởng tại Lục địa Á-Âu, tại đó Iran là vùng quan trọng về mặt dân số và địa lý.
Có thể thấy, trong bức tranh với Iran là điểm nhấn này thể hiện hai cực tương phản giữa Mỹ và Trung Quốc: Chính quyền Trump thì đang xem xét khai chiến với Iran, còn người Trung Quốc thì đang tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng và hoạt động thương mại tại khu vực.
Với bối cảnh như vậy, những đe dọa phát động cuộc chiến chống Iran chẳng khác nào thúc đẩy Tehran "ngả" nhanh hơn về phía Trung Quốc - nước hiện đang chiếm gần 1/3 tổng giao dịch năng lượng của Iran. Mối liên kết lợi ích to lớn như vậy dường như sẽ khiến các lệnh cấm vận của Mỹ không còn phát huy nhiều tác dụng.
Trong chiến lược trở thành cường quốc đại dương của Trung Quốc, Vịnh Oman là khu vực đặc biệt quan trọng. Mục tiêu của Trung Quốc là thông qua đường ống lên phía bắc để trực tiếp vận chuyển dầu và khí đốt đến Trung Quốc thay thế tuyến eo biển Malacca giữa Malaysia và Indonesia mà hiện nay Trung Quốc quá phụ thuộc.
Iran là trung tâm địa chính trị của thế kỷ 21
Là nước trọng điểm của tuyến đường thương mại vùng Trung Á, nằm ở trung tâm của mạng lưới dầu khí Ấn Độ Dương, Iran còn sở hữu đường bờ biển trải dài hơn 1500 dặm từ Iraq tới Pakistan; Iran cũng là mắt xích quan trọng trong kế hoạch của Trung Quốc, là mắt xích quan trọng của Lục địa Á-Âu trong kế hoạch của Trung Quốc.
Với những lý do đó, nhiều chuyên gia khẳng định Iran chính là trung tâm địa chính trị của thế kỷ 21.
Cùng việc nhấn mạnh lại tầm quan trọng về yếu tố địa lý của Iran, giới phân tích cũng nhận định hiện nay ở vùng Vịnh Ba Tư, Trung Quốc không giữ vai quan trọng duy nhất. Liên quan đến kết nối Vịnh Oman và nội địa Á-Âu, người Ấn Độ và người Iran đang cạnh tranh với Trung Quốc-Pakistan, hy vọng kết nối đông nam Iran với khu vực Trung Á giàu năng lượng.
Hiện chưa thể biết nỗ lực của bên nào sẽ thành công, hay cả hai cùng thành công. Nhưng bất kể thế nào, người Mỹ cũng đang nằm ngoài cuộc chơi này.
Kaplan nhận định: “Trung Quốc có chiến lược đầy tham vọng để thâu tóm tất cả những khu vực địa lý và văn hóa này. Ngược lại, Mỹ thì đang tính toán thiển cận với chiến lược phát động chiến tranh nhằm vào Iran. Tại vùng biển Lục địa Á-Âu, Mỹ đã rút khỏi liên minh thương mại tự do có tên là ‘Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương’ (TPP), cho thấy Washington không có kế hoạch cạnh tranh với Sáng kiến ‘Vành đai và Con đường’”.
Biện pháp nào cho Mỹ trong thử thách Iran?
Thử thách Iran đối với Mỹ là hết sức khó khăn, bởi Tehran nằm trong kế hoạch của Trung Quốc là trung tâm của sáng kiến “Vành đai và Con đường”, và Mỹ không thể thay đổi được điều này.
Iran có chính quyền tôn giáo bao trùm khắp đất nước. Niềm tin tín ngưỡng kiên cố này là bài toán quá khó khăn cho Mỹ nếu muốn thay đổi bằng vũ lực.
Động thái cứng rắn quá mức của chính quyền Trump đối với Iran không chỉ thúc đẩy Iran ngày càng rơi về “vòng tay” Trung Quốc, mà một viễn cảnh khác có thể còn tồi tệ hơn, như cảnh báo hôm 2/7 của Sputnik News (Nga) rằng luồng quan điểm từ những quan chức thân cận thúc giục ông Trump hành động quân sự chống lại Iran là rất nguy hiểm, thậm chí có thể khiến Mỹ bị sa lầy vào một một phiên bản "chiến tranh Việt Nam 2.0" trước Tehran.