Tại sao Mỹ lo sợ và phải tìm mọi cách "truy cùng diệt tận" F-14 Iran nếu chiến tranh?

Lâm Vy |

Trong nhiều năm qua, Mỹ đã tìm vô số cách để buộc những chiếc F-14 của Iran phải "đắp chiếu".

Cái khó ló cái khôn

Căng thẳng đã leo thang tại vịnh Ba Tư sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định rằng Mỹ sẽ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạn chế chương trình hạt nhân của Iran.

Trong thời gian gần đây, quân đội Mỹ đã nhiều lần ám chỉ Tehran có dính líu tới một số vụ tấn công nhằm vào các tàu dân sự hoạt động gần Iran. Hải quân Mỹ đã điều nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln tới khu vực này. Không quân Mỹ cũng có động thái triển khai các máy bay ném bom B-52, cùng tiêm kích tàng hình F-22 và F-35.

Nếu chiến tranh nổ ra, các lực lượng Mỹ có lẽ sẽ tìm cách bảo toàn không phận vùng Vịnh bằng cách phá hủy hoặc áp chế không quân Iran. Hiện Không quân quy ước của Iran (IRIAF) và các không đoàn của lực lượng Vệ binh Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRGC) đang phối hợp vận hành khoảng 700 máy bay.

Các tiêm kích "cổ" F-14 có từ những năm 1970 của IRIAF có thể sẽ trở thành mục tiêu đầu tiên của Mỹ. Theo một bản khảo sát của tờ Flight Global, không quân Iran trong năm 2019 đang vận hành khoảng 24 tiêm kích Tomcat từng thuộc lô 79 chiếc mà nước này mua vào giữa những năm 1970, trước khi diễn ra cách mạng Iran.

Tại sao Mỹ lo sợ và phải tìm mọi cách truy cùng diệt tận F-14 Iran nếu chiến tranh? - Ảnh 1.

Tiêm kích F-14 của Iran.

Hải quân Mỹ đã loại biên chiếc Tomcat cuối cùng vào năm 2006. Tuy nhiên, với tầm hoạt động xa và radar mạnh mẽ, F-14 vẫn được đánh giá là một trong những mẫu chiến đấu cơ đáng gờm nhất trên thế giới. Vì lý do đó, trong nhiều năm qua, Mỹ đã tìm cách để buộc những chiếc F-14 của Iran phải "đắp chiếu".

Iran còn lại 68 chiếc F-14 sau khi chiến tranh Iran-Iraq kết thúc trong năm 1988. Song, các biện pháp trừng phạt do Mỹ áp đặt sau cuộc cách mạng năm 1979 đã khiến Iran gặp khó khăn trong việc mua sắm phụ tùng cho những chiếc máy bay này.

Tehran đã xây dựng các chương trình "tự cung tự cấp", không chỉ áp dụng trong không quân, mà còn trên khắp các lĩnh vực của nền kinh tế, nhằm đáp ứng được nhu cầu về những nguyên vật liệu do các công ty nước ngoài cung ứng trước đây.

Trong nhiều lĩnh vực, sáng kiến tự cung tự cấp đã phát huy hiệu quả. Bên cạnh việc tự sản xuất dầu mỏ, Iran còn trở nên độc lập trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất thép, phát điện và hàng không dân sự.

Tuy nhiên, các công ty của Iran gặp khó khăn khi phải sản xuất toàn bộ các bộ phận chuyên biệt dành cho tiêm kích Tomcat. Do đó, Tehran đã tìm tới "chợ đen", bỏ ra những khoản tiền khổng lồ cho những mối trung gian để "tuồn" phụ tùng của F-14 sang Iran.

Cuộc chiến phụ tùng

Giới chức Mỹ phát hiện hoạt động thương mại phi pháp này từ năm 1988.

Tháng 3 năm đó, các cơ quan liên bang đã bắt giữ Parviz Lavi (sinh ra ở Iran) tại căn nhà của đối tượng này ở Long Island (Mỹ) vì vi phạm luật xuất khẩu của Mỹ, khi tìm cách bán lậu các loại phụ tùng dành cho động cơ TF-30 của F-14 và vận chuyển chúng tới Iran qua Hà Lan. Lavi lĩnh án 5 năm tù giam và 125.000 USD tiền phạt.

Các cơ quan an ninh Mỹ đã tiến hành thêm một số vụ bắt giữ tương tự trong thời gian sau đó. Năm 1998, một nhà kinh doanh phụ tùng máy bay tại San Diego báo với các quan chức hải quan Mỹ rằng công ty Multicore ở California đã đề nghị mua thông tin có liên tới hệ thống hút gió dành riêng cho F-14.

Kết quả là, hai thành viên của Multicore, gồm Saeed Homayouni (người Iran, nhập tịch Canada) và Yew Leng Fung (một công dân người Malaysia) đã bị bắt giữ.

"Hồ sơ lưu trữ tại ngân hàng cho thấy Multicore đã tiến hành 399 giao dịch thanh toán với tổng số tiền 2,26 triệu USD cho các môi giới buôn bán phụ tùng quân sự từ năm 1995, và công ty này cũng đã nhận được các khoản tiền đặt cọc với tổng giá trị 2,21 triệu USD" – Tờ Washington Post cho hay. Phần lớn số phụ tùng đó được Multicore vận chuyển qua Singapore.

Cơ quan liên bang Mỹ bắt đầu điều tra 18 công ty cung cấp các bộ phận máy bay cho Multicore.

Tháng 9/2003, các cơ quan chức năng Mỹ đã bắt giữ được Serzhik Avasappian (người Iran) tại một khách sạn ở Nam Florida. Họ "nhử mồi" bằng cách giới thiệu cho Avasappian một số loại phụ tùng của F-14 trị giá 800.000 USD và bắt giữ đối tượng này sau khi hắn đề nghị mua số phụ tùng trên.

Mặc dù giới chức Mỹ đã tìm mọi cách ngăn chặn các hoạt động buôn lậu phụ tùng F-14 nhưng Iran vẫn không chịu từ bỏ. Sau khi đóng cửa Multicore, cơ quan liên bang Mỹ đã tịch thu số phụ tùng F-14 do công ty này nắm giữ và giao cho văn phòng quản lý các thiết bị dư thừa của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Tuy nhiên, tới năm 2005, một công ty khác – được cho là của Iran – đã mua số phụ tùng này từ quân đội Mỹ.

Cuộc chiến phụ tùng đã leo thang sau khi Hải quân Mỹ loại biên những chiếc F-14 cuối cùng vào năm 2006, khiến Iran trở thành quốc gia duy nhất còn vận hành mẫu máy bay này.

Trong năm 2007, Mỹ thu giữ 4 chiếc F-14 đã qua sử dụng nhưng còn nguyên vẹn của Hải quân Mỹ tại California – 3 chiếc tại bảo tàng và 1 chiếc thuộc về nhà sản xuất chương trình truyền hình JAG (một chương trình có đề tài về quân đội Mỹ) do lo ngại rằng những chiếc F-14 này chưa được tháo dỡ các bộ phận quan trọng, có thể rơi vào tay Iran.

Quốc hội Mỹ đã tỏ ra giận dữ khi Lầu Năm Góc quản lý lỏng lẻo vấn đề liên quan tới phụ tùng của F-14. Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Christopher Shays chỉ trích đây là một "thất bại khổng lồ và tuyệt đối".

Trong khi đó, các nhà hành pháp Mỹ phải ngay lập tức thông qua đạo luật đặc biệt nghiêm cấm mọi hành vi giao dịch, buôn bán các bộ phận phụ tùng của F-14 sang Iran hoặc các bên khác. Tổng thống Mỹ khi đó George W. Bush đã ký phê chuẩn điều luật này vào năm 2008.

Quân đội Mỹ đã phải thuê các nhà thầu tháo dỡ và "xẻ thịt" phần lớn trong số 150 chiếc F-14 bị loại biên.

Những chiếc F-14 "được về hưu đúng nghĩa" hiện đang được trưng bày tại nhiều bảo tàng trên khắp nước Mỹ, song không có chiếc nào được lưu giữ tại "nghĩa địa" nổi tiếng ở Arizona – nơi Lầu Năm Góc lưu trữ những chiếc máy bay đã bị loại biên nhằm phòng bị cho trường hợp cần đến.

Ngay cả khi đó, hoạt động buôn lậu phụ tùng của F-14 vẫn tiếp diễn, với các công ty trá hình tiếp tục lùng sục để có được những bộ phận phụ tùng còn sót lại. Đầu năm 2004, cơ quan an ninh của Mỹ đã tiến hành điều tra một số tay buôn người Israel khi những đối tượng này hai lần tìm cách bán phụ tùng F-14 cho Iran.

Tại sao Mỹ lo sợ và phải tìm mọi cách truy cùng diệt tận F-14 Iran nếu chiến tranh? - Ảnh 3.
Tại sao Mỹ lo sợ và phải tìm mọi cách truy cùng diệt tận F-14 Iran nếu chiến tranh? - Ảnh 4.

Phần thân của hai chiếc F-14 được tìm thấy ở Temple, Texas

Cuối năm 2016, chuyên gia hàng không Erik Johnston đến từ Dallas – đại diện của Viện bảo tàng hàng không Fort Worth và một công nhân của hãng đường sắt Union Pacific đã phát hiện hai thân máy bay F-14 tại một mảnh đất tư nhân ở Temple, Texas.

Theo tờ Houston Chronicle, hai chiếc F-14 này bằng cách nào đó đã xuất hiện tại Temple vào cuối những năm 1980 sau khi chính phủ Mỹ thuê nhà thầu tháo dỡ chúng.

Đây là một phát hiện đáng ngờ, Johnston cho biết ông đã rất sốc khi những chiếc F-14 này bị lọt ra ngoài tầm kiểm soát của chính phủ Mỹ, nhất là trong bối cảnh Iran đang có một sự khao khát mạnh mẽ đối với phụ tùng của chúng.

"Việc này khiến chúng tôi cứ thắc mắc mãi rằng tại sao hai chiếc F-14 lại từ đó" – ông Johnston nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại