Việc Mỹ triển khai các tiêm kích tàng hình chiếm ưu thế trên không F-22 từ Không đoàn máy bay chiến đấu 192 tới căn cứ không quân Al Udeid tại Qatar đã đánh dấu một bước leo thang lớn trong mối quan hệ căng thẳng với Iran.
Động thái này diễn ra 1 tuần sau khi phòng không Iran bắn hạ một máy bay trinh sát không người lái RQ-4A Global Hawk trị giá hơn 220 triệu USD của Mỹ khi chiếc máy bay này đang hoạt động trong hoặc rất gần không phận Iran.
Phi đội F-22 là đơn vị tác chiến đường không mới nhất được Mỹ triển khai tới khu vực nhằm đối phó với Tehran. Trước chúng là phi đội tiêm kích hạng nhẹ đa nhiệm F-35A, tiêm kích chiếm ưu thế đường không F-15C, tiêm kích tấn công F-15SE, máy bay ném bom hạng nặng B-52H cùng các tiêm kích hạng trung đa nhiệm F-18E Super Hornet.
Đại diện cho công nghệ tiên tiến của ngành hàng không quân sự Mỹ, và là tiêm kích thế hệ 5 duy nhất của phương Tây đạt khả năng hoạt động đầy đủ, đợt triển khai của F-22 Raptor có sự khác biệt so với đợt triển khai của các loại tiêm kích trước, và tạo ra mối đe dọa rõ rệt nhất đối với Iran tính đến thời điểm này.
Hệ thống tên lửa Khordad 3 của Iran.
Là tiêm kích hạng nặng tối tân có vai trò chiếm ưu thế trên không nên khung máy bay của F-22 được thiết kế đặc biệt, cho phép nó hoạt động ở độ cao 20km, tốc độ trên Mach 2.2 và có khả năng thọc sâu vào không phận của đối phương.
Nó có độ cơ động rất cao và là tiêm kích phương Tây duy nhất được tích hợp các hệ thống vector lực đẩy để phục vụ cho mục đích này. Khả năng sống sót của Raptor được nâng cao nhờ tính năng tàng hình, qua mặt radar.
Hiện phòng không Iran phụ thuộc nhiều vào các hệ thống phòng không trên bộ, trong đó có tổ hợp Khordad 3 đã bắn hạ chiếc RQ-4A dạo gần đây, các hệ thống phòng không tầm xa S-200 và S-300PMU-2 do Nga chế tạo.
Tehran cũng triển khai 2 phi đội chiến đấu cơ trang bị tên lửa không-đối-không hiện đại, trong đó các tiêm kích F-14 Tomcat được vũ trang tên lửa tầm xa siêu thanh Fakour 90, nhờ thế chúng được tối ưu hóa khả năng tấn công bên ngoài tầm nhìn.
Tiêm kích F-14 Tomcat.
Đối diện với hàng phòng thủ của Iran, F-22 vẫn duy trì được ưu thế đáng kể. Khả năng sống sót mang lại cho nó cơ hội cao để xâm nhập vào mạng lưới phòng không Iran, đồng thời tiến hành các đợt không kích nhằm vào các trạm radar và bệ phóng tên lửa của Tehran, từ đó làm suy yếu mạng lưới này.
Raptor cũng là phương tiện lý tưởng để truy lùng và tiêu diệt các máy bay F-14 Tomcat do khả năng tàng hình và cơ động cao giúp F-22 tăng khả năng sống sót trước các cuộc tấn công không-đối-không tầm xa, từ đó tạo điều kiện cho các máy bay chiến đấu khác của Mỹ áp sát và vô hiệu hóa các máy bay của Iran trong không gian hẹp.
Các hệ thống phòng không trên bộ và các phi đội F-14 của Iran được xem là mối đe dọa lớn đối với các phương tiện tác chiến đường không của Mỹ, nhất là tạo ra mối đe dọa lớn đối với các tiêm kích F-15C và F-18E do hai loại máy bay này có khả năng cơ động thấp hơn và không có khả năng tàng hình.
Raptor còn duy trì được lợi thế nhờ triển khai các tên lửa không-đối-không AIM-120D tầm bắn 180km (hiện là loại máy bay duy nhất có thể tích hợp tên lửa này), xa hơn tên lửa AIM-120C trang bị cho các phi đội F-15 và F-18.
Theo tạp chí MW, bằng cách triển khai F-22 tới vùng Vịnh, quân đội Mỹ đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Iran, rằng nếu chiến tranh nổ ra, lực lượng không quân và phòng không của Iran sẽ phải đối mặt với loại tiêm kích tiên tiến nhất của phương Tây.
Mặc dù phi đội tiêm kích F-35A được triển khai trước đó có khả năng tàng hình nhưng chúng vẫn chưa đạt khả năng hoạt động đầy đủ. Bên cạnh đó, F-35 được thiết kế ở hạng nhẹ hơn và để bổ trợ cho F-22.
F-35 vẫn còn nhiều lỗi phải khắc phục trước khi chúng thực sự sẵn sàng cho những nhiệm vụ ở vùng không phận tranh chấp cao.
Mỹ điều tiêm kích tàng hình F-22 tới sát Iran