Kịch bản chiến tranh: Iran phục kích, đánh úp tàu chiến Mỹ - Cuộc trả đũa đẫm máu bắt đầu

Trịnh Ngọc Tiến |

Các chuyên gia quân sự Mỹ đã xây dựng một kế hoạch quân sự chống lại Iran có tên là "Bão táp sa mạc" 2.0

Cuộc đối đầu giữa Washington và Tehran đang ngày càng sâu sắc, mặc dù mỗi bên đều tuyên bố không hề muốn chiến tranh nhưng không thể loại trừ một cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran, nhất là khi trong thời gian qua có những diễn biến hết sức căng thẳng, và chỉ cần một bên thiếu hành động kiềm chế cũng có thể dẫn đến xung đột.

Trong trường hợp có một cuộc xung đột Mỹ - Iran, kịch bản chiến tranh sẽ như thế nào?

Tạo cớ khơi ngòi chiến tranh

Đêm khuya, ở đâu đó ngoài khơi Iran, các thủy thủ Hải quân Mỹ đang ngủ say sau một ngày tuần tra trên biển, đột nhiên một vụ nổ cực mạnh làm rung chuyển thân tàu và đánh thức các thủy thủ. Có lẽ đây là một tàu ngầm mini của Iran, hoặc một máy bay không người lái đã tấn công một tàu chiến Mỹ, nước nhanh chóng chảy vào các khoang của con tàu đang chìm.

Trường hợp khác là việc Mỹ tung "bằng chứng" về sự tham gia của Iran trong đánh chìm tàu chở dầu của một quốc gia "trung lập".

Trong vòng vài giờ sau vụ việc, các nhà lãnh đạo Iran tuyên bố rằng Iran không hề dính líu vào các vụ tấn công trên.

Trong khi đó, Mỹ tuyên bố có đủ bằng chứng kết tội Iran tiến công tàu Mỹ (hoặc các tàu chở dầu). Để đáp trả các hành động của Iran, quân đội Mỹ bắt đầu triển khai các hoạt động quân sự chống Iran.

Những bước chính của Kế hoạch "Bão táp sa mạc" 2.0

Về phía Mỹ: Các mũi tiến công lớn của Không quân và Hải quân bằng tên lửa hành trình chủ yếu nhằm vào các trận địa tên lửa của Iran được triển khai dọc theo bờ biển phía nam của nước này. Mục đích nhằm ngăn chặn mọi hành động trả đũa (có thể có) của Tehran chống lại lực lượng Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở khu vực Trung Đông.

Về phản ứng của Iran: Tại các điểm trung chuyển quan trọng như kênh đào Suez và eo biển Hormuz, Iran có thể thực hiện những vụ đánh bom tự sát. Khu vực bờ biển gần Yemen, tận dụng các mũi đất và vịnh nhỏ, Iran bố trí các tàu "cảm tử" mang thuốc nổ hoặc tên lửa, tận dụng ưu thế địa hình, bí mật, bất ngờ tiến công các tàu cả quân sự (và cả tàu dân sự) ở cự ly gần.

Cùng với hoạt động quân sự, các nhà lãnh đạo của cả Mỹ và Iran sẽ phát đi những thông điệp "cứng rắn" của họ thông qua tất cả các phương tiện truyền thông. Đồng thời, cả Washington và Tehran đều lên án, đỗ lỗi tình hình căng thẳng cho nhau, cho rằng quốc gia họ không hề muốn chiến tranh.

Đám đông những người ủng hộ Iran tập trung gần các cơ quan ngoại giao của Mỹ ở khu vực Trung Đông, đầu tiên là hành động biểu tình, sau đó chuyển sang ném đá và cuối cùng là bạo lực.

Các cuộc tấn công mạng nhằm vào nhau, dẫn đến việc ngắt kết nối toàn bộ lưới điện của các quốc gia trong khu vực.

Chiến trường trên biển

Thay vì trực tiếp giao chiến với Hải quân Mỹ, Iran sử dụng tàu cao tốc loại nhỏ, máy bay không người lái và thủy lôi để đối phó với hạm đội Mỹ, đặc biệt là ở những nơi như Eo biển Hormuz, đây là hành lang quan trọng nối Vịnh Ba Tư với Vịnh Oman.

Nhưng mối đe dọa đối với hải quân Mỹ chính là lực lượng tàu ngầm hùng hậu của Iran. Hiện nay hải quân Iran đang có trong biên chế tàu ngầm lớp Fateh, tàu có chiều dài 40 mét và có thể hoạt động ở vùng nước rất nông; vũ khí chính là tên lửa hành trình tiến công mặt đất với tầm bắn khoảng 2.000 km.

Kịch bản chiến tranh: Iran phục kích, đánh úp tàu chiến Mỹ - Cuộc trả đũa đẫm máu bắt đầu - Ảnh 1.

Tàu ngầm lớp Fateh của Iran.

Một mối đe dọa khác đối với hạm đội Mỹ ở Vịnh Ba Tư là tàu ngầm mini lớp Qadir (hay Ghadir) có lượng giãn nước khi nổi khoảng 115 tấn; hải quân Iran hiện có 23 chiếc tàu ngầm loại này. Qadir đã phục vụ trong Hải quân Iran từ năm 2007, có tốc độ tối đa 11 hải lý/giờ, thủy thủ đoàn 18 người, tàu được trang bị ngư lôi và thủy lôi.

Tàu ngầm Qadir có kích thước nhỏ, vì vậy rất cơ động khi hoạt động ở vùng nước nông, khó bị sonar phát hiện vì chúng rất yên tĩnh khi di chuyển.

Ngoài các tàu ngầm nhỏ do Iran tự chế tạo, hải quân Iran còn có tàu ngầm lớp Kilo 877EKM mua của Nga, có biệt danh là "hố đen đại dương" và tương đối nhiều tàu ngầm mini lớp Yugo mua của Triều Tiên, có thể sử dụng phục kích phóng ngư lôi, thả thủy lôi cũng như các tổ biệt kích.

Nếu Hải quân Iran gây ra thiệt hại (thậm chí là không đáng kể) cho Hải quân Mỹ, trong mắt cộng đồng thế giới, những hành động như vậy sẽ giống như một chiến thắng lớn.

Kịch bản chiến tranh: Iran phục kích, đánh úp tàu chiến Mỹ - Cuộc trả đũa đẫm máu bắt đầu - Ảnh 2.

Iran từng nhiều lần thực hành đánh chìm tàu sân bay Mỹ để chuẩn bị cho tình huống xung đột.

Trong cuộc xâm lược Iraq năm 2003, Mỹ đã đưa toàn bộ đội tàu của Hải quân Mỹ đến Vịnh Ba Tư và vùng biển lân cận, gồm 5 nhóm tàu sân bay, tàu chiến, tàu tuần dương và tàu khu trục. Nhưng theo các chuyên gia quân sự, các hoạt động như vậy là không thể đối với Iran.

Cùng với đó là sự bất lợi về mặt địa lý, do Vịnh Ba Tư có chiều ngang rất hẹp nên hải quân Mỹ cũng không thể triển khai lực lượng lớn. Nếu xung đột xảy ra, hải quân Mỹ phải triển khai ít nhất 3 nhóm tàu sân bay thì mới có thể tạo được thế áp đảo với hải quân Iran.

Không giống như cuộc chiến ở Iraq, các cuộc tấn công của hải quân Mỹ vào Iran sẽ kéo dài trên toàn bộ phía Nam của Iran, các mũi tiến công có thể từ hướng Vịnh Ba Tư cũng như từ hướng biển Ả Rập. Tuy nhiên, Iran sẽ tận dụng địa thế khu vực eo biển Hormuz, đối diện với Oman để khống chế các biên đội tàu của hải quân mỹ từ biển Ả Rập tiến vào Vịnh Ba Tư.

Chiến trường trên bộ

Lực lượng Lục quân Mỹ luôn đóng một vai trò quan trọng trong bất kỳ cuộc xung đột nào trên thế giới nhưng nếu sử dụng lực lượng lục quân với quy mô lớn tiến công vào Iran thì đây có lẽ là kế hoạch khó có tính khả thi.

Sẽ không có kịch bản từng đoàn xe tăng chiến đấu hạng nặng M1A1 Abram, xe chiến đấu bộ binh Stryker và các đoàn xe bọc thép Humve diễu hành qua sa mạc của Iran như trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất.

Kịch bản chiến tranh: Iran phục kích, đánh úp tàu chiến Mỹ - Cuộc trả đũa đẫm máu bắt đầu - Ảnh 3.

Kịch bản sử dụng lục quân để tấn công Iran được đánh giá là khó có tính khả thi.

Lục quân Mỹ đã có một kịch bản khác khi tiến công vào lãnh thổ Iran, họ sẽ thiên về sử dụng hỏa lực như sử dụng các loại máy bay trực thăng tiến công, các hệ thống pháo phản lực bắn loạt cơ động cao HIMARS; các hệ thống này chiến đấu dưới cái ô bảo vệ vững chắc của các hệ thống tên lửa phòng không Patriot.

Tuy nhiên Iran sẽ sử dụng các đòn phản công bằng tên lửa vào các căn cứ quân sự Mỹ ở khu vực Trung Đông; ngoài ra họ còn sử dụng các lực lượng quân sự mà họ tài trợ hoặc nuôi dưỡng để tiến công lực lượng Mỹ ở Syria, Iraq, Ả Rập Saudi và Kuwait và đẩy khủng hoảng lan ra toàn khu vực vùng Vịnh.

Trong những lực lượng được Iran huấn luyện và tài trợ, có lực lượng du kích Hezbollah là thiện chiến hơn cả; đây là lực lượng được tổ chức chặt chẽ, quân số đông, huấn luyện và trang bị rất tốt, có kinh nghiệm trong chiến đấu, mà ngay quân đội Israel cũng phải rất dè chừng.

Về vũ khí sử dụng trên bộ, cả Mỹ và Iran sẽ đều sử dụng vũ khí có tính chính xác cao; phía Mỹ sẽ sử dụng rộng rãi các loại bom xuyên phá hầm ngầm để phá hủy các kho chứa tên lửa, cơ sở hạt nhân nằm sâu dưới lòng đất.

Một lực lượng cũng được phía quân đội Mỹ sử dụng rộng rãi khi tiến công trên bộ vào Iran đó là Lực lượng đặc nhiệm.

Nhiệm vụ của các nhóm đặc nhiệm là luồn sâu vào lãnh thổ Iran để phá hủy các trận địa tên lửa, làm gián đoạn đường dây liên lạc, cung cấp các địa điểm phát triển nhiên liệu hạt nhân hoặc phá hủy khi có thời cơ, chỉ thị mục tiêu chính xác, phá hoại cầu cống, bắt cóc, ám sát các nhân vật quan trọng trong chính quyền và quân đội Iran...

Chiến trường trên không

Bất kỳ chiến dịch trên không nào chống lại Iran sẽ rất khác so với các hoạt động của Không quân Mỹ trong quá khứ, chủ yếu là vì phòng không Iran hiện đại hơn các đối thủ trước đây của Mỹ.

Để tấn công các hệ thống tên lửa phòng không và hệ thống radar của Iran, Mỹ sẽ phải phá hủy chứ không thể dùng biện pháp chế áp điện tử. Do vậy, không quân Mỹ phải sử dụng rộng rãi các loại máy bay tàng hình hiện có trong biên chế như máy bay ném bom chiến lược B-2 Spirit, máy bay chiến đấu F-22 và F-35 để tiếp cận các trận địa radar, tên lửa của Iran.

Kịch bản chiến tranh: Iran phục kích, đánh úp tàu chiến Mỹ - Cuộc trả đũa đẫm máu bắt đầu - Ảnh 4.

Nếu chiến tranh với Iran, Mỹ sẽ phải sử dụng rộng rãi lực lượng máy bay tàng hình.

Những máy bay tàng hình sẽ phải sử dụng các biện pháp kỹ thuật để vượt qua sự theo dõi của các hệ thống phòng không S-300 do Nga sản xuất và Bavaria (có tính năng tương tự S-300) do Iran sản xuất.

Tuy nhiên theo các chuyên gia quân sự, các hệ thống phòng không của Iran cũng không quá mạnh như tuyên bố, phần vì các hệ thống phòng không đều là thế hệ cũ, lạc hậu và chắp vá (gồm cả nguồn gốc từ Nga, Mỹ và châu Âu).

Iran chỉ có một vài hệ thống phòng không S-300 mới mua của Nga, nhưng khó có thể bảo đảm an ninh không phận.

Nếu cuộc xung đột xảy ra, bằng sức mạnh không quân vượt trội, các cuộc tiến công bằng đường không của không quân Mỹ "có thể được giải quyết nhanh chóng, dữ dội và quyết đoán trong vòng vài ngày đến vài tuần chứ không phải tháng và năm", các chuyên gia quân sự nhận định.

Để có thể bình định Iran như đã từng làm với Iraq, Mỹ sẽ phải thực hiện các hoạt động huy động và tập trung lực lượng chiếm phần lớn lực lượng không quân và hải quân của Mỹ. Nhưng một hành động như vậy, Mỹ rất khó để đạt được một bất ngờ về chiến lược, vì việc di chuyển lực lượng đến khu vực Trung Đông sẽ bị Iran chú ý và theo dõi chặt chẽ.

Không ai ở Mỹ ủng hộ một cuộc chiếm đóng quy mô lớn, tương tự như cuộc xâm lược Iraq của Mỹ vào năm 2003.

Song, nếu một kịch bản như vậy xảy ra, ngay cả với những người Iran có khác biệt về chính trị, họ sẽ đoàn kết xung quanh các nhà lãnh đạo của họ và ủng hộ chế độ trong cuộc chiến chống lại kẻ xâm lược bên ngoài và nước Mỹ lại dễ sa vào vũng lầy không hề mong muốn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại