Trận đánh rung chuyển và chấn động bậc nhất của Không quân nhân dân Việt Nam

Lê Tiên Long |

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, không quân nhân dân Việt Nam đã đánh một trận oanh liệt, góp phần dẫn tới việc làm chế độ Sài Gòn sụp đổ.

Như vậy, bên cạnh 5 cánh quân trên bộ, 5 máy bay của Phi đội Quyết Thắng như một mũi tấn công thứ 6 chọc thẳng vào sào huyệt đối phương, để làm nên chiến thắng lịch sử.

Không quân nóng lòng xuất kích

Khi chiến dịch mùa Xuân năm 1975 bắt đầu, hầu như tất cả các binh chủng của bộ binh đều đã xung trận, từ tăng thiết giáp, pháo binh, cao xạ, tên lửa đến đặc công, thông tin, phòng hóa... Hải quân cũng đã xuất quân, đầu tiên là tham gia vận chuyển khí tài và chuyển quân, sau đó là tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa.

Trước khí thế đó, cán bộ, chiến sĩ không quân đứng ngồi không yên. Ai cũng nóng lòng được ra trận, cũng như sốt ruột khi sợ rằng quân chủng bỏ lỡ mất cơ hội lịch sử của quân đội.

Khi đó, đã có ý kiến đề đạt tung máy bay MiG-17 của không quân xung trận, nhưng chưa được cấp trên phê duyệt. Nguyên nhân là để đưa một lực lượng MiG đi chiến đấu, cần có cả một lực lượng đảm bảo hậu cần kỹ thuật hùng hậu đi theo.

Trong khi đó, các vùng mới giải phóng đều chưa đủ điều kiện đáp ứng các yêu cầu này.

Tuy nhiên, tiếng nổ đầu tiên của không quân đã vang lên, nhưng đến từ một cơ sở binh vận của bộ tư lệnh miền.

Chiều 8/4/1975, trung úy phi công quân lực VNCH Nguyễn Thành Trung, cơ sở cách mạng, lợi dụng nhiệm vụ lái máy bay F-5B mang bom từ sân bay Biên Hòa đi ném bom vùng giải phóng, đã bí mật tách phi đội bay về ném bom Dinh Độc Lập, sau đó xả súng vào kho xăng Nhà Bè rồi bay ra hạ cánh xuống sân bay Phước Long ở vùng giải phóng.

Ngày 29/3/1975, quân ta giải phóng thành phố Đà Nẵng, chiếm sân bay và căn cứ sư đoàn không quân số 1 của VNCH.

Số máy bay thu được có 17 máy bay cường kích A-37 do Mỹ chế tạo, loại máy bay hai người lái chuyên dùng ném bom, mỗi chiếc mang được 4 quả bom với tổng trọng lượng tới 1,1 tấn cùng rocket và súng máy.

Trận đánh rung chuyển và chấn động bậc nhất của Không quân nhân dân Việt Nam - Ảnh 2.

Phi đội Quyết thắng cất cánh đi làm nhiệm vụ. Ảnh tư liệu

Từ số vũ khí này, Bộ Tư lệnh Không quân và Bộ Tổng tư lệnh đã hình thành hướng chiến thuật mới: Dùng máy bay thu được để đánh địch. Phương án này đã được Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp phê duyệt.

Ngày 2/4, lực lượng cán bộ kỹ thuật của Quân chủng PK-KQ đã bay vào sân bay Đà Nẵng, tiến hành kiểm tra, sửa chữa các máy bay chiến lợi phẩm.

Tuy số máy bay thu được ở Đà Nẵng là 17 chiếc, nhưng đại đa số đều đã bị hư hỏng trong chiến đấu. Để khôi phục máy bay, các chiến sĩ không quân ta đã kêu gọi các binh lính kỹ thuật của không quân VNCH ra trình diện hỗ trợ.

Kết quả, ta đã khôi phục được 2 máy bay hoàn chỉnh có thể bay được. Đồng thời, các phi công lái máy bay A-37 Trần Văn On và Trần Ngọc Xanh của không quân VNCH ra trình diện cũng được đề nghị tham gia đào tạo, hướng dẫn không quân QĐNDVN học bay chuyển loại máy bay A-37.

Ngày 22/4 (chỗ này mỗi tài liệu nói một kiểu, có sách nói các phi công được đưa vào Đà Nẵng làm 2 chuyến trong 2 ngày 20 và 21/4), 4 phi công lái MiG-17 thuộc phi đội 4, Trung đoàn 923, Sư đoàn 371 gồm Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Nguyễn Văn Lục, Hoàng Mai Vượng lần lượt được máy bay vận tải đưa vào Đà Nẵng, để bắt tay ngay vào việc chuyển loại cấp tốc.

Trong 5 ngày làm việc cật lực, dưới sự hướng dẫn của các phi công Trần Văn On, Trần Ngọc Xanh và các binh sĩ kỹ thuật chế độ cũ, 4 phi công của ta đã lần lượt bay thử trên loại máy bay mới, mỗi người lần lượt cất và hạ cánh từ 2-4 lần.

Bằng nỗ lực phi thường, tất cả các phi công từ miền Bắc đều đã cơ bản bay được loại máy bay mới, khi mà thời gian để chuyển loại thông thường phải là 3 tháng.

Trong quá trình bay thử, một chiếc A-37 đã bị chảy dầu khi hạ cánh, không còn sử dụng được nữa, gây khó khăn cho công tác huấn luyện.

Rất may, ở phía Nam, mặt trận phát triển ngày một thuận lợi. Ngày 31/3, quân ta giải phóng Bình Định, chiếm sân bay Phù Cát, tiếp tục thu được 14 máy bay A-37 nữa.

Ngày 23/4, tổ kỹ thuật của quân chủng PKKQ bay vào tiếp thu máy bay ở sân bay Phù Cát. Qua quá trình kiểm tra, đa phần máy bay đều còn nguyên vẹn, ít hỏng hóc. Sau quá trình sửa chữa, thử nghiệm toàn bộ, có 7 máy bay có thể bay tốt, sẵn sàng cho nhiệm vụ chiến đấu.

Ngày 25/4, phi công Nguyễn Thành Trung được đưa từ Phước Long ra Đà Nẵng, góp mặt cùng các phi công từ miền Bắc vào tiến hành chuyển loại sang máy bay A-37.

Ngày 27/4, phi đội được đưa vào sân bay Phù Cát. Chiếc A-37 ở Đà Nẵng do Nguyễn Thành Trung và Hoàng Mai Vượng lái. Các phi công còn lại đi máy bay AN-24 vào để tiếp nhận máy bay. Những chiếc A-37 được tiến hành bay thử lần cuối trước khi bước vào trận chiến lịch sử.

Trận đánh rung chuyển và chấn động bậc nhất của Không quân nhân dân Việt Nam - Ảnh 4.

Phi đội Quyết thắng tại sân bay Thành Sơn (Phan Rang) chiều 28/4/1975 sau khi tấn công sân bay Tân Sơn Nhất.

Không quân đi sau về trước

Phương án xung trận của không quân QĐVN đã được phê duyệt: Mang bom đánh phá cơ sở quân sự quan trọng của quân lực VNCH, làm giảm khả năng phòng thủ và tấn công của đối phương, góp phần giúp đại quân nhanh chóng tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Mục tiêu được lựa chọn là sân bay Tân Sơn Nhất, vì đây là mục tiêu có diện rất rộng, có thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường khi bay trên trời.

Các yêu cầu cụ thể được đặt ra là: Không đánh bom vào đường băng, để đường cho người Mỹ rút chạy, cố gắng nhận diện để tránh xa Trại Davit, nơi có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ hai phái đoàn đại biểu quân sự VNDCCH và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đang sinh sống và làm việc.

Mục tiêu cụ thể được chỉ định là: Ném bom vào khu vực để máy bay, gây thiệt hại nặng cho lực lượng máy bay chiến đấu của đối phương, không cho chúng có cơ hội mang bom ném vào các đoàn quân giải phóng đang áp sát các cửa ngõ Sài Gòn.

Tuy nhiên, khoảng cách từ sân bay Phù Cát đến Sài Gòn khá xa, không đảm bảo cho các máy bay xuất kích đi ném bom rồi quay về. Phương án tiếp theo được lựa chọn: Xuất phát từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang) đã nằm trong tay ta từ ngày 16/4.

Sáng 28/4, trận quyết chiến cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bắt đầu nổ súng. Trước đó, Tư lệnh chiến dịch, Đại tướng Văn Tiến Dũng điện cho Không quân, nhắc nhở: Các đồng chí chỉ còn cơ hội cuối cùng này để tham gia chiến dịch.

9h30 sáng 28/4, 6 phi công trên 5 chiếc máy bay (Trần Văn On và Hoàng Mai Vượng bay chung một chiếc) tiến hành chuyển sân, từ Phù Cát bay đến hạ cánh tại Thành Sơn vào 11h30'. Tại đây, các lực lượng kỹ thuật đã tiến hành lắp lên mỗi máy bay 4 quả bom loại 250 pound và 4 thùng dầu phụ để sẵn sàng xuất kích.

14h30' chiều hôm đó, tại sân bay Thành Sơn, phi đội cùng các lực lượng yểm trợ hàng ngũ chỉnh tề, nghe Tư lệnh Quân chủng PKKQ, Đại tá Lê Văn Tri trực tiếp giao cho phi đội nhiệm vụ đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất. Phi đội cũng vinh dự được đặt tên là Phi đội Quyết Thắng.

Đúng 16h25, phi đội cất cánh.

Đội hình phi đội Quyết Thắng: Số 1 Nguyễn Thành Trung - dẫn đường; Số 2 Từ Đễ; Số 3 Nguyễn Văn Lục - Phi đội trưởng; Số 4 Trần Văn On và Hoàng Mai Vượng; Số 5 Hán Văn Quảng

Trong phi đội, số 4 và 5 có nhiệm vụ yểm trợ, sẵn sàng quăng bom đánh chặn nếu có tiêm kích địch tấn công. Hành trình của phi đội sẽ bay dọc theo bờ biển, rồi từ Vũng Tàu rẽ lên Sài Gòn, và bay thấp ở độ cao khoảng 400m để tránh radar địch phát hiện.

Bay qua Nhà Bè, nhìn thấy sân bay Tân Sơn Nhất, phi đội kéo dài đội hình, lần lượt bổ nhào xuống độ cao 450m rồi cắt bom.

Tất cả 5 máy bay đều cắt bom trúng đích, dù các máy bay của Nguyễn Thành Trung và Nguyễn Văn Lục phải cắt bom đến lần thứ hai mới ra hết bom. Bom nổ khói lửa bốc cao, mảnh vỡ của máy bay địch trên bãi đỗ văng tung tóe trong sự hoảng loạn của quân đội Sài Gòn.

Sai khi cắt bom, các máy bay của phi đội lần lượt thoát ly, bay trở về sân bay Thành Sơn hạ cánh an toàn trong tình trạng gần hết dầu.

Máy bay cuối cùng hạ cánh lúc 18h15', các phi công mở nắp buồng lái bước ra trong tiếng hoan hô, những lời chúc mừng nồng nhiệt của đồng đội.

Trận tấn công diễn ra nhanh chóng, bất ngờ khiến lực lượng phòng không quân đội VNCH dù nổ súng đánh trả nhưng không thể bắn trúng, máy bay cũng không kịp xuất kích để đánh chặn.

Bộ Tư lệnh Quân chủng PKKQ đánh giá: "Trận đánh không chỉ có giá trị lớn về tiêu diệt cả phi đoàn không quân chiến đấu của địch mà còn có ý nghĩa lớn về chiến dịch, chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước…".

Xuất phát sau, nhưng không quân đã về đích trước, góp chiến công to lớn vào thắng lợi vĩ đại của toàn dân tộc.

Trận đánh rung chuyển và chấn động bậc nhất của Không quân nhân dân Việt Nam - Ảnh 7.

Phi đội Quyết thắng về thăm lại đơn vị năm xưa. Ảnh: Đoàn Hoài Trung.

Kết quả trận đánh: Phá hủy 24 máy bay địch, tiêu diệt và làm bị thương 300 tên. Phi đội không có tổn thất

Điều đặc biệt của Phi đội Quyết Thắng: Có phi công KQNDVN; Có phi công là nội tuyến của ta trong hàng ngũ địch phản chiến; Có phi công hàng binh.

Sau ngày giải phóng miền Nam, các phi công Từ Đễ, Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Văn Lục, Hán Văn Quảng tiếp tục cống hiến cho không quân nhân dân Việt Nam.

Đại tá Từ Đễ về hưu ở vị trí Phó Cục trưởng Cục Quân huấn

Đại tá Nguyễn Văn Lục sau được bộ nhiệm vị trí Trưởng phòng Quân huấn – Nhà trường, Quân chủng PKKQ

Đại tá Hán Văn Quảng sau làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn không quân 372.

Phi công Trần Văn On tiếp tục phục vụ bay tại trung đoàn không quân 937, tham gia đánh đuổi quân Pol Pot tại biên giới Tây Nam cho đến năm 1977 thì chuyển về quê ở Tiền Giang.

Phi công Hoàng Mai Vượng hy sinh ngày 17/7/1975 trong một chuyến bay huấn luyện.

Đại tá Nguyễn Thành Trung sau đó chuyển ngành sang làm phi công cho hãng hàng không Vietnam Airlines và nghỉ hưu ở chức vụ PTGĐ hãng này.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại