LTS: Trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Liên Xô còn cử nhiều chuyên gia quân sự sang giúp chúng ta làm chủ các vũ khí, khí tài hiện đại. Nikolai Kolesnik là một trong những người như thế. Ông nguyên là chuyên gia bệ phóng của Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236 và 261 từ tháng 7 năm 1965 đến tháng 4 năm 1966.
Nhân kỷ niệm 44 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2019), xin giới thiệu với bạn đọc hồi ức của Nikolai Kolesnik về một trận đánh đặc biệt mà các chuyên gia quân sự Liên Xô sát cánh cùng bộ đội tên lửa Việt Nam. Bài viết trích lược từ sách "Việt Nam, không thể nào quên" của NXB QĐND.
---
Trận địa tên lửa được triển khai tại xã Gia sơn, huyện Gia viễn, tỉnh Ninh Bình với nhiệm vụ phục kích đánh máy bay Mỹ hàng ngày đến ném bom thị xã Phủ Lý, hòng cắt đứt đường tiếp viện của quân và dân miền Bắc đối với chiến trường miền Nam Việt Nam.
Khí thế của nhân dân địa phương trên trận địa
Hưởng ứng lời kêu gọi của Huyện ủy huyện Gia Viễn, mọi tầng lớp nhân dân địa phương, chủ yếu là cụ già, phụ nữ và trẻ em đã đến giúp chúng tôi chuẩn bị trận địa.
Đây là ông Vũ Anh, chủ nhà của chúng tôi. Ông vui vẻ, mỉm cười và hỏi tôi cần đào đất ở độ sâu bao nhiêu để đặt bệ phóng? Tôi giải thích rằng, phải đào tới độ sâu bằng chiều dài của lưỡi lê, và chuyển đất về phía nam để đắp thành một lối vào nơi đặt bệ phóng.
Ông Vũ Anh hiểu ý, lắc bộ râu thưa thớt và giơ nắm tay của mình lên trời rồi hô vang: “Máy bay Mỹ phải tan xác!”.
Còn đây là một phụ nữ còn trẻ, xinh đẹp, tên là Liên. Chị cùng với con trai 12 tuổi tên là Đông. Chị khéo léo cầm chiếc cuốc chim và đào lên những khối đất đá sỏi, cháu Đông nhanh chóng bốc đất bỏ vào các thúng ở trên quang của những người gánh đang đứng chờ.
Những phụ nữ gánh đất, cứ để đòn gánh trên vai rồi lấy hai tay lật mạnh hai giỏ đất xuống bãi, rồi nhanh chóng quay trở lại nhận chuyến tiếp theo. Người dân các nơi vẫn tiếp tục đến giúp chúng tôi. Trận địa hình như rộng ra, người đông như kiến vỡ tổ
Chỉ trong đêm đó, không dưới 300 người dân địa phương đã san lấp gần như nửa quả đồi đất sỏi để chúng tôi có trận địa, chuẩn bị bước vào cuộc chiến.
Mặc dù sau một đêm không ngủ và mệt mỏi, song nhân dân địa phương không muốn rời trận địa. Mọi người thích thú quan sát hiện trường, ngắm nhìn tên lửa, xe ô tô đặc chủng, máy kéo, các bệ phóng và ngắm cả chúng tôi nữa.
Đã gần 5 giờ sáng, mọi người phải rời trận địa trở về nhà. Trước khi ra về, họ yêu cầu chúng tôi bắn rơi ít nhất một máy bay và phải để cho họ nhìn thấy những mảnh vỡ của máy bay...
Chúng tôi hứa nhất định sẽ thực hiện yêu cầu đó. Khi chia tay, tôi đã tặng cháu Đông huy hiệu có hình nhà du hành vũ trụ Gagarin. Cháu Đông rất vui mừng. Nắm chặt chiếc huy hiệu trong bàn tay bé xíu, Đông vẫy tay tạm biệt chúng tôi và hét lên: “ Liên Xô! Gagarin! Tên lửa! Tốt! Tạm biệt! ”
Chiến đấu và chiến thắng
Mặc dù bị mệt mỏi toàn thân, đồng hồ đã chỉ 5 giờ 30 phút sáng, song cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 61 chúng tôi vẫn sẵn sàng, nghiêm chỉnh thực hiện các mệnh lệnh chiến đấu của cấp trên.
Trong ngày hôm đó, 18 lần báo động, 18 lần chúng tôi đều ở vị trí chiến đấu của mình và nín thở chờ lệnh "Phóng". Mười tám lần dây thần kinh của chúng tôi căng thẳng đến tột cùng, và 18 lần thay lệnh "Phóng" bằng lệnh "Hết báo động".
Gần tối, máy bay Mỹ ít xuất hiện và chúng cũng chỉ bay cách trận địa chúng tôi hơn 70 cây số. Chúng tôi có bữa ăn tối nhiều hơn và yên bình hơn.
Ăn tối xong, chúng tôi phân công người trực và bắt tay nhau, chúc nhau ngủ ngon và đi đến chỗ nghỉ của mình.
Tôi ngủ thiếp đi ngay lập tức... Trong mơ, tôi nghe thấy tiếng còi báo động và tôi không thể lý giải: Tôi mơ hay có còi báo động thực? Và . . . tôi hiểu đây không phải là một giấc mơ. Tôi nhảy lên, lay các bạn Liên Xô của tôi : “Dậy! Vào cấp một! ”
Lấy quần áo, mũ bảo hiểm và vừa đi vừa mặc. Tôi chạy nhanh đến bệ phóng. Trong bóng tối, tôi bắt đầu tháo các khuy cài bạt. Hai tay tôi hành động như máy và sau 15 giây tất cả các khuy cài bạt đều đã được tháo. Cần phải cuộn bạt, nhưng không thấy khẩu đội trưởng Thanh và đồng đội của Thanh?
Tôi chạy đến lán tìm Thanh. Trong lều chuông điện thoại vang lên rất dữ, còn lều thì lắc lư. Tôi đoán rằng, các bạn Việt Nam chưa tỉnh ngủ, lại ở trong bóng tối, nên không tìm được lối ra. Tôi nhổ một cọc lều ở góc và vén lều lên. Trong ánh sáng mờ mờ, chúng tôi đã nhìn thấy nhau, các bạn nhảy ra, tôi la:
- Chạy ngay đến bệ phóng! Nhanh lên! Nhanh lên nào!
Thanh cùng đồng đội cảm thấy có lỗi vì sự chậm trễ, vội vàng chạy bán thốc, bán tháo. Chúng tôi chạy đến bệ phóng, dùng sào cùng lúc hất bạt xuống đất. Các vị trí của Khẩu đội đều báo cáo “ xong ”. Thời gian chỉ tính bằng giây.
Tôi kết nối phích cắm ở thân tên lửa với bệ phóng. Tôi báo cáo với đài chỉ huy :
- Khẩu đội 5 đã sẵn sàng chiến đấu!
- Được!.
Qua hệ thống liên lạc bằng loa, mọi người có thể nghe được cuộc đàm thoại :
- Phương vị 120, cự ly 32.
- Chuyển sang chế độ bám sát tự động!
- Rõ!
Tôi ra lệnh:
- Toàn khẩu đội vào hầm!
Chúng tôi ngã lộn nhào xuống dưới khe. Tôi báo cáo qua điện thoại:
- Trung đội 3 đã vào hầm trú ẩn!
- Được! Tiêu diệt tốp mục tiêu! Ba quả, lần lượt, cách nhau 6 giây! Phóng quả thứ nhất! ( Giọng của thiếu tá chỉ huy Proskurnin ).
- Rõ, phóng quả thứ nhất! ( Sĩ quan điều khiển, trung uý Karetnikov báo cáo ).
Một tiếng nổ choáng tai, gập người chúng tôi xuống mặt đất. Tiếp theo là quả thứ 2, thứ 3... Ba khối lửa khổng lồ nối tiếp nhau lao lên trời, nhanh chóng bay về hướng nam và nổ trong vòng sát thương mục tiêu.
Khi đã bị nổ tung, máy bay Mỹ đã tạo thành những đống lửa trên mặt đất, vệt khói tạo thành quĩ đạo máy bay rơi.Toàn bầu trời chìm trong biển lửa.
Chúng tôi được kíp chiến đấu trong xe điều khiển kể lại, một hình ảnh rất ấn tượng khi nhìn vào màn hình trong ca bin:
4 máy bay Mỹ xếp thành đội hình sát cạnh nhau, ở độ cao 3000 mét, bay vào khu vực chúng tôi, bị 3 tên lửa hạ gục. Đó là ngày 21 tháng 8 năm 1965 vào lúc 23giờ 50 tại xã Gia Sơn, giáo xứ Xích Thổ, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Chúng tôi nắm chặt tay nhau, ôm nhau chúc mừng chiến công đầu.
Song, một khẩu lệnh từ chỉ huy sở vang lên :
- Tất cả vào vị trí chiến đâu!
Chúng tôi lại lao đến bệ phóng. Chúng tôi đưa xe chở tên lửa vào cầu trên bệ phóng. tổi lệnh cho Khẩu đội:
- Nạp đạn!
Chúng tôi nhanh chóng nạp đạn, kết nối thân tên lửa với bệ phóng.
- Khẩu đội 5 đã sẵn sàng! – Tôi báo cáo đài chỉ huy
- Được.. Mọi người ở lại vị trí!
Nhưng không có lệnh “Phóng !”. Sau nửa giờ chờ đợi, chỉ huy quyết định rút quân khỏi trận địa. Chúng tôi đã dốc hết sức còn lại để thu hồi khí tài. Từ mọi phía, trong bóng tối vang lên những tiếng hô bằng tiếng Nga “Đa vai! Đa vai!” và tiếng Việt “hai … ba này! Cố lên này! ”.
Chúng tôi đang thu hồi khí tài, nhân dân các làng lân cận đã kéo đến trận địa cũng náo nhiệt như đêm hôm trước. Họ chào đón chúng tôi đã đánh thắng và chân thành cảm ơn chúng tôi.
Nhiều người đã đem quà tặng chúng tôi: cam, chuối, mít. Chúng tôi rất xúc động bởi sự quan tâm như vậy.
Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ đến cái nhìn biết ơn, chứa đầy nỗi buồn của một người phụ nữ tên Loan. Tôi luôn nhớ đến cái bắt tay ấm áp của chị và câu chuyện xúc động mà chị đã kể:
“Cảm ơn các bạn! Các bạn đã trả thù cho hai con trai tôi. Mùa thu năm ngoái, máy bay Mỹ đã ném bom xuống làng chúng tôi. Quả bom đầu tiên rơi ngay xuống trường học... Không ai kịp chạy vào hầm trú ẩn. Tất cả đều hy sinh... hai con trai của tôi cũng hy sinh.
Hai con tôi đều 11 tuổi. Cha của các cháu là Diện – Liệt sĩ năm 1954 trên chiến trường Điện Biên chống thực dân Pháp. Chồng tôi không biết tôi đã sinh đôi... Và bây giờ hai con trai thân yêu của tôi cũng không còn nữa ...
Người Mỹ đáng nguyền rủa! – Chị nói với sự giận dữ và giọng run run. – Bạn hãy vui lòng cầm lấy mấy quả quýt. Quýt rất ngon. Tình và Nam của chúng tôi rất thích ăn quýt...”
Làm thế nào chúng tôi có thể giúp người phụ nữ bất hạnh này? Làm thế nào để an ủi những bà mẹ khác của các học sinh đã chết trong trận ném bom? Chỉ bằng cách là phóng tên lửa đạt hiệu quả cao. Chúng tôi đã cảm ơn tất cả mọi người đã đến chúc mừng chiến thắng của chúng tôi, chúng tôi hứa sẽ bắn rơi nhiều máy bay Mỹ.
Sau 40 phút kể từ khi có lệnh " Thu hồi khí tài-hành quân!", Tiểu đoàn đã lên xe và hành quân vào rừng. Khi đã về đến trận địa ở ngoại thành Hà Nội, chúng tôi vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đến thăm và động viên.
Tôi không bao giờ quên những kỷ niệm về trận đầu ra quân của Tiểu đoàn Tên lửa 61, Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236, QĐND Việt Nam.
Ngồi hàng đầu, từ trái sang phải: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân, ông Nikolai Kolesnik và tác giả bài viết trong lễ kỷ niệm 100 năm CM XHCN tháng Mười vĩ đại tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt-Xô (Tháng 10 năm 2017).
Sau khi từ Việt Nam trở về nước, ông Nikolai Kolesnik rất tích cực hoạt động trong các phong trào vì tình đoàn kết hữu nghị và sự hợp tác với Việt Nam.
Từ năm 1967 đến nay, ông là Uỷ viên Ban chấp hành hội Hữu nghị Nga-Việt. Đầu năm 1988, ông được bầu là Phó Chủ tịch Hội CCB Xô Viết tại Việt Nam – một tổ chức xã hội liên khu vực của các chuyên gia quân sự thuộc các nước Liên Xô cũ đã công tác ở Việt Nam trong thời kỳ 1965-1974.
Và từ năm 1994 đến nay, ông được bầu là Chủ tịch Hội CCB nói trên. Đầu năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định tặng ông Nikolai Kolesnik Huân chương Hữu nghị của Việt Nam vì đã có nhiều đóng góp vào việc củng cố và phát triển tình hữu nghị anh em và sự hợp chiến đấu giữa Quân đội và Nhân dân hai nước Việt Nam – Liên Bang Nga.
Ông vinh dự được tiếp kiến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong những lần Đoàn Đại biểu Đảng và Nhà nước Việt Nam sang thăm Liên Bang Nga.