Bí mật về những chiếc tiêm kích MiG-17, MiG-19 và MiG-21 đang "ngủ yên" trong lòng núi

Anh Tú |

Căn cứ Không quân bí mật Gjader một thời được lãnh đạo Albania xây dựng như một phần trong kế hoạch nhằm đối phó với các cuộc xâm lược từ bên ngoài.

Căn cứ Không quân bí mật Gjader

Dưới chân một ngọn đồi cằn cỗi ở phía Bắc Albania có một cánh cửa thép khổng lồ dẫn tới một căn hầm kín từng là địa điểm tuyệt mật của nước này trong quá khứ: Căn cứ Không quân Gjader.

Nằm sâu trong lòng núi, Gjader - căn cứ được tạo thành từ 600 m đường hầm, một thời từng chứng kiến hoạt động quân sự sôi động của Albania nhưng giờ đây đã biến thành kho chứa hàng chục chiếc máy bay phản lực MiG từ thời Liên Xô hiện đang bám phủ đầy bụi đất.

Chính quyền Albania hiện vẫn đang loay hoay tìm cách thanh loại số máy bay do Liên Xô và Trung Quốc chế tạo này. Đó là chưa kể tới hàng chục chiếc khác vẫn đang được lưu trữ ở một sân bay khác lân cận.

Albania gia nhập NATO năm 2009 và do vậy, theo Tổng tham mưu trưởng Quân đội Albania Bardhyl Kollcaku, nước này buộc phải tích hợp các trang thiết bị quân sự và vũ khí theo chuẩn NATO.

Ông Kollcaku cho biết, với các máy bay MiG, "ngoài những chiếc lưu giữ tại bảo tàng để làm kỷ niệm thì số còn lại sẽ được thanh lý theo quy định của pháp luật, bán hoặc dùng cho các mục đích khác".

Những máy bay này, gồm MiG-19, MiG-17 và MiG-21 cùng nhiều mẫu khác đã được Quân đội Albania loại biên từ cách đây hơn một thập kỷ.

Bí mật về những chiếc tiêm kích MiG-17, MiG-19 và MiG-21 đang ngủ yên trong lòng núi - Ảnh 1.

Cửa hầm dẫn vào Căn cứ Không quân Gjader

Nhiều viện bảo tàng cũng như giới sưu tập hàng không đã bày tỏ sự quan tâm tới số máy bay nêu trên của Albania. Năm 2016, khi lần đầu tiên Albania thảo luận về khả năng bán các máy bay MiG họ đã nhận được đề xuất từ Bảo tàng Không quân - Vũ trụ Pháp và một trường dạy phi công ở Đức.

Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có hợp đồng nào được ký kết, nguyên nhân là bởi các tiến trình liên quan tới thủ tục pháp lý.

Ngoài các tổ chức, danh sách khách hàng tiềm năng của MiG Albania còn có các cá nhân, trong đó có doanh nhân người Pháp Julien Roche. Ông muốn mua lại một chiếc MiG để trưng bày trong khu vườn nhà mình.

"Mua được loại máy bay dạng này không dễ chút nào, bởi chúng gần như đều đã bị phá hủy chứ không được cất trữ như ở Albania", Roche chia sẻ, đồng thời cho biết ông đã ghi tên để mua một chiếc MiG-15 do Trung Quốc chế tạo với giá khoảng 10.000 euro ($11.000). Đây là chiếc máy bay từng được Triều Tiên sử dụng trước khi trao tặng cho Albania.

Bí mật về những chiếc tiêm kích MiG-17, MiG-19 và MiG-21 đang ngủ yên trong lòng núi - Ảnh 2.

Cận cảnh cửa hầm cất giữ các máy bay MiG

"Chú ý! Trả tài liệu lại đúng vị trí!"

Giống như 7.000 boong-ke an ninh bê tông trải dài khắp đất nước, căn cứ Không quân bí mật Gjader được xây dựng là một phần trong kế hoạch nhằm đối phó với các cuộc xâm lược từ bên ngoài của nhà lãnh đạo Enver Hoxha.

Hơn 600 nhân viên quân sự Albania đã từng làm việc bên trong mạng lưới các đường hầm này cho tới khi chúng bị đóng cửa vào năm 2000 nhưng vẫn hạn chế tiết lộ ra công chúng.

Fatmir Danaj, Chỉ huy căn cứ Gjader hiện nay thừa nhận, các máy bay cũ khơi lại một hoài niệm rất khó diễn tả.

"Cảm giác được bay và được làm việc bên trong căn cứ này là không thể tưởng tượng nổi", Danaj chia sẻ. Năm nay đã 52 tuổi nhưng khi còn là một phi công trẻ, Danaj từng hạ cánh xuống đường băng dẫn vào hầm ngầm trong núi.

Bí mật về những chiếc tiêm kích MiG-17, MiG-19 và MiG-21 đang ngủ yên trong lòng núi - Ảnh 3.

Hàng chục máy bay tiêm kích MiG từ thời Liên Xô vẫn được Albania cất trữ

Ngày nay, rất nhiều phòng bên trong căn cứ Gjader, gồm cả một quán ăn tự phục vụ, các khu nhà nghỉ và một dãy văn phòng, đều trống rỗng, ngoại trừ rải rác đâu đó vẫn còn các mảnh vỡ và những biển hiệu đã hoen ố gắn trên cánh cửa chỉ dẫn chức năng từng phòng.

Hiện nay, Không quân Albania vẫn chỉ được trang bị một số lượng nhỏ máy bay trực thăng và không phận của họ đặt dưới sự bảo vệ của NATO.

Căn cứ đầu tiên của NATO ở khu vực Balkan sẽ được xây dựng ở vùng Kucova của Albania, địa bàn một thời từng được gọi là "Thành phố Stalin", biểu trưng cho mối quan hệ hữu hảo giữa Albania và Liên Xô cũ.

Danaj hiện vẫn đang muốn nhìn thấy căn cứ Gjader trở lại thời hoàng kim của nó.

"Có thể biến căn cứ thành một bảo tàng nhưng với cơ sở hạ tầng hiện đại, hệ thống đường hầm, nó vẫn có thể phát huy tốt chức năng của mình và phục vụ NATO", Danaj nói với giọng đầy hoài niệm.

Màn trình diễn MiG-29 ở Syria

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại