Sau Chiến tranh Lạnh, quân đội Mỹ đã không còn mặn mà với dòng tên lửa đạn đạo chiến thuật MGM-140 ATACMS. Rất nhiều nguyên nhân được đưa ra để giải thích cho thái độ này của Mỹ, nhưng hợp lý hơn cả là do Mỹ có phương châm quân sự mới khác so với trước đây, đặc biệt là trong lĩnh vực chống khủng bố.
Hơn nữa nữa, hiện nay Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và Iran đều đang đầu tư mạnh để nâng cao khả năng tấn công của tên lửa chiến lược và chiến thuật và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trên tất cả các lĩnh vực, đe dọa vị thế của cường quốc quân sự số một của Mỹ, vì vậy, Mỹ phải tập trung phát triển loại tên lửa tầm xa của mình.
Tổ hợp tên lửa DeepStrike. Nguồn: army-technology.com
Những đối thủ từ Nga, Iran và Triều Tiên
Nga thành công trong việc phát triển tổ hợp tên lửa đạn đạo tầm ngắn 9K720 Iskander, có những tính năng kỹ thuật hàng đầu thế giới, có tầm bắn tối đa 500 km, đầu đạn nặng 700 kg, đưa vào biên chế năm 2006.
Tổ hợp Iskander sử dụng xe phóng địa hình, có khả năng cơ động cao và triển khai nhanh, có độ chính xác cực kỳ cao, sai lệch mục tiêu chỉ trong vòng 5 - 7 m cả khi bắn phóng ở tầm xa nhất. Tên lửa sử dụng động cơ phản lực nhiên liệu rắn giúp dễ dàng triển khai nhanh từ các xe vừa là phương tiện vận tải vừa là bệ phóng di động.
Tên lửa đạn đạo Iskander-M của Nga ra đời thay cho tên lửa đạn đạo chiến thuật OTR-23 Oka (còn được gọi là Spider SS-23) đã bị cấm theo Hiệp ước INF, được Nga biên chế từ năm 2009, có khả năng tấn công các mục tiêu cỡ nhỏ và lớn ở khoảng cách hơn 500 km.
Iskander là vũ khí chiến thuật và chiến lược với những tính năng kỹ thuật mở, sử dụng các đầu đạn thông thường chuyên dụng như xuyên phá hầm ngầm, tác chiến điện tử EMP, mang đầu đạn thứ cấp, đầu đạn nổ hay phá mảnh tăng cường, và cả đầu đạn hạt nhân chiến thuật.
Tên lửa được thiết kế để tránh các hệ thống đánh chặn tinh vi, hiện đại nhất của phương Tây hiện nay, bao gồm cả Patriot. Tên lửa đạn đạo - hành trình này được cho là vũ khí có thể thay đổi luật chơi trong trường hợp bùng phát chiến tranh ở châu Âu.
Tháng 2/2018, Triều Tiên công bố một tên lửa đạn đạo tầm ngắn Hwasong-10, có cấu trúc tương tự Iskander, nhưng không có những hạn chế về tầm bắn như tên lửa như của Nga, và Triều Tiên không phải là một bên của Hiệp ước INF.
Hệ thống tên lửa này được sử dụng như vũ khí chiến thuật tiên tiến tấn công lực lượng Mỹ ở khoảng cách trên 500 km, nhưng các thế hệ trước DeepStrike không thể đáp trả do đuối tầm.
Iran cũng đang triển khai một hệ thống vũ khí đạn đạo với sự hỗ trợ của Bắc Triều Tiên, có thể tấn công các căn cứ của Mỹ ở Afghanistan và Trung Đông, nhưng các tên lửa đang được biên chế cũng không đủ tầm bắn để trả đũa.
Các tên lửa đạn đạo Shahab-3 (tên của Iran đặt cho tên lửa Ngô Đồng -1 do Triều Tiên phát triển) có tầm bắn gấp ba lần so với tầm bắn của DeepStrike và đầu đạn lớn hơn nhiều; từ khu vực phía tây Iran có thể tấn công tất cả các mục tiêu trên khắp nước Afghanistan.
“Vũ khí chính xác tầm xa”
Để đáp trả các mối đe dọa trên, Quân đội Mỹ đang thực hiện kế hoạch tăng tính năng cho các hệ thống tên lửa, kể cả tên lửa chiến thuật của Lục quân (Army Tactical Missile System - ATACMS).
Không lâu sau khi chính thức rút khỏi Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), Lầu Năm Góc đã nhanh chóng tiến hành các bước chuẩn bị để có thể triển khai vũ khí mới.
Tính năng của dòng tên lửa DeepStrike vượt trội so với các mẫu đang có trong biên chế. Nguồn: Raytheon
Theo công bố của Tập đoàn Raytheon ngày 26/3, Bộ Quốc phòng Mỹ đã nhất trí với bản thiết kế dòng tên lửa đất đối đất thế hệ mới DeepStrike của Tập đoàn này. Tên lửa thế hệ mới DeepStrike là sản phẩm thuộc chương trình Long-Range Precision Fire (LRPF) - tạm dịch là "Vũ khí chính xác tầm xa".
Mục tiêu của chương trình LRPF là cho ra đời loại vũ khí công nghệ cao, có tầm bắn xa, để tiêu diệt các mục tiêu như các trung tâm chỉ huy và kiểm soát, boongke, khu vực tập kết trực thăng, tập trung quân, hậu cần và các mục tiêu cố định khác của địch mà không thể dùng máy bay để tấn công hoặc trong trường hợp không có ưu thế trên không…
Chương trình này gồm cả giai đoạn phát triển, thử nghiệm bắn đạn thật để đảm bảo thiết kế hoàn chỉnh, và sẵn sàng sản xuất hàng loạt vào cuối năm 2019. Tên lửa mới DeepStrike là tên lửa có tầm bắn chính xác, khả năng cơ động, sức công phá và tốc độ bay cao, đặc biệt, có thể tác chiến tốt trong môi trường nhiễu điện tử và gần như không thể bị đánh chặn.
Chúng hoàn toàn đủ điều kiện để thay thế tên lửa M270 MLRS và M142 HIMARS - ra đời vào những năm 1970, hiện đang có trong trang bị của quân đội Mỹ, triển khai trên lãnh thổ Mỹ và Hàn Quốc, nhưng không đáp ứng được đẩy đủ các yêu cầu tác chiến.
Với những yêu cầu khắt khe nhất, dự án hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật và sản xuất tên lửa LRPF, đã được Lầu Năm Góc và Raytheon thỏa thuận, theo đó, Raytheon sẽ nhận được hơn 116 triệu USD để chuẩn bị cho việc sản xuất hàng loạt tên lửa LRPF DeepStrike. DeepStrike sẽ nhỏ hơn 2 lần nhưng có sức mạnh vượt trội so với loại tên lửa đang được trang bị cho quân đội Mỹ.
Có thể tấn công mục tiêu với độ chính xác gần như tuyệt đối, được phát triển khi thời gian Hiệp ước INF còn hiệu lực, tầm bắn của DeepStrike vào khoảng 60-499 km so với 300 km của các loại tên lửa cũ trang bị cho các tổ hợp M270 MLRS và M142 HIMARS.
Với việc phát triển DeepStrike thành công, sức mạnh của quân đội Mỹ sẽ được tăng cường đáng kể; loại tên lửa mới này đủ sức đối trọng với Iskander-M của Nga. Hệ thống DeepStrike có thể bắn hai tên lửa từ một ống phóng đơn - không chỉ giảm chi phí mà còn tăng công suất thiết bị lên tới 40 % so với hệ thống ATMS hiện tại.
Điều khiến DeepStrike được đánh giá vượt trội so với Iskander-M chính là nó được thiết kế theo dạng module, cho phép lắp đặt tăng tầm bắn trong tương lai và thậm chí có thể tấn công các mục tiêu trên biển.
Nguy cơ chạy đua vũ trang
Khi được biên chế, DeepStrike sẽ trở thành một tên lửa đạn đạo tầm trung cực kỳ lợi hại, tạo cho Mỹ khả năng cân bằng với tên lửa Iskander của Nga trên chiến trường châu Âu. Quan trọng hơn, DeepStrike trong vỏ bọc của tên lửa tầm ngắn sẽ khiến Nga khó triển khai các vũ khí trả đũa, bởi Moscow từng tuyên bố sẽ không làm điều đó trước Mỹ.
Việc Mỹ tuyên bố rút khỏi hiệp ước INF cho thấy, hệ thống tên lửa chiến dịch - chiến thuật Deepstrike có thể mở rộng tầm bắn hiệu quả, hoặc phát triển các loại vũ khí tầm xa khác dựa trên các công nghệ tương tự để có thể đánh trả đối phương ở khoảng cách lớn hơn.
Giải pháp khả thi nhất của Nga để chống lại DeepStrike có lẽ là bí mật nâng tầm bắn cho tên lửa Iskander-M nhưng không công bố rộng rãi.
Thực tế, tên lửa chiến dịch - chiến thuật DeepStrike vẫn chỉ là một phần đáp án cho câu hỏi hóc búa và quan trọng mà quân đội Mỹ chưa có được một giải pháp đồng bộ và hiệu quả - làm thế nào để đương đầu với quân đội Nga.
Các lựa chọn khác, bao gồm phát triển đạn pháo, tên lửa siêu âm, tăng cường máy bay tiêm kích tàng hình F-35 mới nhất cho không quân… chỉ để bù đắp cho những khiếm khuyết của hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất và vẫn chỉ là lựa chọn thay thế.
Rõ ràng, thế giới đang đứng trước nguy cơ lớn của một cuộc chạy đua vũ trang trên phạm vi toàn cầu với mức độ ngày càng khốc liệt./.