TS.BS nhãn khoa cảnh báo: Thói quen tưởng vô hại, có thể gây mù lòa ít người ngờ

Ngọc Minh |

Đau, mỏi mắt tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ là một trong những thói quen xấu rất nhiều người đang mắc phải.

16 tuổi sống trong mù lòa vì tùy tiện dùng thuốc nhỏ mắt

Khi mắt cảm thấy cộm, nhức mỏi thay vì đi khám để tìm nguyên nhân nhiều người đã tự mua thuốc về điều trị. Sau khi, nhỏ thuốc một số người sẽ cảm thấy dễ chịu hơn và dùng kéo dài. Việc dùng thuốc nhỏ mắt tưởng như vô hại, nhưng lại có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho mắt thậm chí mù lòa suốt đời.

Mới đây, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân (16 tuổi, tại Hải Dương) gặp biến chứng mất thị lực hai mắt sau một thời gian dùng thuốc nhỏ mắt kéo dài. Bệnh nhân cho biết, thường bị cộm mắt, khó chịu, mắt đỏ nên đã tự mua thuốc về nhỏ. Khi nhỏ thuốc mắt tình trạng viêm đỏ, cộm mắt, khó chịu giảm nên bệnh nhân đã dùng liên tục.

Sau 6 tháng, dùng thuốc nhỏ mắt liên tục một đêm ngủ dậy bệnh nhân thấy mắt mờ không nhìn rõ phía trước.

TS.BS nhãn khoa cảnh báo: Thói quen tưởng vô hại, có thể gây mù lòa ít người ngờ - Ảnh 1.

Tự ý nhỏ thuốc không theo chỉ định của bác sĩ sẽ rất nguy hiểm, ảnh minh họa.

Theo TS. BS Vũ Anh Tuấn, Bệnh viện mắt Hà Nội 2 đo thị lực chỉ bóng bàn tay, bệnh nhân gần như đã bị mù, đo nhãn áp bệnh nhân rất cao 50mm Hg. Khám chuyên sâu, các dây thần kinh mắt của bệnh nhân đã bị teo hết (lõm gai mắt), đồng tử phù. Bệnh nhân rất đỉnh hình hình cho bệnh nhân bị mắc bệnh Glôcôm giai đoạn cuối.

Bác sĩ Tuấn cho hay, rất tiếc cho trường hợp bệnh nhân này mắc bệnh đã ở giai đoạn cuối. Bệnh nhân đã được cho thuốc giảm áp liều cao nhất, tuy nhiên sau 5 ngày điều trị không hiệu quả. Bệnh nhân đã có chỉ định phẫu thuật mắt phải, rất may bệnh nhân đã nhìn thấy được với tầm nhìn 1m. Theo định nghĩa của WHO tầm nhìn trong khoảng 1m được xếp vào mù lòa.

Tất cả mọi người đều có nguy cơ mù lòa

Chia sẻ thêm về căn bệnh Glôcôm TS.BS Tuấn cho biết, đây là căn bệnh gây mù lòa có thể phòng chống được. Glôcôm là nhóm bệnh lý thần kinh thị giác tiến triển cấp hoặc mãn tính. Các tế bào hạch võng mạc chết dần, dẫn tới những biểu hiện tổn thương đầu dây thần kinh thị giác và thị trường. Gây ra mù lòa vĩnh viễn không có khả năng phục hồi.

Theo ước tính của WHO năm 2010 thế giới có khoảng 60,5 triệu người mắc Glôcôm, năm 2020 ước tính có 79,5 triệu người bị. Tại Việt Nam theo số liệu điều tra của Bệnh viện mắt Trung ương tổ chức năm 2007 cả nước có khoảng gần 400 trăm nghìn người mù trong đó có 24,800 do Glôcôm.

TS.BS Tuấn khuyến cáo: "Mọi người đều có thể mắc Glôcôm, đặc biệt nhóm đối tượng tuổi trên 40; sử dụng thuốc corticoid kéo dài; người có tiền sử gia đình mắc bệnh; người có nhãn áp cao; tật khúc xạ viễn thị - cận thị; bệnh đái tháo đường, béo phì, tăng huyết áp…"

Biểu hiện của Glôcôm cấp bệnh nhân sẽ thường bị đau đầu thống; đau nhức mắt lan ra nửa đầu cùng bên; nhìn mờ và nhìn đèn có quầng; mắt đỏ, chảy nước mắt, sợ ánh sáng.

Glôcôm mãn tính mắt có cảm giác căng tức nhẹ thoáng qua; cảm giác như có màn sương vào buổi sáng; vùng nhìn thu hẹp dần có những trường hợp bệnh nhân còn không có biểu hiện bệnh gì.

Theo cảnh báo của TS.BS Tuấn, bệnh nhân Glôcôm thường gặp ở người già, bệnh Glôcôm gặp ở người trẻ là do sử dụng thuốc có chứa thành phần corticoid kéo dài.

"Để phòng mù lòa mỗi người cần phải đi khám mắt định kỳ để phát hiện ra Glôcôm sớm. Tuyệt đối không được tra thuốc vào mắt khi chưa có chỉ định của bác sĩ nhãn khoa để tránh hậu quả đáng tiếc", TS.BS Tuấn nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại