Cảnh báo: Viêm loét dạ dày, nhiều người không tuân thủ điều trị

Hải Yến |

PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng, Nguyên Phó trưởng khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai cho rằng, người dân nhất là những người có yếu tố nguy cơ không có thói quen đi sàng lọc bệnh dạ dày. Có người bị bệnh viêm loét dạ dày, nhất là những ổ loét trên 1cm, sau một thời gian điều trị không theo dõi bệnh theo chỉ định của bác sĩ, khi quay lại viện người bệnh đã bị biến chứng xuất huyết tiêu hóa.

Không tuân thủ điều trị bệnh viêm loét dạ dày, hậu quả khôn lường

Bệnh viêm loét dạ dày là một bệnh đường tiêu hóa phổ biến. Theo Hội khoa học Tiêu hóa, tại Việt Nam, có tới 26% dân số mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, 70% dân số nước ta có nguy cơ mắc bệnh dạ dày, nguy cơ mắc viêm loét dạ dày ở nam giới gấp 4 lần so với nữ.

Đặc biệt là viêm dạ dày do vi khuẩn HP, chiếm 70% các ca viêm dạ dày tại Việt Nam.

Viêm dạ dày là căn bệnh không nguy hiểm nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phác đồ. Tuy nhiên nếu để bệnh viêm loét dạ dày tá tràng kéo dài, lặp đi lặp lại sẽ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh, thậm chí dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như loét dạ dày, thủng dạ dày hay ung thư dạ dày.

Cảnh báo: Viêm loét dạ dày, nhiều người không tuân thủ điều trị - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng, Nguyên Phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bv Bạch Mai

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng - Nguyên Phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày bao gồm lớp chất nhầy và lớp tế bào biểu mô bề mặt.

Nếu bất kỳ căn nguyên nào làm lớp chất nhầy mỏng đi hoặc bị phá hủy thì lớp tế bào biểu mô bề mặt cũng bị bong tróc, lúc đó các tác nhân tấn công vào các lớp khác thành dạ dày, tá tràng gây ra ổ loét.

Tùy mức độ, ổ loét có thể sâu thậm chí “ăn” thủng thành ống tiêu hóa. Với bệnh viêm loét dạ dày sẽ làm hỏng hàng rào bảo vệ và tấn công vào các lớp ở thành dạ dày và tùy vào mức độ tổn thương nông thì là viêm còn tạo thành các ổ tổn thương thực sự gọi là ổ loét.

Lứa tuổi nào cũng có thể mắc viêm loét dạ dày – tá tràng.

Trên thực tế PGS Hồng cho rằng, với những người trẻ, loét hành tá tràng hay gặp hơn cả, ở những người trung niên, viêm loét hành tá tràng vẫn xuất hiện cùng với viêm loét dạ dày, còn người cao tuổi thì bệnh hay gặp ở dạ dày.

Cảnh báo: Viêm loét dạ dày, nhiều người không tuân thủ điều trị - Ảnh 2.

Viêm loét dạ dày là bệnh thường gặp

Đáng chú ý, nhiều người bệnh đã được bác sĩ phát hiện bệnh viêm loét dạ dày nhưng không tái khám, theo dõi định kỳ sau khoảng 3 tháng, 6 tháng.

PGS Hồng cho hay, có bệnh nhân tổn thương loét hành tá tràng ổ loét trên 1cm, dù bác sĩ có chỉ định theo dõi đến khi xuất hiện sẹo mới thôi, nhưng không tuân thủ. Đến khi quay lại bệnh viện khám, bác sĩ cho biết đã có biến chứng xuất huyết tiêu hóa.

Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày

Theo PGS Hồng, nguyên nhân viêm loét dạ dày – tá tràng nhiều như nhịp sống, căng thẳng, chế độ ăn sinh hoạt thất thường tăng bài tiết axit bất thường gây tổn thương dạ dày, hiện diện của vi khuẩn HP gây ra tổn thương viêm, loét.

Căn nguyên có một tỷ lệ tương đối lớn sử dụng thuốc lạm dụng (sử dụng theo chỉ định hoặc không theo chỉ định của bác sĩ) có thể làm phá hỏng hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày như thuốc giảm đau, chống viêm trong bệnh lý cơ xương khớp, thuốc hạ sốt cũng có thể gây tổn thương viêm loét, làm hỏng hàng rào bảo vệ, chất nhầy, ổ loét có thể rất nhiều chạy suốt cả đường tiêu hóa…

Các khối u tăng bài tiết tăng axit. Ngoài ra còn có yếu tố di truyền, ăn uống, sinh hoạt (hút thuốc lá nhiều gây viêm loét dạ dày)…

Cảnh báo: Viêm loét dạ dày, nhiều người không tuân thủ điều trị - Ảnh 3.

Đồng tình với những ý kiến của PGS Hồng, Ths.BS Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Đông y, BV Trung ương Quân đội 108 cho biết, ngoài những yếu tố kể trên, trong y học cổ truyền, một trong những yếu tố quan trọng gây viêm loét dạ dày là do ăn uống không điều độ, không đúng cách, lạm dụng các chất kích thích như bia rượu, thuốc lá, chè đặc, ăn quá nhiều thực phẩm bổ dưỡng….

Những vấn đề thần kinh như stress, lo lắng cũng có thể dẫn tới bệnh về dạ dày, hay những người mắc bệnh gan, tụy, đại tràng… cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.

Theo PGS Hồng, khi đã phát hiện ra bệnh, người dân cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định điều trị, khám bệnh của bác sĩ.

Không nên thấy đỡ bệnh không dùng đủ thuốc, nhất là trong điều trị viêm dạ dày do vi khuẩn HP, bệnh này rất dễ lây lan do lây qua đường ăn uống. Đặc biệt, bệnh nhân từng điều trị viêm loét dạ dày mà không đi khám lại, có nhiều trường hợp biến chứng rất đáng tiếc.

Chuyên gia tiêu hóa cho rằng để phòng bệnh viêm loét dạ dày, người dân cần:

- Từ tuổi 40 trở lên phải nội soi dạ dày sàng lọc bệnh, nếu hình ảnh hoàn toàn bình thường và không có yếu tố nguy cơ thì kiểm tra lại sau 5-10 năm.

- Với những đối tượng có nguy cơ cao như người thân trong gia đình bị ung thư dạ dày, đã từng bị loét dạ dày, có biến chứng xuất huyết, hẹp môn vị phải đi khám thường xuyên.

- Người bị viêm teo, loét, có khối u lành tính cần sàng lọc theo chỉ định của bác sĩ.

- Có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, không hút thuốc lá, uống rượu bia….

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại