PGS.TS Bạch Mai khuyến cáo: Dịch sởi "tấn công" người lớn, người khỏe mạnh đừng chủ quan

Ngọc Minh |

Tại bệnh viện Bạch Mai trong những ngày gầy đây số lượng người lớn mắc sởi nhập viện điều trị đã tăng cao.

Tuổi từ 25-40 dễ mắc bệnh

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai thời tiết Đông xuân rất thuận lợi cho virút sởi phát triển. Trung bình tại khoa Truyền nhiễm, Bạch Mai mỗi tháng có 10 trường hợp nhập viện.

Năm 2014, khoa ghi nhân 100 trường hợp sởi người lớn mắc bệnh. Từ năm 2018 đến tuần đầu 2019 đã tiếp nhận 50 trường hợp mắc sởi gần bằng một nửa số người mắc năm 2014, cảnh báo sẽ có thể dịch sởi xảy ra theo chu kỳ 4-5 năm.

Ngay trong buổi sáng nay (10/1) khoa Truyền nhiễm đã có 2-3 người lớn phải nhập viện do mắc sởi, ngày hôm qua 6 bệnh nhân vào viện.

"Đối tượng mắc bệnh là nữ giới nhiều hơn nam giới, tuổi từ 25-40. Đây là nhóm tuổi về mặt bệnh học có lỗ hổng miễn dịch, kháng thể không có.

Có thể đã từng tiêm vắc xin nhưng kháng thể đã hết, không tiêm nhắc lại lúc 4-6 tuổi hoặc không rõ tiêm hay chưa", TS. Cường lưu ý.

PGS.TS Bạch Mai khuyến cáo: Dịch sởi tấn công người lớn, người khỏe mạnh đừng chủ quan - Ảnh 1.

Bệnh nhân mắc sởi là người lớn nhập bệnh viện Bạch Mai tăng.

Hầu hết những trường hợp mắc bệnh có tiếp xúc với nguồn bệnh từ trẻ nhỏ hàng xóm, con trong gia đình.

Hiện tại ở khoa đang điều trị cho một số người lớn mắc sởi khá nặng phải nhập viện.

Trong đó, có trường hợp thai phụ 36 tuần tuổi trước mang thai đã không tiêm phòng nên đã bị mắc sởi; bệnh nhân viêm phổi, bệnh nhân mắc bệnh phổi mãn tính và một số bệnh nhân mắc bệnh lý nền khác.

Người lớn thường chủ quan với bệnh sởi

TS. Cường khuyến cáo người lớn thường bỏ qua triệu chứng không nghĩ tới mắc sởi. Có trường bệnh nhân nghĩ mình bị dị ứng đi điều trị dị ứng, khi xét nghiệm kết quả dương tính với sởi.

Triệu chứng sởi thường rất đặc trưng, bệnh nhân sốt cao, phát ban đầu tiên mọc ở mặt, sau tai, gáy, lan dần xuống cổ, chân. Sau 3-5 ngày phát ban toàn thân.

Sau đó, bệnh nhân sẽ kèm theo hội chứng viêm long đường hô hấp trên ho, chảy nước mắt, mũi, viêm kết mạc… Có thể kèm theo tiêu chảy ở trẻ em.

Sau 1 tuần ban bay dần từ mặt xuống chân tay, để lại vết da thâm thâm. Nếu không có biến chứng 90-95% khỏi. Biến chứng nguy hiểm của sởi là làm suy giảm hệ miễn dịch rất nhanh gây viêm phế quản, viêm phổi bội nhiễm.

Bác sĩ Cường cho hay: "Vụ sởi 2014 do quá trình lây nhiễm chéo, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh lý nền sẵn. Virut sởi gây suy giảm miễn dịch nhanh gây ra bội nhiễm dễ gây tử vong.

Sởi là bệnh lành tính, không phải dịch bệnh nguy hiểm. Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất, không nên để xảy ra mới chữa".

Đối với trẻ nhỏ, chuyên gia khuyến cáo các bậc phụ huynh cho con đi tiêm phòng theo đúng lịch, tiêm nhắc lại đúng lịch. Sởi trẻ em nặng hơn người lớn vì dễ bị bội nhiễm, nhất là trong môi trường bệnh viện.

Phụ nữ trước khi kết hôn, dự định sinh con nên đi tiêm: uốn ván, sởi, rubela, cúm, viêm gan B…

TS. Cường lưu ý một số đối tượng có bệnh lý nền viêm phế quản, hen… hoặc cơ địa đặc biệt như mang thai… khi có triệu chứng mắc sởi cần phải vào viện để được theo dõi.

Một số trường hợp dùng bài thuốc dân gian, tắm nước lá sẽ không hiệu quả. Hay như dân gian thường khuyên kiêng gió, kiêng nước sẽ làm tăng nguy cơ bội nhiễm. Nhưng thông tin khi bị sởi tắm sởi sẽ chạy hậu (vào trong) là không có cơ sở khoa học.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại