Chìa khóa giải phóng Phnom Pênh: Chiến thuật chưa từng có của Quân Việt Nam ở Campuchia

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Một tràng tiếng nổ dậy đất, bức tường lửa dựng lên suốt chiều dài 1km bên kia bờ sông. Hai đội thuyền hình chữ A mở hết tốc độ sang sông bất chấp đại liên, cối cày quanh thuyền.

LTS: Trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, chưa khi nào lại tổ chức chiến dịch tiến công hiệp đồng quân, binh chủng lớn như trong chiến dịch giải phóng Campuchia. Chỉ trong hơn một tháng, từ nhiều hướng mũi khác nhau, quân đội ta đã đánh tan quân đội Khơ me Đỏ , giúp bạn thoát khỏi thảm họa diệt chủng.

Nhân kỷ niệm 40 năm Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, cùng với lực lượng vũ trang cách mạng, nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài của nhiều tác giả xung quanh sự kiện đặc biệt này.

*****

Bài 1: Cuộc hành quân thần tốc đầy bão tố của Lữ đoàn xe tăng 203: Tiêu diệt Khơ me Đỏ

Bài 2: Chuyển hướng chủ yếu, dời ngày N: Quyết định vô cùng chính xác trong Chiến dịch giải phóng Phnom Pênh

Bài 3: Bộ đội Việt Nam chiếm xe tăng Trung Quốc sản xuất đánh Khmer Đỏ: Type 62 đối đầu T-54 chịu sao được nhiệt!

Bài 4: Chiến tranh biên giới Tây Nam : Những "trái da láng" đáng sợ của... Thần chết

*****

Bài 5: "Vượt sông bằng sức mạnh": Những trận đánh kinh điển của Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia

Đó là các trận tiến công vượt sông Mekong tại bến phá Neak Luong và giải phóng thị xã Kongpong Cham của các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam (QTNVN) ngày 6.01.1979.

Vượt sông bằng sức mạnh - Không hề đơn giản!

Khi tiến hành phòng ngự, ngoài việc xây dựng hệ thống công sự vật cản kiên cố, vững chắc thì bên phòng ngự thường hết sức chú trọng việc lợi dụng các vật cản thiên nhiên để ngăn bước tiến của quân bên tiến công.

Trong các loại vật cản thiên nhiên thì lợi hại bậc nhất là các con sông và chúng đặc biệt hữu dụng với các phương tiện cơ giới hạng nặng như xe tăng, thiết giáp.

Sở dĩ nói như vậy bởi các con sông - nhất là sông lớn là loại vật cản rất khó khắc phục. Nếu như đó là hàng rào thép gai thì người ta có thể dùng bộc phá để phá; là hào chống tăng thì có thể mở đường qua; là mìn thì có thể tháo gỡ... Nhưng với các con sông thì chịu!

Bởi vậy, trong lịch sử chiến tranh thế giới, việc sử dụng các con sông làm vật cản thiên nhiên trước tuyến phòng ngự rất phổ biến. Ngay ở Việt Nam, từ thời Lý, Thái úy Lý Thường Kiệt đã thiết lập phòng tuyến sông Như Nguyệt để ngăn chặn quân xâm lược Tống rất hiệu quả.

Gặp những trường hợp như vậy, bên phía tiến công phải tìm mọi cách vượt qua. Có thể họ sẽ bí mật vượt sông ở những vị trí khác rồi phát triển đánh chiếm đầu cầu, tạo bến vượt cho đại quân vượt qua. Ngoài ra còn một cách nữa là "vượt sông bằng sức mạnh".

Chìa khóa giải phóng Phnom Pênh: Chiến thuật chưa từng có của Quân Việt Nam ở Campuchia - Ảnh 1.

Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở Campuchia.

Vượt sông bằng sức mạnh là hình thức chiến đấu mà bên tiến công sử dụng sức mạnh hỏa lực tiêu diệt quân phòng ngự ở bờ đối diện, sau đó tổ chức vượt sông đánh chiếm đầu cầu và phát triển chiến đấu. Hình thức này thường được sử dụng khi bên tiến công có sức mạnh vượt trội về hỏa lực và binh lực.

Trong lịch sử chiến tranh thế giới đã có nhiều trận vượt sông bằng sức mạnh kinh điển như trận tiến công vượt sông Dniep năm 1943 hoặc trận tiến công vượt qua phòng tuyến sông Wisla- Ode của Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến II...

Chìa khóa giải phóng Phnom Pênh: Chiến thuật chưa từng có của Quân Việt Nam ở Campuchia - Ảnh 2.

Nhìn chung, đây là hình thức tác chiến hết sức phức tạp, đòi hỏi công tác tổ chức và nghệ thuật chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng ăn khớp và kiên quyết, hành động chiến đấu của bộ đội phải rất dũng cảm, mưu trí, linh hoạt.

Thực tế, trong hai cuộc kháng chiến Quân đội nhân dân Việt Nam chưa có trận đánh nào áp dụng hình thức này và nó chỉ xuất hiện trong chiến dịch tiến công thủ đô của chế độ Khmer Đỏ khi đi làm nghĩa vụ quốc tế cứu nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng.

Những trận vượt sông bằng sức mạnh - Chìa khóa giải phóng Phnom Pênh

Muốn giải phóng Phnom Pênh - đầu não của chế độ Khmer Đỏ, các cánh quân trên hướng Đông và Đông Bắc của QTNVN bắt buộc phải vượt qua sông Mekong, một trong những con sông thuộc loại lớn nhất thế giới.

Xuất phát từ cao nguyên Tây Tạng, sau khi chảy qua lãnh thổ Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào sông Mekong đổ vào Camphuchia rồi qua Việt Nam và đổ ra Biển Đông. Với một lưu vực rộng lớn, Mekong có lượng nước dồi dào, lưu lượng và lưu tốc lớn.

Đoạn qua Camphuchia, Mekong chảy theo hướng Bắc - Nam là chính, sau đó chuyển sang hướng Tây - Đông trước khi đổ vào Việt Nam. Trên suốt đoạn này sông có bề rộng trung bình 1,5- 2 km, sâu vài mét và trở thành một chướng ngại thiên nhiên hết sức lợi hại chặn bước tiến các đoàn quân hướng về Phnom Pênh.

Chìa khóa giải phóng Phnom Pênh: Chiến thuật chưa từng có của Quân Việt Nam ở Campuchia - Ảnh 3.

Trung đoàn 64 vượt sông Mê Kông bằng sức mạnh, giải phóng thị xã Kông

***

Trên hướng Đông, Quân đoàn 4 có nhiệm vụ tiến công theo đường 1 về Phnom Pênh. Từ ngày 01.01.1979 đến 06.01.1979, đội hình của quân đoàn đã đánh tan nhiều sư đoàn Khmer Đỏ nhưng buộc phải dừng lại trước bến phà Neak - Lương trên sông Mekong.

Neak-Lương, tiếng Khơ-me có nghĩa là nàng Lương. Chắc ở đây xưa kia đã xảy ra một chuyện buồn về thân phận người con gái tên Lương. Cách Svairiêng 68 km, Sài Gòn gần 200 km, Phnom-Pênh 60 km, cho nên hồi trước Neak-Lương có nhiều hàng quán với món ăn đặc biệt của cá tôm Mê Kông nổi tiếng là ngọt thịt.

Còn giờ đây Neak Lương trở thành chướng ngại hết sức "khó nhằn" với Quân đoàn 4. Có một điều may mắn là do chủ quan và cũng không ngờ QTNVN đánh nhanh thế nên hệ thống phòng thủ ở bờ Tây sông Mekong mới được thiết lập vội vã và khá sơ sài.

Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh quân đoàn quyết định sử dụng biện pháp "vượt sông bằng sức mạnh" với sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng với nhau - chủ yếu là pháo binh, công binh và bộ binh.

11h45 ngày 06.01.1979, một trận pháo kích dữ dội cấp tập vào trận địa phòng ngự bên bờ Tây sông. Một tràng tiếng nổ dậy đất, một bức tường lửa dựng lên suốt chiều dài một cây số bên kia bờ sông.

Trong lúc đó, hai đội thuyền, mỗi đội năm chiếc thành đội hình chữ A, mở hết tốc độ sang sông bất chấp đại liên địch quét, đạn cày trên mặt nước, các loại đạn cối rơi lụp ụp quanh thuyền. Thuyền cặp bờ, pháo chuyển làn, các chiến sĩ trinh sát nhảy lên bờ lợi dụng địa hình vừa chạy vừa bắn trên bãi trồng màu thoai thoải, trong làn khói vừa tan.

Lúc bờ bên kia trinh sát đã chiếm được đuôi làng, và đang đánh ép vào sườn địch phía Bắc để mở rộng bãi đổ bộ, thì đội thuyền thứ hai gồm mười hai chiếc xuất phát, mỗi chiếc chở một trung đội đủ. Mười hai chiếc máy nổ rộ lên như một cuộc đua mô tô, chỉ mất 7 phút một chuyến đi về.

Đến 13 giờ, ta đã hoàn thành đổ bộ Trung đoàn 12 và Tiểu đoàn 3 bạn. Đến 14 giờ 20 phút Trung đoàn 12 và Tiểu đoàn 3 bạn phối hợp với hỏa lực sấm sét, đánh xong đường số 1 và bến phà phía Tây, bắt nhiều tù binh, phát hiện nhiều xe pháo, kho tàng của địch.

Tiếp theo, Trung đoàn 14 rồi Tiểu đoàn 2 Tiểu đoàn 7 bạn lần lượt vượt sông để chiếm lĩnh bến phà phía Tây cho Trung đoàn 12 và Tiểu đoàn 3 bạn phát triển tấn công theo đường 1. Phà Neak Lương hoàn toàn bị QTNVN làm chủ lúc 15giờ 30 ngày 06.01.1979.

Tiếp đó, các bộ phà ghép và đoàn tàu đổ bộ của Trung đoàn Hải quân 962 có mặt để đưa toàn bộ đội hình quân đoàn qua sông ngay trong đêm 06.01.1979 để rồi 12 giờ ngày 07.01.1979, Quân đoàn 4 đã giải phóng hoàn toàn Phnom Pênh.

Chìa khóa giải phóng Phnom Pênh: Chiến thuật chưa từng có của Quân Việt Nam ở Campuchia - Ảnh 4.

Quân đội cách mạng Campuchia và bộ đội Việt Nam tiêu diệt quân Pôn-pốt, giải phóng thủ đô Phnom Pênh.

***

Không được thuận lợi như hướng Đông, Quân đoàn 3 tiến công trên hướng Đông Bắc gặp khó khăn hơn bởi quân Khmer Đỏ dưới sự chỉ huy của XonXen - Bộ trưởng Quốc phòng đã thiết lập một hệ thống phòng thủ rất vững chắc tại Kongpong Cham.

Thị xã Kongpong Cham nằm sát bờ Tây sông Mê - kông, dài khoảng 4 km, rộng 2 km, là cửa ngõ phía đông bắc của thủ đô Phnom Pênh. Đoạn sông Mekong chảy qua đây có bề rộng từ 1,2 đến 1,5 km. Hai bên bờ sông có bờ dốc đứng. Cả phía thượng lưu và hạ lưu có nhiều bãi bồi, các phương tiện rất dễ mắc cạn.

Sau khi trinh sát địa hình và tình hình địch, Sư đoàn 320 và Trung đoàn 64 xây dựng 2 phương án (PA) vượt sông như sau:

- PA 1: Bộ binh bí mật vượt sông bằng xuồng ở phía thượng lưu bến phà khoảng 1800 mét, sau đó bất ngờ nổ súng tiến công tiêu diệt địch, đánh chiếm đầu cầu tạo thuận lợi cho tăng thiết giáp và các lực lượng khác vượt sông.

Chìa khóa giải phóng Phnom Pênh: Chiến thuật chưa từng có của Quân Việt Nam ở Campuchia - Ảnh 5.

Các chiến sĩ lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia.

- PA 2: Nếu không thực hiện được PA1 sẽ thực hiện PA2 - Vượt sông bằng sức mạnh, sử dụng hỏa lực pháo binh, xe tăng... tiêu diệt, chế áp địch bên bờ tây sông yểm trợ cho xe tăng bơi và bộ binh vượt sông đánh chiếm đầu cầu, phát triển chiến đấu tạo điều kiện đưa toàn bộ lực lượng qua sông.

Vào lúc 0 giờ 06.01.1979, các phân đội trinh sát và bộ binh vượt sông theo PA1 bằng xuồng cao su. Địch phát hiện dùng hỏa lực dày đặc quét trên mặt sông. Trong vòng 15 phút, 6/9 chiếc xuồng bị thủng, hàng chục cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 9 hy sinh.

Thêm một lần như vậy không có kết quả, Bộ Tư lệnh sư đoàn quyết định thực hiện PA2.

Hửng sáng, lệnh pháo bắn chuẩn bị được phát ra. Trong khi pháo 155mm bắn cầu vồng chụp xuống trung tâm chỉ huy của địch thì từ các trận địa pháo bắn thẳng bắn dồn dập vào tuyến phòng ngự sát mép nước. 4 xe tăng T-54 cùng tiến ra bờ sông dùng pháo 100mm bắn ngắm trực tiếp.

6h10 ngày 6.1.1979, lợi dụng kết quả hỏa lực chuẩn bị, mũi đột kích đánh chiếm đầu cầu do Đại đội 3, Tiểu đoàn 7 lên 4 xuồng máy của Lữ đoàn Công binh 249 nhằm thẳng bên phía bờ Tây xốc tới. Tuy nhiên, do hỏa lực ngăn chặn dày đặc buộc phải quay lại. Trong lúc đó Đại đội xe tăng (XT) 11 nhận lệnh cơ động lên tham gia chiến đấu.

Sau ít phút hỏa lực dồn dập vào bờ tây sông, Tiểu đoàn 7 tiếp tục vượt sông. Đến 7 giờ, lực lượng vượt sông đã bám được bờ và bắt đầu củng cố bàn đạp đầu cầu.

7h25 phút, Đại đội XT11 tới bờ sông và ngay lập tức thực hành bơi vượt sông. Phát hiện xe tăng bơi sông, các loại hỏa khí trên bờ Tây sông tập trung ngăn chặn nên hoàn toàn bị bộc lộ và trở thành mồi ngon cho các họng pháo 100 mm của xe tăng T-54 tiêu diệt.

Hơn 8 giờ, toàn bộ Đại đội XT11 đã sang bờ Tây sông. Các xe tăng nhanh chóng cùng với bộ binh Tiểu đoàn 7 phát triển chiến đấu, bắn diệt các công sự, hỏa điểm, củng cố mở rộng bến vượt tạo điều kiện cho chủ lực vượt sông.

Lợi dụng kết quả vượt sông của Tiểu đoàn 7 và Đại đội XT11, toàn bộ lực lượng của Trung đoàn 64 xuống xuồng qua sông; các trang bị nặng được chở qua sông bằng phà tự hành của Lữ đoàn vượt sông 249 bảo đảm.

Sau khi qua sông, Tiểu đoàn 8 và Tiểu đoàn 9 nhanh chóng tổ chức đội hình chiến đấu đánh lui các mũi phản công, dồn địch vào từng ngõ phố. Thừa thắng, toàn trung đoàn tiến vào nội thị, tổ chức hai mũi tiến công truy kích địch.

Hai trận "Vượt sông bằng sức mạnh" kể trên đã là chìa khóa để QTNVN giành thắng lợi trong chiến dịch tiến công giải phóng Pnom Pênh đồng thời để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá cho các thế hệ sau này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại