Vừa sinh đã mắc bệnh hiểm, bác sĩ giục "đi viện nhanh còn kịp": Thủ phạm đến từ 1 nụ hôn

Tiểu Nhã |

Chị Phạm Thuý Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội chia sẻ về câu chuyện "sau mỗi nụ hôn là cánh cửa bệnh viện". Với chị những ngày tháng con nằm viện do vi rút hợp bào hô hấp thật đáng sợ.

Bệnh do hôn hít 

Chị Quỳnh chia sẻ về những ngày chăm con bị nhiễm vi rút hợp bào hô hấp trong bệnh viện Nhi trung ương, những ngày tháng này trở thành ám ảnh với bà mẹ trẻ.

"Hôm nay chợt xem lại ảnh, tìm lại được những tấm ảnh nhìn thì bình thường nhưng lại là những kỷ niệm kinh hoàng mà mỗi lần nhắc đến vẫn sợ.

Khi mới sinh xong mình yên chí là con khỏe bú mẹ ngon lành là cứ nuôi khắc lớn. Nhưng không ngờ mới 13 ngày tuổi thì con bé lên cơn sốt, hâm hấp người một đêm, khò khè và chảy nước mũi. Mình có kế hoạch trưa hôm sau đưa con đi phòng khám tư một bác sĩ nhi nổi tiếng ở Thanh Xuân. 

Làm đủ mọi cách con không hết sốt, gần trưa mình gọi điện cho bác sĩ xin lịch khám. Mới hỏi ba câu ông đã bảo: đi viện ngay còn kịp. Hoảng quá, nhà một mẹ hai con, mình thì say xe nghĩ đến xe đã được nôn nửa túi bóng. Gọi ngay xe, trời thì mưa, tay xốc con bé, tay kéo con lớn vào bệnh viện Nhi trung ương.

Vừa sinh đã mắc bệnh hiểm, bác sĩ giục đi viện nhanh còn kịp: Thủ phạm đến từ 1 nụ hôn - Ảnh 1.

Chia sẻ của chị Quỳnh.

Vào viện con bé con vào thẳng Khoa cấp cứu chống độc, nhìn đứa con bé như con chuột nằm đủ thứ dây rợ kim tiêm cắm vào người mà không khóc nổi. Mình gục bây giờ ai chăm hai đứa trẻ con. Chồng đi trực chiều mới vào được.

Bác sĩ chẩn đoán con bé con bị nhiễm vi rút RSV. Vi rút này với người lớn dường như vô hại nhưng với trẻ con, nhất là bọn sơ sinh thì vô cùng nguy hiểm. Nguyên nhân thường là lây từ người lớn, anh chị em trong nhà bị ho, sổ mũi... gần đứa trẻ hoặc hôn hít vào miệng chúng.

Thế là chuỗi ngày cách ly bắt đầu, con nằm phòng cách ly, hoàn toàn không gặp không thăm nom. Mỗi ngày vắt sữa tám lần gửi vào. 

Những chờ con được ghép mẹ là những ngày vô cùng căng thẳng bởi có khả năng con sẽ chuyển nặng. Đến lúc bác sĩ bế con ra, con xanh như tàu lá, môi tái nhợt, lẳng cái dây xông dán lẻ mép. Trán với má toàn những vết băng dính mới bóc đỏ ửng..."

RSV là gì?

PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh – Phó trưởng khoa Hô hấp (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những  ca bệnh nặng do vi rút RSV, tập trung vào nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi. Có những ngày tiếp nhận tới 5,6 cháu.

RSV là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới hai tuổi. Bệnh phát triển mạnh vào mùa đông – xuân, xuân – hè.

Vừa sinh đã mắc bệnh hiểm, bác sĩ giục đi viện nhanh còn kịp: Thủ phạm đến từ 1 nụ hôn - Ảnh 2.

Trẻ bị nhiễm vi rút RSV

Khi trẻ nhiễm RSV, triệu chứng khởi điểm là hắt hơi, sổ mũi nhiều và có thể sốt nhẹ tới cao. Một số trẻ bị nhẹ vẫn có thể sinh hoạt bình thường, thậm chí tự khỏi bệnh sau 3-5 ngày. 

Tuy nhiên, với nhiều trường hợp, đặc biệt là trẻ sơ sinh dưới sáu tháng tuổi, trẻ đẻ non, thiếu cân, tim bẩm sinh… do sức đề kháng kém, cấu trúc đường thở chưa hoàn thiện nên dễ bị vi-rút tấn công. 

Mặt khác, RSV có ái lực với đường hô hấp nên trường hợp nhẹ có thể gây ra các triệu chứng viêm đường hô hấp trên (viêm mũi họng, viêm tai giữa), trường hợp nặng dẫn tới viêm tiểu phế quản, viêm phổi, suy thở nhanh.

Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, bệnh do RSV gây ra không có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi trẻ mắc bệnh, cần cho trẻ uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt và đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt, giàu vitamin… 

Trẻ có thể tự khỏi, nhưng cần theo dõi sát để phát hiện các dấu hiệu nặng và đưa trẻ tới bệnh viện, cơ sở y tế kịp thời. Những trường hợp bội nhiễm phổi phải uống thuốc kháng sinh, truyền dịch, thậm chí hỗ trợ thở ô-xy…

RSV có khả năng lây lan mạnh, nếu các gia đình chủ quan không cho con đi khám, không biết con nhiễm bệnh sẽ dễ khiến cho vi-rút này phát tán rộng trong cộng đồng. Để phòng bệnh, tránh đưa trẻ tới nơi công cộng, tiếp xúc với những người có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại