Leukemia cấp - loại bệnh ung thư máu đặc biệt nguy hiểm

Tuấn Bảo |

Bệnh leukemia cấp là bệnh lý ác tính có tính chất dòng của tế bào gốc sinh máu.

Bệnh đặc trưng bởi hiện tượng tăng sinh không kiểm soát được của các tế bào ác tính dòng bạch cầu, đồng thời với rối loạn quá trình biệt hóa của dòng tế bào tổn thương. Hậu quả là các tế bào này lấn át các dòng tế bào bình thường trong tủy, xâm lấn các cơ quan khác và lan tràn ra máu ngoại vi

Leukemia cấp không phải là một bệnh đơn thuần mà là một nhóm bệnh đặc trưng bởi sự tăng sinh và tích lũy trong tủy xương và ở máu ngoại vi của những tế bào tạo máu chưa trưởng thành, ác tính (non - ác tính).

Những tế bào này sẽ dần dần thay thế và ức chế quá trình trưởng thành, phát triển của các dòng tế bào bình thường trong tủy xương gây ra nhiều rối loạn và hậu quả nghiêm trọng. Bệnh có tiên lượng xấu , nặng nề, diễn biến nhanh nhưng biểu hiện ban đầu đôi khi rất đơn giản, thoáng qua giống như những bệnh lý thông thường khác.

Bệnh gồm 2 thể chính là leukemia tủy cấp và leukemia lympho cấp. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, thường nhất là trẻ em và người lớn tuổi, nam và nữ đều có nguy cơ mắc bệnh như nhau.

Theo bác sĩ Vũ Thị Mai, Trung tâm Huyết học – Truyền máu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, nguyên nhân của bệnh leukemia cấp còn chưa được biết rõ. Tuy nhiên người ta đã xác định được một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị bệnh. Các yếu tố này bao gồm:

- Tia xạ: những người bị nhiễm xạ (chẳng hạn các nạn nhân bom nguyên tử, các bệnh nhân được điều trị một số bệnh bằng tia xạ).

- Một số hóa chất, chẳng hạn như benzene hoặc thuốc hóa chất sử dụng trong điều trị ung thư.

- Một số bệnh bẩm sinh như hội chứng Down.

- Một số bệnh lý tiền ung thư, chẳng hạn hội chứng rối loạn sinh tủy.

- Một số virus như HLLV-I có thể gây leukemia cấp dòng lympho tế bào T.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh là hậu quả của quá trình sản sinh quá nhiều tế bào "non", ác tính, thiếu các tế bào máu bình thường . Bệnh có nhiều thể, mỗi thể có thể có những đặc điểm riêng, nhưng chung nhất là các biểu hiện lâm sàng sau:

- Triệu chứng toàn thân: người bệnh thường thấy mệt mỏi, chán ăn, gầy sút, đôi khi có sốt nhẹ kéo dài, …

- Hội chứng thiếu máu: mức độ thiếu máu tùy từng người bệnh nhưng thường là thiếu máu nặng và rất nặng, các biểu hiện cơ năng và thực thể của thiếu máu đến khá nhanh: mệt mỏi, khó thở, chán ăn, đôi khi có ngất xỉu nhất là lúc thay đổi tư thế như đang ngồi đứng dậy.

- Hội chứng xuất huyết: biểu hiện xuất huyết do giảm tiểu cầu cụ thể là xuất huyết dưới da đa dạng, xuất huyết niêm mạc như chảy máu chân răng, máu mũi, đái máu.

Một số thể bệnh đặc biệt như leukemia cấp tiền tủy bào (M3 theo phân loại FAB) thì chảy máu là biểu hiện nổi bật với các hình thái xuất huyết nặng như xuất huyết dưới da thành đám lớn, xuất huyết các màng, các tạng...

- Hội chứng nhiễm trùng: do thiếu bạch cầu trưởng thành có chức năng nên người bệnh thường bị nhiễm trùng, biểu hiện sốt, có các dấu hiệu nhiễm trùng tại chỗ như viêm nhiễm đường hô hấp, tiết niệu, trường hợp nặng có thể nhiễm trùng huyết.

- Hội chứng loét, hoại tử: người bệnh thường loét miệng, họng, hoại tử tổ chức tạo mùi hôi đặc biệt, triệu chứng này thường gặp khi bệnh ở giai đoạn cuối, đã tiến triển lâu.

- Hội chứng thâm nhiễm: người bệnh có thể có hạch, lách to, gan to, có u da, phì đại lợi. Một số thể bệnh có thâm nhiễm thần kinh trung ương nên người bệnh có thể đau đầu rất nhiều.

Bác sĩ Vũ Thị Mai khuyến cáo: người dân khi có những biểu hiện trên nên đến các bệnh viện chuyên khoa để được làm các xét nghiệm, chẩn đoán bệnh và có các biện pháp điều trị kịp thời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại