PGS Nguyễn Tiến Dũng: Không ở đâu sử dụng nước muối sinh lý tùy tiện như người Việt

Lam Anh |

Nước muối sinh lý (natriclorid 0,9 %) là sản phẩm không thể thiếu trong các gia đình nhất là những gia đình có con nhỏ. Tuy nhiên, bác sĩ cho rằng, mọi người còn nhầm lẫn khi dùng.

Nước muối bẩn lại chữa bệnh

Natriclorid 0,9% hiện nay đang được công bố dưới 3 dạng là thuốc, mỹ phẩm và thiết bị y tế. Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất không đảm bảo nhưng lại thổi phồng công dụng nước muối sinh lý như là thuốc. Liên tiếp trong những ngày qua, nhiều cơ sở sản xuất nước muối sinh lý như vậy đã bị cơ quan chức năng TP. Hà Nội kiểm tra và xử lý.

Ngày 19/9, đoàn kiểm tra liên ngành do Thanh tra Sở Y tế làm chủ trì đã kiểm tra đột xuất kho hàng tại khu đô thị liền kề Văn Quán, quận Hà Đông.

Hơn 6.000 sản phẩm nước muối sinh lý của công ty MCB đã bị thu giữ. Không có giấy phép, không có số công bố chất lượng, số đăng ký lưu hành cơ sở sản xuất chật hẹp, bẩn nhưng sản phẩm lại được ghi công dụng như thuốc chữa bệnh. Ví dụ như phòng chống các bệnh răng miệng, rửa sát trùng vết thương, chữa viêm xoang.

PGS Nguyễn Tiến Dũng: Không ở đâu sử dụng nước muối sinh lý tùy tiện như người Việt - Ảnh 1.

Trước đó, Sở Y tế Hà Nội cũng đã đình chỉ hoạt động, rút giấy công bố chất lượng đã cấp cho công ty thiết bị vật tư y tế Nam Hà, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Cục Quản lý Dược - Bộ Y Tế cũng đã đình chỉ, thu hồi toàn bộ sản phẩm nước muối sinh lý số lô ĐL 109 của công ty Cổ phần quốc tế Đại Lợi vì không đạt chuẩn.

Sử dụng như thế nào mới đúng?

PGS TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết, "không ở đâu người ta sử dụng nước muối sinh lý dễ dàng như ở nước ta nên người bán cũng làm nước muối sinh lý dễ như thế".

Nhiều bà mẹ thấy con sổ mũi, sụt sịt lập tức lấy nước muối sinh lý bơm, xịt rửa tới tấp cho con mà không biết rằng lạm dụng và thực hiện không đúng kỹ thuật thì không những không có tác dụng diệt khuẩn mà còn làm hỏng niêm mạc mũi của trẻ, thậm chí khiến tình trạng viêm nhiễm tai mũi họng của trẻ còn nặng hơn.

Đó còn chưa kể đến sử dụng lẫn lộn các loại nước muối sinh lý khác nhau.

Theo PGS Dũng, nước muối sinh lý trong y tế có nhiều tác dụng nhưng người ta thường biết đến đó là dung dịch sát khuẩn rửa vết thương, súc miệng, nhỏ mắt, nhỏ mũi.

Thực tế, bác sĩ Dũng cho rằng dung dịch Natriclorid 0,9 % là thuốc "đầu tay" trong cấp cứu các trường hợp nặng bằng đường truyền.

Tuy nhiên, không phải bố mẹ nào cũng biết hết được các loại nước muối có giá chênh nhau tới cả trăm nghìn được bày bán tại các hiệu thuốc với quá nhiều công dụng được giới thiệu khác nhau như: xịt phun sương vệ sinh mũi, xịt mũi phun sương, dung dịch vệ sinh mũi, công thức nước biển tự nhiên, nước muối biển…

PGS Nguyễn Tiến Dũng: Không ở đâu sử dụng nước muối sinh lý tùy tiện như người Việt - Ảnh 2.

PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, không phải cứ gọi là nước muối sinh lý là có thể dùng tùy tiện mà phải dùng loại nước muối sinh lý dành cho từng loại bệnh khác nhau.

Thực tế trên thị trường hay trong sinh hoạt mọi người gom tất cả vào là nước muối sinh lý và nước muối để rửa vết thương cũng dùng cho nhỏ mắt, xịt mũi…

PGS Dũng cho biết, ông gặp rất nhiều cha mẹ họ mua cả chai to 500ml về sử dụng chung cho tất cả các loại từ xịt mũi, nhỏ mắt, súc miệng, rửa mặt…

PGS Dũng nhấn mạnh, chúng ta không nên để một loại tên cho sản phẩm có nhiều chức năng khác nhau như thế gây nhầm lẫn. Bởi Natriclorid 0,9 % có các tác dụng na ná nhau nhưng chất lượng lại không như thế.

Ở Nhật, nước rửa vết thương, truyền dịch họ đều lấy nước muối dạng truyền rửa vì họ tính độ đậm đặc, vô trùng để rửa những vết thương đặc biệt dùng cho mắt, vì niêm mạc mắt khác với da. Nhưng ở nước ta thì dùng chung và mọi người ít biến đến natriclorid 0,9 % dạng truyền.

Còn Việt Nam chúng ta quy chung cho một loại, PGS Dũng cho rằng làm thế này dễ nhầm lẫn, nhầm lẫn trong y tế thì càng nguy hiểm, không nên để các dạng nước muối sinh như như hiện nay cùng tồn tại dưới một tên chung là natriclorid 0,9 %.

Theo PGS Dũng, không nên để tên 1 sản phẩm cho y tế giống nhau như thế, mà nên có phân biệt rõ ràng. Đối với thuốc chỉ khác có 1 chữ, công dụng khác hoàn toàn thì bác sĩ còn phải tô in hoa chữ đó cho dễ phân việt và không để cạnh nhau vì dễ nhầm lẫn, bào chế hình thù khác nhau chứ chưa nói đến nhiều tác dụng và chức năng khác nhau dưới cùng 1 tên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại