Bạo động rực lửa ở "Venice phương Đông": Khi quyền lực, tiền và dầu mỏ bị hút cạn

Thi Anh |

Lãnh sự quán Iran tại Basra đã bị phóng hỏa trong đêm, người dân Iraq vẫn tiếp tục biểu tình trong căng thẳng.

"Cuộc cách mạng sẽ tiếp diễn", một người đàn ông hét lớn trong cuộc biểu tình ở Basra, "Nó sẽ tiếp tục cho tới khi yêu cầu của chúng tôi được đáp ứng".

Sáng 7/9, các cuộc biểu tình ở Basra, Iraq vẫn tiếp tục diễn ra. Đây đã là ngày thứ tư liên tiếp. Vẫn còn sớm mà nhiệt độ ngoài trời đã lên tới 43 độ. Đến buổi chiều trời còn nóng hơn. Biểu tình thường rầm rộ hơn sau khi mặt trời lặn, lúc nhiệt độ giảm dần.

Bạo động rực lửa ở Venice phương Đông: Khi quyền lực, tiền và dầu mỏ bị hút cạn - Ảnh 1.

Biểu tình phản đối tình trạng đời sống sa sút ở Basra. Ảnh: Reuters

Suốt tuần qua, Basra, thành phố lớn thứ ba của Iraq chìm trong các cuộc biểu tình phản đối tình trạng dịch vụ công tồi tệ. Nguồn nước của thành phố bị nhiễm mặn, khiến hàng nghìn người phải nhập viện trong vài tháng gần đây, trong khi tình trạng cắt điện kéo dài vẫn tiếp diễn, dù nhiệt độ ngoài trời thường xuyên lên tới 50 độ C.

Thêm vào đó, người dân còn phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp quanh năm và vấn nạn tham nhũng.

Basra đáng lý ra phải khác. Miền Nam Iraq nằm trên khoảng 80% trữ lượng dầu của nước này và là nơi có cảng nước sâu duy nhất trên cả nước, Um Qasr. Phần lớn "của cải" của Iraq đến từ khu vực Basra nhưng không ở lại với nơi này.

Sự lụi bại của "Venice phương Đông"

Nằm trên tuyến đường thủy Shatt Al-Arab, Basra từng được mệnh danh là "Venice của phương Đông" do hệ thống kênh đào của mình, những con kênh giờ tràn lan rác thải. Cách đây không lâu, nơi này vẫn còn là một thành phố trù phú, đa dạng dân tộc, chà là lớn lên từ đất Basra nổi tiếng thế giới.

Basra bắt đầu tục dốc vào đầu thập kỷ 80 cùng với chiến tranh Iran - Iraq khi bom đạn buộc hàng trăm nghìn người phải tị nạn và sau đó là những năm tháng cấm vận hà khắc do Mỹ áp đặt.

Tôi đã tới thăm Basra vài lần trong những năm 1990 và không thấy nhiều dấu hiệu phục hồi.

"Venice của phương Đông" đã trở thành một chốn buồn bã, bẩn thỉu, mục ruỗng với những tòa nhà xập xệ. Ở ngoại ô Basra là hàng trăm gốc chà là cụt ngọn do bom đạn.

Nguồn lực của Iraq những năm gần đây tập trung đổ vào cuộc chiến với IS. Chính phủ chiêu mộ binh lính từ miền Nam và đưa họ ra tiền tuyến nhưng không có thời gian lẫn năng lượng dành cho Basra.

Khi Basra cháy, Bangdad mắc kẹt trong tình trạng tê liệt chính trị sau cuộc bầu cử dang dở hồi tháng 5. Nhiều thế lực chính trị tranh giành quyền lợi và không sao đi đến quyết định về một chính quyền mới.

Tới tháng 7, Thủ tướng Haider al-Abadi cam kết chi hàng tỉ USD để nâng cấp các hệ thống dịch vụ của Basra sau một đợt biểu tình. Đó là 2 tháng trước và lời hứa vẫn chỉ là lời hứa.

Người chiến thắng thực sự trong cuộc bạo động có lẽ là Muqtada al-Sadr, một giáo sĩ dòng Shia nổi lên với những phê phán sắc bén về tham nhũng.

Bạo động rực lửa ở Venice phương Đông: Khi quyền lực, tiền và dầu mỏ bị hút cạn - Ảnh 3.

Muqtada al-Sadr, một giáo sĩ dòng Shia. Ảnh: Reuters

Bất ổn chưa có điểm dừng

Cách đây không lâu Al-Sadr là một nhân vật phản đối gay gắt việc Mỹ chiếm đóng Iraq. Năm 2016, ông đã khơi nguồn cảm hứng cho hàng loạt các cuộc biểu tình chống tham nhũng quy mô lớn ở Vùng Xanh tại Baghdad, nơi các tòa nhà chính phủ, sứ quán và biệt thự của giới lãnh đạo tọa lạc.

Các cuộc biểu tình Baghdad - trong đó người biểu tình còn chiếm đóng tòa nhà Quốc hội - đã khởi phát từ chính những bất bình vốn là nguồn cơn của bạo động tại Basra. Trong khi Baghdad phải chịu khổ - từ cắt điện kéo dài cho tới tình trạng dịch vụ công suy yếu và nền kinh tế trì trệ - thì cư dân của Vùng Xanh vẫn sống trong sự xa hoa đằng sau những bức tường cao.

Al-Sadr đã tận dụng làn sóng bất bình sâu sắc trước sự quá đà của giới chính trị Iraq và Basra là một cơ hội vàng.

Trong một bình luận đăng tải trên Twitter nhằm nhắn gửi tới ông Abadi, al-Sadr viết: "Tôi hy vọng ông không nghĩ rằng các cuộc cách mạng ở Basra chỉ là bong bóng... Hãnh nhanh chóng nhà tiền của Basra và trao số tiền ấy cho những bàn tay trong sạch để bắt đầu các dự án phát triển ngay bây giờ và cho tương lai. Hãy đề phòng sự tự mãn và cẩu thả".

Ngoài đoạn tweet trên, al-Sadr còn đồng ý bắt tay với ông Abadi với hy vọng thành lập nên một chính phủ hữu dụng. Thông qua những cuộc biểu tình, có lẽ al-Sadr đang nhắn nhủ với Abadi rằng, dù ông ta có ngồi ghế Thủ tướng thì al-Sadr vẫn có dân chúng song hành.

Mặc dù người biểu tình đã đốt gần như tất cả các văn phòng đảng phái chính trị ở Basra nhưng văn phòng nhóm vũ trang Saraya As-Salam của ông ta thì vẫn yên ổn.

Bạo động rực lửa ở Venice phương Đông: Khi quyền lực, tiền và dầu mỏ bị hút cạn - Ảnh 4.

80% trữ lượng dầu của Iraq nằm ở miền Nam. Ảnh: Reuters

Ngoài những tác động đối với chính trị trong nước, bất ổn ở Basra còn ảnh hưởng tức thì tới giá dầu thế giới. Iraq có trữ lượng dầu lớn thứ 2 thế giới và sản lượng từ các khu vực gần Basra ước tính chiếm tới 4%. Những cư dân Basra giận dữ còn biểu tình bên ngoài các cơ sở dầu khí yêu cầu việc làm và chặn đường tới cảng nước sâu Um Qasr.

Nguy cơ gián đoạn xuất khẩu dầu mỏ Iraq xảy ra vào thời điểm chính quyền Mỹ quyết định áp cấm vận vào Iran sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.

Mặc dù tiếng hét la đòi cải thiện đời sống của người dân Basra nghe có vẻ xa xôi và không mấy liên quan nhưng ảnh hưởng của nó lại có thể cận kề hơn bạn tưởng.

* Trên đây là phần lược dịch bài viết của nhà báo CNN Ben Wedeman. Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại