Iraq từ đất nước giàu có trở nên kiệt quệ, chính phủ vội chi 3 tỷ USD để xoa dịu lòng dân

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Thủ tướng Iraq Hayder Al-Abadi đã quyết định chi 3 tỷ USD để xoa dịu những đòi hỏi của dân chúng. Tuy nhiên, liều thuốc an thần này chỉ có tác dụng tạm thời.

Biểu tình lan rộng tại Iraq

Ngày 8/7/2018, tại thành phố cảng Basra của Iraq, hàng chục ngàn người đã xuống đường biểu tình chống tham nhũng, đòi cải thiện đời sống, công ăn việc làm, được cung cấp các dịch vụ công cộng tối thiểu như điện, nước... Đến nay, các cuộc biểu tình vẫn đang tiếp tục và lan rộng ra nhiều thành phố khác như Diwanyia, Thiqar, Kerbala, Najaf, Maisan, hay Al-Muthana.

Tại Thủ đô Baghdad, nhiều cuộc biểu tình lớn cũng nổ ra trên các đường phố chính với tâm điểm là quảng trường Giải phóng với những đòi hỏi tương tự. Đây là những cuộc biểu tình lớn nhất kể từ năm 2003, khi Mỹ và liên quân tấn công Iraq, lật đổ chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein.

Những người biểu tình đã đốt cháy 47 tòa nhà, trong đó có 18 tòa nhà thuộc các cơ quan chính phủ, 22 tòa nhà thuộc các đảng phái chính trị và 7 tòa nhà công cộng.

Các tòa nhà thuộc đảng Hồi giáo Dawa của Thủ tướng đương nhiệm Hayder Al-Abadi và Phó Tổng thống Nour Al-Maliki cũng đã bị đốt phá. Thống đốc tỉnh Maisan, Giám đốc sân bay Najaf cũng bị tấn công.

Các lực lượng an ninh Iraq đã phải can thiệp để giải tán các cuộc biểu tình, nhưng vẫn không ngăn cản được làn sóng phản đối ngày càng lan rộng dẫn đến các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình với cảnh sát. Bầu không khí vẫn hết sức căng thẳng tại các thành phố.

Theo Cao ủy về quyền con người Iraq (IHCHR), tính đến nay đã có 13 người chết, 571 người bị thương, trong đó có cả các nhân viên an ninh, và hàng trăm người khác bị bắt.

Vì sao người dân Iraq biểu tình?

Iraq với dân số chỉ khoảng 37 triệu người, nhưng là một trong những nước giàu tài nguyên thiên nhiên nhất thế giới, sở hữu trữ lượng dầu mỏ lên tới 143,1 tỷ thùng, đứng thứ ba thế giới sau Ả rập Saudi và Venezuela.

Sản lượng dầu mỏ năm 2017 của Iraq đạt 4,4 triệu thùng/ngày, đứng thứ tư thế giới sau Nga, Ả rập Saudi và Mỹ; và xếp thứ hai trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Ngoài dầu mỏ, Iraq còn có lưu huỳnh, phốt-phát, thủy ngân và nhiều loại khoáng sản khác. Đặc biệt, Iraq là một trong số rất ít quốc gia ở khu vực Trung Đông có nguồn nước dồi dào do hai con sông lớn Tigris và Euphrate đem lại, tạo ra một đồng bằng rộng lớn màu mỡ và phì nhiêu.

Với nguồn tài nguyên trời phú như vậy, người dân Iraq lẽ ra phải được hưởng một cuộc sống sung túc. Ấy vậy mà họ lại đang phải gồng mình trước những khó khăn chồng chất.

Năm 2003, Mỹ và các nước phương Tây tấn công Iraq với lời hứa sẽ đem lại cuộc sống ấm no và hạnh phúc cho người dân nơi đây. Nhưng cho đến nay đã 15 năm đã trôi qua, tình hình Iraq ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Tính đến nay Mỹ đã chi 5-6 ngàn tỷ USD cho cuộc chiến Iraq, nhưng không hề giúp người dân nước này cải thiện đời sống. Không ai có thể hình dung nổi một đất nước giàu có như vậy mà lại thiếu điện và nước - những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu nhất của con người.

Iraq từ đất nước giàu có trở nên kiệt quệ, chính phủ vội chi 3 tỷ USD để xoa dịu lòng dân - Ảnh 2.

Lẽ ra người dân Iraq phải được hưởng cuộc sống sung túc nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, thế nhưng họ lại đang phải gồng mình trước những khó khăn chồng chất.

Tại Hội nghị tái thiết Iraq tổ chức tháng 2/2018 tại Kuwait, Mỹ đã cam kết cho Iraq vay 3 tỷ USD. Đây là con số không đáng kể nếu so với chi phí cho cuộc chiến, nhưng đến nay những lời cam kết này vẫn chỉ nằm trên giấy.

Basra là thành phố cảng, là cửa ngõ duy nhất của Iraq ra biển. Các mỏ dầu lớn nhất của Iraq đều nằm ở tỉnh Basra và hơn 90% dầu mỏ của Iraq được xuất khẩu qua đây. Basra cũng là thành phố đem lại nguồn thu lớn nhất cho ngân sách quốc gia.

Tuy nhiên, người dân Basra không được hưởng xứng đáng nguồn thu nhập này. Họ là những người sống nghèo khổ nhất so với các tỉnh khác. Đây là lý do tại sao các cuộc biểu tình phản đối xuất phát từ đây.

Từ đòi hỏi kinh tế đến yêu cầu chính trị

Iraq là một trong những nước tham nhũng nhất thế giới. Theo tổ chức Minh bạch Quốc tế, Iraq được xếp vào hàng chót 169/180.

Cơ quan giám sát tham nhũng Iraq (ICW) gần đây công bố trong 15 năm qua số tiền tham nhũng chạy vào túi các cá nhân và các phe phái tôn giáo, chính trị tại Iraq lên tới 320 tỷ USD. Số tiền này được rút ra từ 4 ngàn đến 6 ngàn các hợp đồng kinh tế ma.

Trong tình hình như vậy, thay vì tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách của đất nước, các phe phái chính trị và tôn giáo ở Iraq lại tìm cách tranh giành quyền lực.

Cuộc bầu cử Quốc hội ngày 12/5/2018 vừa qua với tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu rất thấp chỉ vào khoảng 32% và xảy ra rất nhiều gian lận, Ủy ban bầu cử phải kiểm phiếu lại nhiều lần và đến nay vẫn chưa thành lập được chính phủ là bức tranh rõ nhất thể hiện sự thất vọng và thiếu tin tưởng vào tiến trình chính trị hiện nay.

Trước những đòi hỏi chính đáng của dân chúng, Thủ tướng Hayder Al-Abadi đã phải quyết định chi 3 tỷ USD để đáp ứng các nhu cầu trước mắt về điện, nước, công ăn việc làm và một số dịch vụ khác.

Tuy nhiên đây chỉ là viên thuốc an thần. Chính phủ của ông Hayder Al-Abadi đang lo ngại về khả năng những đòi hỏi về kinh tế sẽ chuyển sang các đòi hỏi về chính trị.

Iraq từ đất nước giàu có trở nên kiệt quệ, chính phủ vội chi 3 tỷ USD để xoa dịu lòng dân - Ảnh 4.

Chính phủ Iraq đang tố cáo mạnh mẽ những người thuộc đảng Baath cầm quyền trước đây bị lật đổ và con gái của cố Tổng thống Saddam Hussein đứng sau các cuộc biểu tình này.

Bên cạnh cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa các phe phái tôn giáo, chính trị hết sức gay gắt tại Iraq, đặc biệt giữa người Shi'a và Sunni, giữa người Kurd và người Ả rập, tranh giành ảnh hưởng của các nước Ả rập và Iran, giữa các nước lớn... thì việc đảng Baath sau 15 năm bị cấm khôi phục lại hoạt động của mình sẽ đẩy tiến trình chính trị tại Iraq vào một giai đoạn mới phức tạp hơn.

Tờ báo Al-Quds ra bằng tiếng Ả rập phát hành tại London mới đây viết: "15 năm đã trôi qua, đất nước Iraq vẫn chìm trong các cuộc xung đội đẫm máu và hỗn loạn, tham nhũng tràn lan, thiếu an ninh và các dịch vụ thiết yếu, nhiều người dân kể cả Sunni cũng như Shi'a tỏ ra luyến tiếc về những năm quá khứ".

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại