Cuộc chiến tranh khốc liệt Iran-Iraq 1980-1988

Trung Hiếu |

Iran và Iraq trải qua cuộc chiến tranh tàn khốc trong thập niên 1980, với thiệt hại nặng nề cho hai bên chiến tuyến. Sau đó, họ trở về vạch xuất phát.

Cuộc chiến tranh kéo dài giữa hai nước Trung Đông láng giềng Iran và Iraq trong thập niên 1980 đã khiến ít nhất nửa triệu người thương vong. Thiệt hại về vật chất lên tới vài trăm tỷ USD. Nhưng không bên nào thu được lợi lộc thực sự trong cuộc chiến này.

Cuộc chiến do Tổng thống Iraq Saddam Hussein phát động vào tháng 9/1980. Trong cuộc chiến này đã xảy ra các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo, vũ khí hóa học (trên quy mô lớn) và các cuộc tấn công nhằm vào các tàu chở dầu của nước thứ 3 ở vịnh Persian.

Mặc dù Iraq bị rơi vào thế phòng ngự chiến lược, Iran không thể khôi phục lại lực lượng thiết giáp hiệu quả và không thể thọc sâu qua biên giới Iraq để đạt được hiệu quả quyết định. Cuộc chiến chấm dứt vào tháng 7/1988 với nghị quyết 598 của Liên Hợp Quốc.

Thiệt hại lớn

Trong 8 năm từ khi Iraq chính thức tuyên chiến vào ngày 22/9/1980 đến khi Iran chấp nhận ngừng bắn vào ngày 20/7/1988, có ít nhất nửa triệu người thuộc hai bên đã thiệt mạng. Ngoài ra còn có ít nhất nửa triệu người nữa bị thương. Các bên đã chi trực tiếp khoảng 228 tỷ USD cho cuộc chiến và chịu thiệt hại lên tới hơn 400 tỷ USD, chủ yếu do pháo kích.

Iraq còn bị thiệt ở chỗ: Họ từng khiến Iran công nhận chủ quyền của Iraq đối với sông Shatt-el-Arab (nơi các con sông Tigris và Euphrates nhập làm một), nhưng sau chiến tranh, vào năm 1988 Tổng thống Saddam Hussein nhượng lại sông Shatt-el-Arab này để đổi lấy sự trung lập của Iran trước khi diễn ra Chiến tranh Vùng Vịnh vào năm 1991.

Cuộc chiến tranh khốc liệt Iran-Iraq 1980-1988 - Ảnh 1.

Cảnh tái hiện cuộc Chiến tranh Iran-Iraq, diễn ra ở Tehran hồi năm 2014. Ảnh: AP.


Có 3 điều tạo nên nét khác biệt của Chiến tranh Iran-Iraq.

Trước tiên, nó kéo dài hơn cả hai cuộc thế chiến. Nguyên nhân là vì Iran không muốn chấm dứt chiến tranh, còn Iraq thì không thể.

Thứ hai, cuộc chiến này là cực kỳ bất đối xứng về phương tiện mà mỗi bên sử dụng. Mặc dù cả hai nước đều xuất khẩu dầu và nhập vũ khí của nước ngoài, trên thực tế Iraq được hỗ trợ nhiều hơn, được Kuwait và Saudi Arabia hậu thuẫn, giúp họ mua được vũ khí hiện đại ở quy mô lớn hơn Iran rất nhiều.

Thứ ba, có 3 phương thức chiến tranh mới chưa từng có trong các cuộc chiến trước đó, tính từ năm 1945: 1- hai bên phóng tên lửa đạn đạo vô tội vạ vào các thành phố của nhau (nhưng Iraq phóng nhiều hơn hẳn); 2- Iraq sử dụng chủ yếu máy bay có người lái với tên lửa chống hạm để tấn công các tàu chở dầu từ các cảng của Iran; 3- Iran sử dụng thủy lôi, pháo hạm, tên lửa phóng từ bờ, và máy bay trực thăng để tấn công các tàu chở dầu xuất phát từ các cảng của các nước Arab hậu thuẫn cho Iraq.

Iraq mạo hiểm

Saddam Hussein đã tính toán lầm khi tấn công Iran: 1- Iran lúc đó là một đất nước vừa trải qua cách mạng Hồi giáo, chế độ chính trị của nước này đã được củng cố đầy khí thế bằng một cuộc chiến tranh “ái quốc” kéo dài. 2- Ở cấp chiến lược, lãnh thổ Iran có chiều sâu chiến lược mà Iraq khó có thể đâm xuyên bằng một cuộc xâm lược bất ngờ.

Do vậy, cho đến tận những tháng cuối cùng của cuộc chiến 8 năm này, Iraq đã bị đẩy vào thế phòng ngự chiến lược, phải đối mặt với các cuộc tấn công của Iran vào nơi này nơi kia, hết năm này qua năm khác.

Sau khi đánh mất hầu hết các lãnh thổ mà họ giành được vào tháng 5/1982 (khi Iran tái chiếm được Khorramshahr), Saddam Hussein đã có phản ứng chiến lược là tuyên bố đơn phương ngừng bắn (vào ngày 10/6/1982). Lúc đó ông ta ra lệnh cho các đơn vị quân đội Iraq rút về biên giới.

Nhưng Iran bác bỏ lệnh ngừng bắn này, yêu cầu Iraq phải loại bỏ Tổng thống Saddam Hussein và đền bù thiệt hại chiến tranh. Khi Iraq từ chối yêu sách này, Iran mở cuộc tiến công vào lãnh thổ Iraq, bằng chiến dịch Ramadan vào ngày 13/7/1982, mở đầu các nỗ lực đánh chiếm thành phố Basra của Iraq.

Muốn dứt điểm đối phương nhưng bất lực

Nước Iran cách mạng khi ấy gặp nhiều giới hạn về phương tiện tiến công chiến thuật. Khi đó Mỹ đã ngừng cung cấp hàng hóa cho quân đội Iran. Iran cũng mất các sĩ quan thời Quốc vương Iran – những sĩ quan này đã bị tống giam, giết hoặc đào tẩu ra nước ngoài (sau Cách mạng Hồi giáo 1979). Iran không thể khôi phục lực lượng thiết giáp và lực lượng không quân như trước đó.

Các đơn vị lục quân và vệ binh Pasdaran của Iran chỉ có thể mở các cuộc tấn công bộ binh được hỗ trợ bằng hỏa lực pháo binh mạnh. Iran tận dụng lợi thế tinh thần và dân số (40 triệu dân Iran so với 13 triệu dân Iraq). Mặc dù bộ binh Iran thỉnh thoảng có thể xâm nhập qua tuyến phòng ngự của Iraq, họ vẫn không thể tiến sâu vào trong lãnh thổ Iraq để giành chiến thắng quyết định.

Vào năm 1988, Iran đã trở nên nản chí do phát động nhiều cuộc tấn công “cuối cùng” trong nhiều năm mà không đạt được mục đích, do viễn cảnh thương vong bất tận, và do suy giảm năng lực nhập hàng hóa dân sự lẫn quân sự, cũng như do các cuộc tấn công bằng tên lửa Scud của Iraq nhằm vào thủ đô Tehran của Iran.

Một yếu tố giúp chiến tranh kết thúc là Iraq đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn vào tháng 4/1988. Khi đó Iraq đã giữ gìn lực lượng trong thời gian dài và đã cơ giới hóa lực lượng của họ để ngăn ngừa tình trạng ngại đối mặt với hỏa lực đối phương./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại