Theo Washington Post ngày 30-4, trong một đoạn phim được trực tiếp trên truyền hình Iraq, những người biểu tình sau khi xông vào tòa nhà Quốc hội đã vẫy cờ, la hét, đập phá bàn ghế.
Một số nghị sĩ Iraq bị tấn công khi cố gắng thoát khỏi tòa nhà trong khi vẫn còn khá nhiều người khác bị kẹt lại. Hiện vẫn chưa rõ tình hình của những người này.
Việc Thủ tướng al-Abadi không thể triệu tập một cuộc họp cải tổ nội các đã khiến những người ủng hộ giáo sĩ dòng Shiite Moqtada al-Sadr tức giận. Họ yêu cầu bãi bỏ hệ thống chính trị theo kiểu hạn ngạch ở Iraq, vốn được Mỹ hậu thuẫn kể từ năm 2003.
“Đây là kỷ nguyên mới của Iraq” một người biểu tình hét lớn, “họ đã cướp nhiều thứ của chúng ta trong suốt 13 năm qua”
Shwan al-Dawoodi, một nghị sĩ người Kurd tại Iraq nhấn mạnh: “Đây là sự kết thúc cho hệ thống chính trị sau năm 2003. Lỗi phần lớn thuộc về người Mỹ khi họ đã khiến Iraq không thể giải quyết được vấn đề do chính Washington tạo ra”
Việc người biểu tình xông vào Vùng Xanh, mà đặc biệt là Quốc hội đã làm dấy lên nhiều lo ngại. Đây là khu vực tập trung không chỉ các cơ quan đầu não của Iraq mà còn của một số cơ quan đại diện của Liên Hiệp Quốc và đại sứ quán các nước, bao gồm cả Mỹ.
Chính quyền thủ đô Baghdad đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp ngay trong đêm 30-4. Mọi tuyến đường chính vào thủ đô đã bị phong tỏa.
Một số nguồn tin khẳng định với Reuters cảnh sát đã xịt hơi cay và bắn chỉ thiên đạn cao su với hi vọng làm nản lòng người biểu tình. Trong khi đó, lực lượng đặc nhiệm Iraq đã được triển khai tới bên ngoài đại sứ quán Mỹ, ngăn không cho người biểu tình tiến vào trong.
Nói với Washington Post một nhân viên đại sứ quán Mỹ tại Iraq khẳng định cơ quan này vẫn chưa nhận được yêu cầu sơ tán. Những người tổ chức cuộc biểu tình cũng kêu gọi người biểu tình không nên tấn công các đại sứ quán nước ngoài tại Vùng Xanh.