"Nhất bên trọng, nhất bên khinh"
Trong những ngày này, Trung Quốc khiến dư luận để ý đến ở cả hai chiều nhìn nhận trái ngược nhau. Tại Bắc Kinh, Trung Quốc chủ trì tiến hành lần thứ 5 Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - Châu Phi. Tại đảo quốc Nauru, đoàn Trung Quốc tham dự Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF). Diễn biến sự kiện ở hai nơi nghịch cảnh với nhau về mọi phương diện.
Ở Bắc Kinh, Trung Quốc chủ động tranh thủ và quyến rũ các bên tham dự bao nhiêu thì ở Nauru, Trung Quốc lại cố ý gây chuyện với nước chủ nhà bấy nhiêu.
Ở Bắc Kinh, Trung Quốc tìm mọi cách để gạt bỏ mọi cảm nhận và ấn tượng về "chủ nghĩa thực dân mới" trong quan hệ với các nước châu Phi, thể hiện bình đẳng và cùng có lợi. Còn ở Nauru, cách hành xử của đoàn Trung Quốc, ở cấp thấp chứ không phải ở cấp cao, bị chính tổng thống nước chủ nhà coi là hành vi của "kẻ lớn bắt nạt kẻ bé".
Đây thân thiện và tranh thủ, kia lại căng thẳng và gây chuyện - nguyên do của thái độ và chủ ý khác nhau này ở chỗ Trung Quốc ở PIF không có được thế và ảnh hưởng như ở Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi, ở chỗ các bên tham dự diễn đàn ở Bắc Kinh đều có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và xa lánh Đài Loan trong khi đảo quốc Nauru chủ nhà của PIF năm nay hiện lại có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, thậm chí lại còn đã từng có quan hệ ngoại giao với Đài Loan rồi xa cách xứ Đài để thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc mà chỉ 3 năm sau lại bỏ Trung Quốc trở về với Đài Loan.
Nguyên do ở chỗ Trung Quốc độc tôn dẫn dắt diễn đàn ở Bắc Kinh trong khi chỉ là 1 giữa 18 quan sát viên của PIF - cùng với Mỹ và Australia mà Trung Quốc cho là đứng chống lưng phía sau cho Nauru.
Câu chuyện về "tầm ảnh hưởng"
Không phải Trung Quốc xao nhãng khu vực có những quần đảo ở Thái Bình Dương. Trung Quốc cũng đã quyến rũ các quốc đảo này và cũng đã tìm mọi cách để gây dựng vai trò, ảnh hưởng như đã làm rất thành công ở châu Phi.
Tiền của để thực hiện mục tiêu ấy Trung Quốc đâu có thiếu - tại Bắc Kinh năm nay, chẳng phải Trung Quốc lại một lần nữa hào phóng mở hầu bao để quyến rũ các quốc gia châu Phi đó hay sao?
Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - Châu Phi diễn ra tại Bắc Kinh. Ảnh: Xinhua
Và ý muốn chính trị cho việc ấy Trung Quốc vốn cũng đã có từ lâu rồi. Các đảo quốc vùng này cũng khát vốn đầu tư và cần đối tác hợp tác kinh tế và thương mại như các quốc gia châu Phi. Nhưng rõ ràng là cuộc chinh phục các đảo quốc này khó khăn và không được thành công đối với Trung Quốc.
Ở châu Phi, có thể nói là Trung Quốc đã đi trước các đối tác khác, đã đi lối đường riêng nên cho tới nay đã đi được xa hơn tất cả các đối tác khác trong quan hệ hợp tác với các nước châu Phi.
Bỏ ra nhiều tiền và không đặt ra bất cứ điều kiện chính trị nào là hai vũ khí đắc dụng nhất của Trung Quốc trong công cuộc chinh phục Châu lục đen. Các quốc gia châu Phi dễ dàng bị Trung Quốc tranh thủ và thu phục chính nhờ thế.
Lãnh đạo cao cấp của gần như tất cả các quốc gia châu Phi đã tới Bắc Kinh tham dự diễn đàn chính nhờ thế và diễn đàn này rất thành công đối với Trung Quốc cũng chính nhờ thế.
Ở PIF thì lại khác.
Nơi đây là khu vực ảnh hưởng truyền thống của Mỹ và Australia. Nơi đây, Trung Quốc đến sau chứ không phải đi trước và phải chấp nhận cạnh tranh chiến lược quyết liệt với các đối tác khác chứ không thả sức tung hoành như ở châu Phi.
Nơi đây, Trung Quốc phải chấp nhận chơi cuộc chơi do kẻ khác chủ xướng chứ không được chơi cuộc chơi riêng hoặc do mình dẫn dắt như ở châu Phi.
Ở châu Phi thuận với Trung Quốc thì Trung Quốc thân thiện và tranh thủ, ràng buộc và gắn kết. Ở khu vực các quần đảo Thái Bình Dương không thuận với Trung Quốc thì Trung Quốc làm găng và gây chuyện. Cái mô thức ứng xử này lý giải thái độ "trọng và khinh" của Trung Quốc ở hai diễn đàn trong những ngày vừa qua.
*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại