Nghề “Cảnh sát đen” ở Đức phát đạt

Thu Hường |

Gần đây, truyền thông Đức thường ám chỉ những người hành nghề thám tử tư là “cảnh sát đen”.

Tuy họ cũng theo dõi những đối tượng tình nghi nhưng không phải theo sự chấp thuận từ các cơ quan chức năng mà phụ thuộc vào đơn đặt hàng của mọi tầng lớp có nhu cầu.

“Cảnh sát đen” là một nghề đang nở rộ tại Đức, mỗi năm có khoảng hơn 300 người mua giấy phép hành nghề. Phổ biến trong giới thám tử tư là các cựu nhân viên cảnh sát, những người về hưu và thậm chí cả sinh viên đăng ký làm thêm.

Họ không bao giờ lên tiếng phàn nàn vì thiếu việc. Nhiều cặp vợ chồng thuê thám tử tư hòng khám phá việc ngoại tình của người bạn đời; các chủ nhà băng nghi ngờ tính chắc chắn của hệ thống két sắt; hay những người bị mất cắp tài sản hy vọng tìm lại được v.v...

“Cảnh sát đen” cũng được thuê bảo vệ những sản phẩm kim hoàn đắt tiền, do giới người mẫu lăng xê trong các dịp quảng cáo đồ trang sức; hoặc phụ huynh học sinh thuê họ theo dõi xem con em mình có tụ tập sử dụng ma túy với bạn bè không; còn giới kỹ nghệ gia lại không ngừng tạo ra những đơn đặt hàng mới cho họ, trao cho các thám tử tư những kỹ thuật “khám phá” tân kỳ và tinh vi nhất.

Hầu hết các trường hợp thuê “cảnh sát đen” của giới doanh nhân là nhằm vào công tác tình báo công nghiệp: thám tử tư thường theo dõi “con mồi” từ các cỗ xe của “ông chủ” được gắn máy bộ đàm mã hóa, kịp thời thông báo những tình tiết mới cho bên “đặt hàng”.

Riêng nhiều nhà tỉ phú lại có cả tá các tay thám tử tư ăn lương chuyên trách, đảm nhiệm những công việc đậm chất “chuyên môn đặc thù”.

Vậy ở Đức có bao nhiêu thám tử tư? Số người đã đăng ký hành nghề dĩ nhiên là được cơ quan cảnh sát giữ kín. Trong trường hợp ngược lại, sớm muộn gì báo giới cũng biết tới số liệu thống kê chính thức, cho dù một vài con số chưa hẳn “đáng tin” đã từng xuất hiện trên mặt báo.

Như tạp chí Geheimnis (Tuyệt mật) xuất bản ở Hamburg, đã đăng tải thông tin dựa theo một người tên là Michel Bosman nào đó thuộc Liên đoàn Thám tử tư Hamburg (PAH), cho biết hằng năm có 5.000 hội viên PAF đóng thuế thu nhập cá nhân đều đặn.

Còn theo các số liệu khác thì đội quân “cảnh sát đen” ấy phải đông gấp 4 lần, tương ứng với hơn 1,8 triệu cư dân Hamburg cũng là đô thị lớn hàng thứ 2 ở Đức.

Con số chính thức từ Bộ Nội vụ Liên bang Đức là 340 hãng thám tử tư đã đăng ký hoạt động, trong đó phải kể đến các “công ty điều tra” hàng đầu như Hiệp hội Thám tử Liên bang (BDD), Liên đoàn Các thám tử tư Đức (BDP), Trung tâm Chỉ dẫn tư hữu Liên bang (FGC)... quy tụ hàng chục nghìn thành viên với mức thu nhập thường niên cao chót vót, khiến nghề “cảnh sát đen” trở thành một nghề... dễ phất.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh”, ví như khi thám tử tư hành nghề để bảo vệ quyền lợi khách hàng của mình, nhằm khám phá ra kẻ tình nghi thì chính họ trong quá trình theo dõi “con mồi”, lại vượt quá những quyền hạn mà pháp luật cho phép.

Nếu như kẻ tình nghi không thể bị khám phá bằng các nghiệp vụ hợp pháp, chẳng có gì cản trở các nhà thám tử “dấn bước” thêm nữa... như đưa ra trước tòa những bằng chứng giả, nhằm có được khoản thù lao lớn hơn mà khách hàng đã hứa trả.

Nghề “Cảnh sát đen” ở Đức phát đạt - Ảnh 3.

“Hành trang” thông dụng của một thám tử lành nghề.


Trong thực tế, tội man trá của các thám tử tư rất khó bị lộ, ngoại trừ những vụ việc đặc biệt. Có cả những trường hợp thám tử tự xuất hiện trước “con mồi”, hòng chủ động giới thiệu mình là ai, với nhiệm vụ gì...

Lẽ dĩ nhiên, đương sự được “con mồi” chi thưởng hậu hĩnh hơn hẳn khách hàng thuê mướn, khiến một tay “cảnh sát đen” biến chất có thể kiếm được tiền từ cả 2 phía, với kết quả y như trước khi thám tử chưa xuất hiện.

Cũng có cả sự lạm dụng nữa. Ví dụ một thám tử tư trong khi thực hiện “đơn đặt hàng” theo yêu cầu của một lãnh đạo công ty nào đó, anh ta có quyền lục lọi hồ sơ từ lý lịch nhân sự đến các bí mật công nghiệp... để rồi “sang nhượng” lại cho một doanh nhân đối thủ khác hào phóng hơn. Đó chính là con dao 2 lưỡi của nghề “cảnh sát đen”.

Điều lệ của các tổ chức thám tử nhà nghề ở Đức cấm giới thành viên dò tìm đời tư của mọi người. Nhưng bất chấp điều đó, trong thực tế các tay thám tử sử dụng tất cả mọi cách miễn sao đạt được mục đích mà “chủ hàng” đưa ra. Một sự thật nữa là các thám tử tư luôn sẵn sàng “vấy bùn”, cũng là một điều mà giới hữu trách Đức không lưu tâm mấy.

Nhân lực trong ngành thám tử được đào tạo trong các trường tư, với những khóa học kéo dài khác nhau. Trung tâm lớn nhất đào tạo các thám tử tư của châu Âu nằm tại thành phố Basel phía tây bắc Thụy Sĩ.

Đó là một ngôi trường quy mô quốc tế, tồn tại hơn nửa thế kỷ nay. Các cá nhân “có vũ trang” được đào tạo qua trường này, trở thành hiện tượng quen thuộc và ngày càng phổ biến ở Paris (Pháp), London (Anh), Milan (Italia) và nhiều đô thị phương Tây khác.

Những trường tương tự cũng có cả ở Đức. Các chuyên viên hành pháp Đức cho rằng do tội phạm gia tăng, cũng như sự nảy nở của ngành phản gián công nghiệp, song song là sự đối kháng xã hội ngày một thêm sâu sắc... luôn đòi hỏi đội ngũ thám tử tư cần phải có thêm nhiều nhân viên hơn nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại