Buột miệng khen nữ bác sĩ mặc váy bó sát màu hồng, nam bệnh nhân bị cắt dịch vụ

BS Huynh Wynn Tran |

Đây là một trong số rất nhiều câu chuyện điển hình tại Mỹ về việc khi nào thì bác sĩ được từ chối bệnh nhân.

Bác sĩ có quyền từ chối bệnh nhân trong trường hợp nào?

Có lần đọc mạng xã hội, tôi thấy có đồng nghiệp ở Việt Nam than thở bị quá tải hoặc gặp bệnh nhân hung hăng, không biết điều nhưng không cách nào từ chối được. 

Vì từ chối thì bệnh nhân có thể lên gặp thẳng ban giám đốc "mách" hoặc lên mạng nói xấu, ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp của mình.

Mà ban giám đốc thường chọn phương án giữ khách nên cách giải quyết cũng nghiêng về người bệnh. Bác sĩ ấm ức quá cũng kể lể chút với đồng nghiệp hay với bạn bè, rồi thôi.

Ở Mỹ, Hội Y khoa Hoa Kỳ (American Medical Association) và Hội Bác sĩ Nội Khoa Hoa Kỳ (American College of Physicians) có ghi rõ trong điều lệ y đức của bác sĩ (BS) khi khám bệnh cho bệnh nhân (BN) như sau:

"BS có nghĩa vụ đạo đức khám chữa bệnh cho tất cả các BN" (1), không phân biệt giới tính, địa vị xã hội, hay bất kỳ lý do nào khác, và "BS phải đặt lợi ích của bệnh nhân mình lên lợi ích cá nhân của BS" (2).

Buột miệng khen nữ bác sĩ mặc váy bó sát màu hồng, nam bệnh nhân bị cắt dịch vụ - Ảnh 1.

Tuy nhiên, ACP cũng nói rõ mối quan hệ BS - BN có thể tạm dừng, hoặc chấm dứt trong một số trường hợp đặc biệt (3). Đó là khi BN có hành vi hoặc hành động tấn công làm BS lo sợ hoặc không cảm thấy thoải mái.

Những câu chuyện sống động

Một lần, một BN nam đến khám bệnh với một BS nữ còn trẻ. Cô BS mặc chiếc váy màu hồng hơi bó sát thân hình, chỉ đeo ống nghe và không mặc áo choàng trắng.

BN khen là chiếc váy cô BS mặc rất đẹp, chỉ có đều là nó hơi chật nên làm lộ ra nhiều đường cong. Cô BS trẻ mỉm cười không nói gì. Một tuần sau, anh BN nhận một lá thư viết rằng cô BS không cảm thấy thoải mái với lời khen đó và cô chấm dứt dịch vụ khám bệnh cho anh.

Những trường hợp đặc biệt khác mà BS có quyền từ chối bao gồm BN không trả tiền dịch vụ; BN liên tục huỷ hẹn; có yêu cầu quá đáng; không tuân theo chỉ định của BS; BN cung cấp thông tin sức khoẻ sai lệnh, hoặc BN có tình ý với BS hoặc nhân viên y tế.

Tony, 38 tuổi là một ví dụ về yêu cầu quá đáng. Anh không có việc làm ổn định nên thường xuyên ra văn phòng BS xin thuốc. Một lần, anh yêu cầu BS phải kê toa trụ sinh cho đau cổ họng nhưng BS từ chối vì anh không có dấu hiệu viêm nhiễm vùng họng khi khám và lấy bệnh sử.

BS đề nghị Tony quay trở lại trong 2-3 hôm nữa trong trường hợp không khỏi để khám lại và cho trụ sinh nếu cần. Tony tức giận và cho rằng BS đã không khám bệnh hết lòng. Bước ra khỏi phòng, anh la mắng BS và nhân viên.

Văn phòng BS ngay lập tức gọi 911.

Cảnh sát đến và dẫn Tony đi. Trước khi đi, anh còn nói sẽ kiện BS. Ngày hôm sau, vị BS gửi thư từ chối khám bệnh cho Tony kèm theo hồ sơ khám bệnh để chỉ ra rằng anh đã đòi hỏi vô lý và cố ý gây rối an ninh phòng khám.

Một trường hợp thú vị khác là bà Maria, 56 tuổi, có bảo hiểm sức khoẻ khi đi khám BS chuyên khoa. Nghe bạn bè nói là do thu nhập thấp nên bà không cẩn phải trả tiền co-pay (hay còn gọi là tiền cùng chi trả, thường là một số tiền nhỏ BN trả cùng lúc với hãng bảo hiểm mỗi lần khám bệnh cho văn phòng BS) .

Vì vậy, mỗi lần đến văn phòng BS, bà không hề chịu trả 35 $ tiền co-pay. Một năm sau, văn phòng BS gửi đơn đòi tiền cho 3 lần khám tổng cộng 105 $ nhưng bà nhất định không trả, do tin chắc là mình thu nhập thấp nên không phải tiền.

Buột miệng khen nữ bác sĩ mặc váy bó sát màu hồng, nam bệnh nhân bị cắt dịch vụ - Ảnh 2.

6 tháng sau đó, văn phòng BS nhờ công ty đòi nợ gửi trát đến nhà để đòi nợ, đồng thời gửi luôn giấy từ chối dịch vụ khám bệnh cho bà với lý do hoá đơn cũ chưa thanh toán. Lúc đó, bà Maria mới vỡ lẽ và muốn quay lại BS chuyên khoa để khám nhưng quá muộn.

Trường hợp Jennifer, 24 tuổi còn đặc biệt hơn. Cô đến gặp BS gia đình mới của cô cách đây 3 tháng. Anh chàng BS này mới ra nội trú chuyên khoa, hơn cô vài tuổi. Cô cảm thấy rất vui và hợp với vị BS trẻ này.

Cô đến khám thường xuyên hơn mặc dù chẳng có bệnh gì. Chủ yếu cô muốn gặp anh BS đẹp trai để nói chuyện. Mỗi tháng, cô phải tìm lý do để đi khám bệnh vì cô rất khoẻ mạnh. Anh BS kia cũng rất chuyên nghiệp, chỉ hỏi về cuộc sống cá nhân và quan điểm sống khi Jennifer nói.

Tới một hôm, anh BS kia nói anh không thể khám bệnh cho cô được nữa. Anh nói thay vì gửi một lá thư từ chối dịch vụ, anh quyết định sẽ nói thẳng lý do. Lý do của anh là gần đây, anh đã bắt đầu có cảm giác riêng tư với Jennifer.

Vì vậy, để chuyên môn và đạo đức y khoa không bị ảnh hưởng, anh quyết định từ chối khám bệnh cô sau này. Tuy nhiên, đề nghị sau khi từ chối khám bệnh, anh muốn được mời cô đi ăn tối. Một năm sau đó, hai người thành hôn.

Buột miệng khen nữ bác sĩ mặc váy bó sát màu hồng, nam bệnh nhân bị cắt dịch vụ - Ảnh 3.

Về mặt luật pháp, BS có quyền từ chối BN theo bất kỳ lý do nào mà BS muốn. Thực tế, đa số các BS thường làm theo y đức và lương tâm. Họ chỉ từ chối khám bệnh khi nào mối quan hệ BS - BN không thể tồn tại và mối quan hệ này không có lợi cho bệnh nhân.

Thêm nữa, các nguy cơ BS bị BN kiện cũng không cao vì khi từ chối BS thường có lý do chính đáng, có ghi chú rõ ràng như những trường hợp trên, nên BN khi ra toà sẽ khó thắng.

Một điểm quan trọng trong việc từ chối khám bệnh hợp lý là BS phải giải thích kỹ và rõ ràng, nhất là trước lúc khám những vùng nhạy cảm trên cơ thể, để hai bên cùng hiểu và hợp tác.

Có một BN bị từ chối khám đã thắng kiện BS tại toà do vị BS kia đã không giải thích lý do rõ ràng trước khi gửi giấy từ chối khám bệnh. Sau đó, BN được vị BS này nhận khám lại nhưng BN cũng quyết "một đi không trở lại".

Nhìn về Việt Nam, văn hoá người Việt thường mong đợi "Lương y như từ mẫu" nên rất nhiều BN cho rằng BS không nên và không có quyền từ chối bệnh nhân.

Nhưng thực tế cho thấy qua các ca bạo hành y tế, các BS và bệnh viện hoàn toàn có thể từ chối dịch vụ khám chữa bệnh cho BN một cách chính đáng.

Vì ngành y cũng là một loại ngành dịch vụ và người cung cấp dịch vụ y tế (là BS) hoàn toàn có quyền từ chối bệnh nhân để bảo vệ an toàn cho chính họ và các bệnh nhân khác.

Tài liệu tham khảo:

1. Snyder L, Leffler C. Ethics and Human Rights Committee American College of Physicians. Ethics manual: fifth ed. Ann Intern Med. 2005;142:560-582.

2. American Medical Association (AMA). Opinion 10.015. The patient-physician relationship. Code of Medical Ethics. Chicago, Ill: AMA. 2008. Available at: http://www.ama-assn.org/ama/pub/physician-resources/medical-ethics/code-medical-ethics/opinion10015.shtml . Accessed February 11, 2011.

3. American College of Physicians. Ethical considerations for the use of patient incentives to promote personal responsibility for health: West Virginia Medicaid and beyond [position paper]. Philadelphia: American College of Physicians; 2010.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại