Chuyện lạ: Triều Tiên "dạy" Nga về nghệ thuật phòng không?

Trung Phạm |

Mặc dù Triều Tiên chưa phải quốc gia đi tiên phong về các xe chiến đấu đa nhiệm nhưng lại là nước đầu tiên sản xuất và đưa vào biên chế rộng rãi loại xe này ở vai trò phòng không.

Quân đội Nga hiện đang có trong biên chế lực lượng xe tăng lớn nhất thế giới. Với hơn 20.000 đơn vị trên cả nước, số xe tăng mà Nga sở hữu thậm chí còn nhiều hơn cả tổng số xe tăng của 3 nước tiếp theo là Trung Quốc, Mỹ và Triều Tiên cộng lại.

Kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ, Quân đội Nga càng tập trung nhiều hơn vào phát triển các hệ thống tên lửa đất đối không như một giải pháp tiết kiệm chi phi trong chiến thuật đối phó với sức mạnh không quân hùng hậu của phương Tây.

Để triển khai chiến thuật này, Nga dường như đã học tập được từ nước láng giềng Triều Tiên, theo cách có chủ đích hoặc chỉ là sự trùng hợp, cách biến những cỗ xe tăng chủ lực thành các phương tiện chiến đấu kép, vừa có khả năng triển khai tên lửa đất đối không lại vừa là một phần của mạng lưới phòng thủ vững chắc.

Thất bại đau đớn của Iraq và bài học cho Triều Tiên

Trước bối cảnh thực tế phải đối diện với những mối đe dọa to lớn từ các khả năng tác chiến trên không của Mỹ và đồng minh, Triều Tiên buộc phải đầu tư mạnh mẽ phát triển một trong những mạng lưới phòng không hùng hậu nhất thế giới.

Bên cạnh các trận địa radar và tên lửa đất đối không dày đặc và các xe phòng không tầm ngắn cơ động như Strela được triển khai cùng với các lực lượng bộ binh trên khắp đất nước, Triều Tiên cũng đã trang bị cho hệ thống xe tăng chiến đấu chủ lực các tên lửa phòng không tiên tiến có khả năng bảo vệ lực lượng mặt đất khỏi các đòn tấn công từ trên không.

Mặc dù Triều Tiên chưa phải quốc gia đi tiên phong về các xe chiến đấu đa nhiệm nhưng lại là nước đầu tiên sản xuất và đưa vào biên chế rộng rãi loại xe này ở vai trò phòng không.

Chuyện lạ: Triều Tiên dạy Nga về nghệ thuật phòng không? - Ảnh 1.

Xe tăng chiến đấu chủ lực Pokpung-Ho của Triều Tiên tham gia diễu binh tại Bình Nhưỡng

Các xe tăng Pokpung-Ho và Chonma-Ho, bên cạnh vũ khí chính, còn được triển khai các tên lửa đất đối không, qua đó cho phép chúng góp phần bảo vệ không phận Triều Tiên cũng như chủ động đối phó với trực thăng, máy bay cánh cố định của kẻ thù khi không tham gia vào nhiệm vụ tấn công các mục tiêu mặt đất.

Động lực để Triều Tiên xây dựng thế trận này có lẽ đến từ cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 khi các kíp xe tăng yếu kém của Quân đội Iraq bị phi cơ và trực thăng chiến đấu phương Tây truy đuổi và tiêu diệt trên sa mạc mà không có bất cứ khả năng phòng vệ nào.

Những cải tiến của Nga

Một lượng lớn các phương tiện bọc thép mới được đưa vào biên chế gần đây của Nga, cũng giống như các biến thể mới nhất của Pokpung-Ho và Chonma-Ho, đã được thiết kế là các xe chiến đấu đa nhiệm có khả năng tấn công cả các phương tiện trên không và dưới mặt đất.

Hệ thống pháo - tên lửa phòng không Pantsir đưa vào sử dụng năm 2012, mặc dù được thiết kế với vai trò chính là phương tiện phòng không nhưng nó cũng có khả năng tấn công các mục tiêu bộ binh và thiết giáp của kẻ thù rất hiệu quả.

Quân đội Nga được cho là đang cân nhắc khả năng trang bị tên lửa siêu thanh cho loại phương tiện chiến đấu này trong tương lai gần, khi đó nó sẽ trở thành mối đe dọa chết người đối với cả máy bay và thiết giáp của kẻ thù.

Chuyện lạ: Triều Tiên dạy Nga về nghệ thuật phòng không? - Ảnh 2.

Tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir

Xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ 4 T-14 Armata cũng được Nga thiết kế với nhiều tính năng đa nhiệm, giúp nó hoạt động hiệu quả ở cả vai trò phòng không.

Thay vì chỉ lắp đặt thêm các tên lửa phòng không riêng rẽ như kiểu xe tăng của Triều Tiên, pháo chính 2A82-1M 125 mm của Armata tự nó cũng có khả năng bắn tên lửa đất đối không có điều khiển với tầm tấn công 5 km, đủ sức tiêu diệt các máy bay, trực thăng, UAV hoạt động ở độ cao thấp. Nó được thiết kế chủ yếu làm phương tiện đối phó với trực thăng tấn công.

Các thế hệ xe chiến đấu hỗ trợ tăng mới của Nga, lớp kế nhiệm BMPT-72 "Terminator 2", cũng được thiết kế chủ yếu để yểm trợ hỏa lực cho các phương tiện thiết giáp chống lại bộ binh và xe chiến đấu mặt đất của kẻ thù.

Tuy nhiên, những biến thể mới này đã được thiết kế với các khả năng đất đối không đáng kể, bộc lộ một mối đe dọa chết người với trực thăng, UAV, máy bay cường kích và thậm chí là tiêm kích phản lực bay ở tầm thấp.

Chuyện lạ: Triều Tiên dạy Nga về nghệ thuật phòng không? - Ảnh 3.

Xe tăng Pokpung-Ho của Triều Tiên xuất hiện với các tên lửa phòng không

Sergei Abramov, Tổng giám đốc Tập đoàn nhà nước Rostec từng cho biết: "Dòng BMPT mới sẽ có thể đối phó với tất cả các dạng mục tiêu: trên không, trên bộ, binh lính và phương tiện vật chất của kẻ thù".

Theo người phát ngôn của Rostec, các phương tiện chiến đấu mới nhiều khả năng cũng sẽ có các đạn tên lửa đất đối không tự điều chỉnh quỹ đạo.

Điều này khiến nhiều chuyên gia phân tích phải đặt ra câu hỏi: Nếu thế, chiếc xe trên khung gầm xe tăng T-72 này phải gắn radar phòng không đủ mạnh và sẽ đặt ở đâu để phát huy hết hiệu quả của các loại vũ khí?

Câu hỏi tương tự cũng được đặt ra liên quan đến các khả năng của tên lửa đất đối không trên các xe tăng của Triều Tiên.

Liệu có bí mật nào đó đã được hai quốc gia chia sẻ vẫn còn là điều để ngỏ. Những phương tiện thiết giáp này có thể được thiết kế là một phần của mạng lưới phòng không, sử dụng một số dạng truyền dữ liệu nào đó để phối hợp với các trạm radar phòng không cố định cỡ lớn. Tuy nhiên, câu trả lời chắc chắn khó có thể đưa ra ngay lúc này.

Sức mạnh tổ hợp pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S1 của Nga

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại