Châu Âu tham vọng phát triển máy bay chiến đấu thay thế F-35

TUẤN SƠN |

Đại diện hãng chế tạo hàng không Pháp Dassault Aviation và Tập đoàn Airbus cho biết, hai bên vừa ký thỏa thuận hợp tác phát triển máy bay chiến đấu tương lai - Future combat air system (FCAS).

Chương trình này kỳ vọng sẽ tạo ra dòng máy bay chiến đấu hợp nhất của châu Âu thay thế các máy bay chiến đấu Rafale, Eurofighter và F-18 Hornet, cũng như giảm phụ thuộc vào máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 Lightning II của Mỹ.

Châu Âu hợp tác phát triển máy bay chiến đấu?

Thực tế, FCAS chính là bước nối tiếp của chương trình hợp tác giữa Anh và Pháp ký năm 2012 về việc phát triển nền tảng máy bay chiến đấu tương lai. Tuy nhiên, với sự kiện Brexit, chương trình hợp tác Anh-Pháp đã bị đóng băng và có nguy cơ đổ vỡ.

Giới chức quân sự châu Âu kỳ vọng, nguyên mẫu đầu tiên của FCAS sẽ xuất hiện vào năm 2025 và chính thức hoạt động từ năm 2040. Tuy nhiên, các mốc thời gian phát triển FCAS chưa được cụ thể hóa do đây là dự án đa quốc gia và các thông tin cụ thể mới đang dừng ở giai đoạn phác thảo dự án.

Châu Âu tham vọng phát triển máy bay chiến đấu thay thế F-35 - Ảnh 1.

FCAS được phát triển dựa trên nền tàng hàng không quân sự tương lai với sự hợp tác giữa các quốc gia châu Âu. Ảnh: Defense News.

Theo đại diện Tập đoàn Airbus và BAE Systems, FCAS có thể là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6, nhưng không đưa ra bất kỳ thông tin cụ thể về mốc thời gian và các công nghệ có thể áp dụng trên FCAS.

Trả lời phỏng vấn báo giới về FCAS, đại diện báo chí BAE Systems đưa ra câu trả lời rất mơ hồ: Chúng tôi đang tích cực hợp tác với Bộ Quốc phòng Anh trong lĩnh vực phát triển công nghệ hàng không quân sự tiên tiến và hàng loạt công nghệ đang được nghiên cứu để ứng dụng trên máy bay chiến đấu mới.

Trong khi đó, phía Tập đoàn Airbus cung cấp nhiều thông tin hơn. Cụ thể, FCAS sẽ có chuyến bay đầu tiên vào năm 2040, nhưng mốc thời gian này có thể thay đổi tùy thuộc vào quá trình phát triển dự án.

Lãnh đạo Cơ quan truyền thông của Airbus, ông Florian Taitsch cho biết, hiện vẫn chưa có bất kỳ hợp đồng nào liên quan tới FCAS được ký và kế hoạch phát triển dự án có thể được đưa ra trong cuối năm 2018.

“Chúng tôi có thể chắc chắn đây sẽ là dự án hợp tác của châu Âu”, ông Florian Taitsch nói.

Hiện tại, FCAS mới chỉ dừng lại ở chương trình hợp tác độc lập giữa Pháp và Đức. Tuy nhiên, giống như chương trình phát triển máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon, sẽ có nhiều quốc gia châu Âu khác tham gia FCAS, khi dự án thành hình.

Liên quan tới FCAS, Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha cho biết đã nhận được báo cáo liên quan tới dự án máy bay chiến đấu mới hợp tác của châu Âu. Madrid sẽ cân nhắc các phương án để tham gia “dự án có tầm quan trọng to lớn” như FCAS.

Trong quá khứ, châu Âu từng có tiền lệ xấu trong chương trình phát triển máy bay chiến đấu hợp nhất Eurofighter. Chính vì sự bất đồng trong phát triển biến thể hải quân của Eurofighter, Pháp đã quyết định rút khỏi dự án và phát triển dòng máy bay Rafale riêng. Với FCAS, châu Âu đang một lần nữa cố gắng một lần nữa hợp tác, nhưng lần này là vì các mục tiêu cụ thể hơn.

Liệu có thay thế được F-35?

Khi FCAS còn đang nằm trong giai đoạn trứng nước, thì máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Lockheed Martin F-35 Lightning II đang được giới thiệu và cung cấp rộng rãi tới nhiều quốc gia trên thế giới. Tại châu Âu, Anh, Italia, Hà Lan, Na Uy và Đan Mạch đang là khách hàng tiềm năng.

Dù là dự án quốc tế, nhưng Mỹ đang thu lợi nhiều nhất thông qua hợp đồng xuất khẩu F-35 vì phần lớn dây chuyền và công nghệ lõi của dòng máy bay thế hệ 5 này đều đặt tại bờ bên kia đại dương.

Việc châu Âu mong muốn tìm kiếm phương án đối trọng với F-35 là mong muốn tạo sức bật có các ngành công nghiệp phụ trợ tại các quốc gia châu Âu có cơ hội phát triển, nhất là các ngành công nghệ cao.

Châu Âu tham vọng phát triển máy bay chiến đấu thay thế F-35 - Ảnh 2.

Với mục tiêu đề ra là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6, châu Âu sẽ có rất nhiều việc phải làm với dự án FCAS. Ảnh: Airbus.

“Đối với châu Âu, FCAS có vai trò rất quan trọng. Nó sẽ giúp hồi sinh các ngành công nghệ kỹ thuật cao trong lĩnh vực hàng không quân sự và chuyển dịch lại nguồn tài chính quốc phòng từ Mỹ về châu Âu. Việc phát triển FCAS rõ ràng là vì mục đích tài chính”, nhà quan sát quân sự Dmitri Drozdenko đánh giá.

Ngay chính Anh khi thấy lợi nhuận rõ ràng từ FCAS đang cân nhắc khả năng tham gia dự án cùng Pháp và Đức. “Khi Pháp và Đức nói về dự án hợp tác phát triển máy bay tương lai, điều đó có nghĩa là ngân sách quốc phòng của hai nước sẽ được tái đầu tư lại vào sản xuất trong nước.

Đồng tiền của Pháp và Đức sẽ không chảy ra nước ngoài. Anh hiểu điều đó và muốn được tham gia, nhưng có vẻ London đang chậm chân, khi muốn “nhảy lên đoàn tàu đã rời ga”, ông Dmitri Drozdenko nhận định.

Đánh giá về triển vọng phát triển FCAS, giới chuyên gia quân sự quốc tế chung nhận định, châu Âu đã suy nghĩ quá lạc quan về khả năng dòng máy bay chiến đấu tương lai có thể cất cánh lần đầu tiên vào năm 2040.

Đây là lĩnh vực công nghệ hàng không hoàn toàn mới và ẩn chứa nhiều thách thức kỹ thuật không dễ dàng vượt qua. Đặc biệt, FCAS hiện tại mới chỉ ở giai đoạn phác thảo dự án.

Châu Âu đang chậm chân so với Mỹ, Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5. Các quốc gia nói trên hiện cũng đang hoàn thiện những yêu cầu kỹ thuật dành cho máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo. Điển hình là Nga với dự án Mig-41 đang trong giai đoạn phát triển.

Liệu châu Âu có thể đuổi kịp các siêu cường trong lĩnh vực phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 với FCAS? Đó là câu hỏi không dễ trả lời đối với châu Âu trong thập niên tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại