Chảy máu cam vì ngồi điều hòa nhiều

Phương Thuận |

Theo các chuyên gia, những ngày nắng nóng nếu để trẻ ngồi điều hòa nhiều có thể dẫn tới hiện tượng chảy máu cam. Nếu xử trí sai cách, các bậc phụ huynh sẽ vô tình gây hại cho trẻ.

Hốt hoảng thấy con chảy máu mũi

Một tuần qua nắng nóng liên tục, chị Lê Huyền Trang (Hà Nội) cho cậu con trai 4 tuổi thường xuyên ngồi phòng điều hòa chơi. Có hôm chị bật điều hòa cho con ngồi chơi cả ngày vì cu cậu cứ chạy ra ngoài được một lúc là mồ hôi đầm đìa như tắm. Hai hôm nay, chị thấy con bị chảy máu cam. Vào buổi sáng, cháu chảy máu cam nhiều hơn.

Lo sợ con mắc bệnh, chị hốt hoảng đưa con đi bệnh viện kiểm tra. Nghe kết luận của bác sĩ chị mừng vì con không mắc bệnh gì và biết được con chị có hiện tượng chảy máu cam như vậy là do ngồi điều hòa quá nhiều.

Giải thích về vấn đề này, Lương y Đa khoa Vũ Quốc Trung cho hay, việc người lớn và cả trẻ nhỏ trong những ngày nắng nóng ngồi trong phòng điều hòa quá lâu cũng dễ có hiện tượng chảy máu cam.

Nguyên nhân do điều hòa làm nhiệt độ trong phòng kín hạ xuống kéo theo độ ẩm không khí giảm ảnh hưởng trực tiếp đến niêm mạc mũi. Các mao mạch bị co lại, rất dễ vỡ và có thể gây xuất huyết.

Hơn nữa, từ trong phòng điều hòa ra ngoài hoặc ngược lại cần phải có một thời gian “làm quen”, nếu cơ thể không kịp thích nghi với sự chênh lệch quá lớn còn dẫn tới đột quỵ, nguy hiểm tính mạng.

Bởi vậy, các bậc cha mẹ không nên để trẻ ở quá lâu trong phòng điều hòa, tránh ra vào nóng lạnh đột ngột. Nếu dùng điều hòa cần có máy tạo ẩm hoặc đặt chậu nước trong phòng bổ sung độ ẩm để hạn chế gây tổn thương đến niêm mạc mũi gây chảy máu.

Theo lương y Vũ Quốc Trung, chứng chảy máu cam xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhất là trẻ em do niêm mạc mũi mỏng, người trên 40 tuổi do sức đàn hồi thành mạch kém.

Chảy máu cam có nhiều nguyên nhân nhưng về cơ bản đa phần các trường hợp chảy máu cam ở trẻ em diễn ra do màng mạch ở vách ngăn mũi gặp tổn thương. Chẳng hạn, hành động ngoáy mũi gây nguy cơ làm rụng lông mũi, tổn thương niêm mạc, vỡ mạch máu.

Ngoài ra, chảy máu cam ở trẻ còn do việc thiếu hụt các chất dinh dưỡng và vitamin. Việc trẻ thường xuyên hắt hơi cũng là nguyên nhân gây ra loét các lớp lót của vách ngăn (phân vùng trung tâm giữa hai lỗ mũi) và điều này dễ gây viêm mũi dẫn đến chảy máu.

“Bình thường hiện tượng chảy máu cam không nguy hiểm. Nhưng trong trường hợp trẻ bị chảy máu kéo dài làm cho trẻ mất máu nhiều và tăng nguy cơ u xơ vòm mũi họng.

Trẻ bị chảy máu cam thường xuyên cũng thường phát triển chậm hơn do lượng máu chảy ra nhiều làm mất cân bằng với lượng dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể. Khi đó, trẻ dễ bị hoa mắt chóng mặt, kém ăn, thiếu máu và có thể rơi vào tình trạng thiếu dinh dưỡng. Bởi vậy, cha mẹ cũng cần lưu tâm”, Lương y Vũ Quốc Trung cho hay.

Xử lý đúng cách tránh nguy hiểm

Chảy máu cam được chia thành hai loại, chảy máu cam trước và chảy máu cam sau. Trong đó, chảy máu cam trước chiếm khoảng 90%. Khi gặp trường hợp trẻ chảy máu cam, việc xử trí sai cách có thể vô tình hại cho trẻ.

Đa phần các bậc cha mẹ thấy trẻ chảy máu cam thường bảo trẻ ngửa cổ lên để máu không chảy ra. Nhưng thực chất cách này lại không tốt vì máu chảy ngược vào trong cổ họng. Hoặc cúi hẳn mặt xuống cho lượng máu chảy hết ra ngoài dễ làm trẻ hoa mắt, chóng mặt…

Theo BS Trần Thu Thủy (BV Nhi TƯ), để an toàn cho trẻ, các bậc cha mẹ cần bình tĩnh hướng dẫn trẻ thực hiện các bước:

- Đặt trẻ ngồi thẳng, đầu và cổ hơi ngả về trước. Tư thế này giúp máu không chảy xuống họng, tránh gây nôn và tiêu chảy. Không đặt trẻ nằm hay ngả đầu ra sau hoặc kẹp đầu giữa hai đầu gối.

- Dùng ngón trỏ và ngón cái của bạn bóp chặt hai bên cánh mũi (phần chóp mũi mềm) của trẻ. Không bóp phần xương sống mũi vì không giúp cầm máu, cũng đừng ấn một bên cánh mũi, kể cả nếu chỉ chảy máu ở một phía.

- Bóp chặt cánh mũi trong 10 phút, dùng đồng hồ để xem giờ cho chính xác. Trong khi chờ đợi, cho trẻ đọc sách hay xem tivi. Đừng thả tay quá thường xuyên để kiểm tra xem máu ngừng chảy chưa. Máu cần thời gian để tạo cục máu đông, việc thả tay quá sớm hoặc thường xuyên có thể khiến máu chảy kéo dài.

- Có thể chườm lạnh hay đặt khăn mát lên vùng gốc mũi và má của trẻ hoặc cho trẻ ngậm một viên đá. Điều này giúp mạch máu ở mũi co lại, làm chậm quá trình chảy máu. Lưu ý chỉ áp dụng cách này nếu trẻ hợp tác.

Các chuyên gia khuyến cáo, sau khi trẻ chảy máu cam cần để trẻ nghỉ ngơi ít nhất khoảng 2 tiếng, tránh để trẻ vận động mạnh. Có thể cho trẻ hoạt động nhẹ nhàng như ngồi xem tivi, đọc sách hay vẽ tranh…

Chảy máu cam cũng dễ tái lại nếu niêm mạc mũi chưa bình phục hoàn toàn. Trẻ có thể bị tăng số lần chảy máu cam lên nếu niêm mạc mũi bị tổn thương nặng hơn. Chỉ khi niêm mạc mũi bình phục thì hiện tượng chảy máu cam mới ngừng. Bởi vậy, các bậc cha mẹ cần chú ý giữ niêm mạc mũi cho trẻ được ẩm.

Dùng nước muối sinh lý nhỏ hoặc xịt mũi giúp làm ẩm niêm mạc. Có thể bôi một chút kem vaseline vào phần trước của vách ngăn mũi. Số lần bôi tùy vào từng trẻ. Nếu bé thường xuyên chảy máu mũi, cần bôi 2 lần mỗi ngày cho tới khi không còn chảy máu cam trong vài ngày liên tục.

Lương y Vũ Quốc Trung cho rằng, khi trẻ bị chảy máu cam cần hạn chế cho trẻ ăn các đồ cay, nóng, đồ uống có gas… Cần lưu ý đưa trẻ đi bệnh viện khi không cầm máu sau khi áp dụng các biện pháp sơ cứu trong vòng 20 phút để tránh biến chứng nguy hiểm.

Hoặc trong trường hợp trẻ có hiện tượng chảy máu cam tái đi tái lại nhiều lần, máu chảy nhanh hoặc mất nhiều máu, cảm thấy người yếu, chóng mặt. Chảy máu do chấn thương, ví vụ ngã hay bị đấm vào mặt. Hoăc chảy máu mũi đi kèm các vết tím bầm dập trên khắp cơ thể hoặc đi kèm chảy máu ở khu vực khác như xuất hiện máu trong phân, nước tiểu…

Ngoài ra, khi chảy máu cam mà đau ở vùng xoang, hai bên cánh mũi, trán, hốc mắt cũng cần đi khám vì đó là biểu hiện bệnh lý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại