PGS Hà Đình Đức: Chưa thể khẳng định rùa ở hồ Xuân Khanh là "hậu bối" của rùa Hồ Gươm

Hoàng Đan |

"Nhà rùa học" Hà Đình Đức cho rằng chưa thể khẳng định 100% rùa ở hồ Xuân Khanh chính là "hậu bối" của rùa Hồ Gươm.

Thả bất cứ con vật nào xuống Hồ Gươm cũng cần thận trọng

Các nhà nghiên cứu, bảo tồn thuộc Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP), vừa công bố thông tin cho biết, đã phát hiện một con rùa cùng loài với rùa Hồ Gươm sống ở hồ Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây, Hà Nội).

Thông tin trên được dư luận đặc biệt quan tâm bởi rùa Hồ Gươm là loài đặc biệt quý hiếm, được người dân trân quý.

Trao đổi với PV, một lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, cho biết đã nắm được thông tin về việc một tổ chức thông báo phát hiện rùa cùng loài với rùa Hồ Gươm ở hồ Xuân Khanh. Vị này cho hay, đây là thông tin từ phía tổ chức cung cấp, cần có thêm những xác định khác.

Trả lời câu hỏi, nếu xác định đúng là rùa cùng loài có nên đưa cá thể này về Hồ Gươm không? Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cho hay, Hồ Gươm là không gian văn hóa lịch sử đặc biệt, muốn thả bất cứ con vật nào xuống cũng cần thận trọng và được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Vị này chia sẻ, trước đây, khi "cụ rùa" Hồ Gươm qua đời, có một số ý kiến về việc nên đưa rùa Đồng Mô về thay thế, nhưng sau đó đều không được đồng thuận.

Mới đây nhất, việc thả thử nghiệm thiên nga xuống hồ chỉ kéo dài được một thời gian rất ngắn, sau đó đơn vị quản lý phải mang sang hồ Thiền Quang để nuôi dưỡng, chăm sóc.

PGS Hà Đình Đức: Chưa thể khẳng định "hậu bối" của rùa Hồ Gươm

PGS.TS Hà Đình Đức, người gắn bó nhiều năm với cụ rùa Hồ Gươm, chia sẻ rùa Hồ Gươm là giống quý nên khi ông biết thông tin phát hiện thêm cá thể rùa cùng loài, bản thân rất mừng.

Tuy nhiên, qua các thông tin bước đầu, nhà nghiên cứu về rùa cho rằng chưa thể khẳng định 100% rùa ở hồ Xuân Khanh chính là "hậu bối" của rùa Hồ Gươm.

PGS Hà Đình Đức: Chưa thể khẳng định rùa ở hồ Xuân Khanh là hậu bối của rùa Hồ Gươm - Ảnh 1.

Rùa hồ Gươm mới phát hiện ở hồ Xuân Khanh. Ảnh: ATP.

Theo PGS Hà Đình Đức, nếu nói về loài, về giống rùa thì vô cùng, thậm chí ba ba cũng được coi là giống với rùa Hồ Gươm. Do đó, chưa đưa ra nhận định gì trước thông tin mà ATP công bố.

Ông chia sẻ, theo lịch sử ghi chép, rùa Hồ Gươm có 4 "cụ". 3 "cụ" đã mất, 1 "cụ" ông có nhiều thời gian gắn bó nhưng cũng qua đời vào năm 2016.

Theo ông Đức, có 2 phương pháp để nhận diện loài rùa: Phương pháp cổ điển sử dụng hình thái học và Kỹ thuật gene môi trường (eDNA) - phương pháp ATP áp dụng. 

"Về hình thái học thì rùa Đồng Mô khác hẳn so với cụ rùa Hồ Gươm. Rùa ở hồ Xuân Khanh lần này thế nào, tôi chưa biết" - ông Đức chia sẻ thêm.

Về việc có nên thả cá thể rùa này về Hồ Gươm nếu chúng cùng loài, PGS Hà Đình Đức cho rằng cần cân nhắc rất kỹ và phải được đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến rộng rãi cũng như được sự đồng ý của các cơ quan chức năng.

Cuối năm 2016, ATP/IMC nhận được tin về một cá thể rùa mai mềm kích thước lớn được nhìn thấy ở hồ Xuân Khanh (Sơn Tây), cách hồ Đồng Mô không xa.

Tháng 5/2017, một bức ảnh rùa đã được chụp bởi anh Nguyễn Văn Trọng, một cựu ngư dân tham gia vào công tác bảo tồn cùng với ATP/IMC từ năm 2007.

Bức ảnh với chất lượng tốt hơn cho thấy đây là một cá thể rùa mai mềm lớn, nhưng lại không đủ tốt để định dạng loài.

"Chúng tôi quyết định đã đến lúc cần phải thu mẫu eDNA và tiến hành phân tích mẫu tại phòng thí nghiệm thuộc Đại học bang Washington.

Kết quả phân tích dương tính với kết luận rằng các dấu vết di truyền từ các mẫu nước phù hợp với các mẫu hiện có của loài, cho thấy rằng cá thể rùa trong hồ là một cá thể thuộc loài rùa Hồ Gươm" – ATP cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại