Táo bón kéo dài ở trẻ: Có thể dẫn đến suy dinh dưỡng

BS. Thu Lan |

Táo bón là rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ. Trẻ bị táo bón thường có biểu hiện: ậm ạch, đầy bụng, mệt mỏi, nhăn nhó khó chịu, ngủ kém, biếng ăn, đi phân khô, rắn, số lượng ít, giữa hai lần đi cách nhau từ 3 - 4 ngày.

Táo bón là rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ. Trẻ bị táo bón thường có biểu hiện: ậm ạch, đầy bụng, mệt mỏi, nhăn nhó khó chịu, ngủ kém, biếng ăn, đi phân khô, rắn, số lượng ít, giữa hai lần đi cách nhau từ 3 - 4 ngày.

Tùy theo nguyên nhân cần phải cải thiện chế độ dinh dưỡng hoặc điều trị, không để trẻ bị táo bón kéo dài, có thể dẫn tới suy dinh dưỡng, ảnh hưởng tới sức khỏe và sự tăng trưởng của trẻ.

Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ

Có hai nguyên nhân cơ bản gây nên tình trạng táo bón ở trẻ:

Do tổn thương thực thể ở đường tiêu hóa: Thường chỉ chiếm 5% trong các nguyên nhân gây táo bón, bao gồm: các dị tật bẩm sinh như: phình to đại tràng, bệnh suy giáp trạng.

Khi mắc các bệnh này, trẻ thường bị táo bón rất sớm từ ngay sau khi sinh. Ngoài ra, còn do trẻ bị hẹp ruột, hẹp hậu môn, nứt hậu môn, nên đi tiêu bị đau, gây co thắt hậu môn.

Nguyên nhân cơ năng: Chủ yếu là do sai lầm trong chế độ ăn uống, cho trẻ uống ít nước dẫn đến thiếu nước, ăn quá nhiều chất đạm, ít chất xơ (ăn ít rau xanh, quả chín, ăn canh chỉ ăn nước không ăn rau), pha sữa không đúng theo công thức (quá đặc), ăn chưa đủ về số lượng hàng ngày. Trẻ bú sữa bò dễ bị táo bón hơn bú sữa mẹ.

Mẹ bị táo bón, con bú sữa mẹ cũng dễ bị táo bón.

Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác có thể gây táo bón ở trẻ như ảnh hưởng của việc dùng các loại thuốc kháng sinh, thuốc ho… khi trẻ ốm.

Hoặc do yếu tố tâm lý, nhất là trẻ nhỏ ở lứa tuổi mẫu giáo, trẻ hay nhịn đại tiện do sợ bẩn, ngại xin phép cô giáo,…

Táo bón kéo dài ở trẻ: Có thể dẫn đến suy dinh dưỡng - Ảnh 1.

Khi trẻ có biểu hiện táo bón thường xuyên hoặc kéo dài, cha mẹ cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa tiêu hóa.

Cải thiện tình trạng táo bón ở trẻ

Khi trẻ có biểu hiện táo bón thường xuyên hoặc kéo dài, cha mẹ cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa tiêu hóa. Đối với nguyên nhân do tổn thương thực thể ở đường tiêu hóa bác sĩ có chỉ định điều trị phù hợp.

Đối với các nguyên nhân khác như do chế độ ăn uống chưa phù hợp, tâm lý, dùng thuốc, cha mẹ cần phải thay đổi cách chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ cũng như hướng dẫn trẻ có thói quen đại tiện đúng giờ, không vội vàng đi không hết phân hoặc ngồi bô quá lâu, khi muốn đi đại tiện không nên sợ bẩn hoặc ngại không xin phép cô giáo đi vệ sinh,…

Cải thiện chế độ dinh dưỡng cho trẻ: Ở trẻ còn bú cần cho trẻ bú đủ nhu cầu trong ngày, cho trẻ uống thêm nước.

Nếu mẹ bị táo bón trong khi cho con bú cũng phải điều trị táo bón ở mẹ.

Ở trẻ ăn dặm ăn đủ nhu cầu, bữa ăn đa dạng cung cấp đủ đạm, chất xơ (rau xanh như rau giền, rau lang, rau mồng tơi, khi nấu bột, cháo cần xay nhỏ lấy cả nước lẫn rau hoặc băm nhỏ; các quả chín như chuối tiêu, đu đủ, cam quýt…), uống đủ nước.

Ở trẻ lứa tuổi mẫu giáo hoặc lớn hơn ngoài việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường chất xơ trong rau quả trên, uống đủ nước, nên cho trẻ ăn thêm sữa chua để kích thích tiêu hóa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại