Quan trọng: Nhiễm HIV không lây nhiễm cho bạn tình và từ mẹ sang con nếu tuân thủ điều này

Phương Lê |

Việc tuân thủ điều trị bằng thuốc ARV giúp những người nhiễm HIV có thể lập gia đình và sinh con một cách an toàn mà không hề lây nhiễm cho đứa con sinh ra.

Thông tin từ PGS.TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay ở nước ta có khoảng 209.000 người mắc HIV, nhưng chỉ có khoảng 130.000 tham gia điều trị bằng thuốc ARV, tức chưa đầy 60%.

Nguyên nhân là một bộ phận người nhiễm HIV chưa hiểu hết ý nghĩa của việc điều trị, hơn nữa do vấn đề kỳ thị đối với cộng đồng người nhiễm HIV nên họ thường sợ bị lộ thông tin, sợ người khác biết mình mắc bệnh, từ đó không dám đi đến các cơ sở y tế để điều trị.

Chia sẻ về tầm quan trọng của việc điều trị thuốc ARV đối với người mắc HIV, PGS Hoàng Long cho biết, khi người bệnh uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định, đạt được và duy trì tải lượng HIV dưới ngưỡng (>200 bản sao/1ml) phát hiện, thì sẽ không có nguy cơ làm lây truyền HIV sang bạn tình (HIV âm tính).

Không chỉ có vậy, việc tuân thủ điều trị bằng thuốc ARV còn giúp những người nhiễm HIV có thể lập gia đình và sinh con một cách an toàn, mà không hề lây nhiễm cho đứa con sinh ra.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này các chuyên gia chỉ khẳng định việc điều trị bằng ARV giúp tránh lây nhiễm HIV qua con đường tình dục, còn với những con đường lây nhiễm khác như tiêm chích chung kim tiêm, truyền máu... thì chưa được khuyến cáo về độ an toàn nếu đang được điều trị bằng ARV.

Riêng về con đường từ mẹ sang con, nếu người mẹ dương tính được bắt đầu điều trị từ sớm, có lượng virus HIV dưới ngưỡng (>200bản sao/ml) thì sẽ không truyền bệnh sang con.

Quan trọng: Nhiễm HIV không lây nhiễm cho bạn tình và từ mẹ sang con nếu tuân thủ điều này - Ảnh 1.

Việc tuân thủ điều trị bằng thuốc ARV còn giúp những người nhiễm HIV có thể lập gia đình và sinh con một cách an toàn, mà không hề lây nhiễm cho đứa con sinh ra.

Tín hiệu đáng mừng trong phòng chống HIV

Chia sẻ về công tác khám và điều trị trong thời gian qua, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS PGS.TS Nguyễn Hoàng Long cho biết, hiện tỷ lệ bệnh nhân điều trị thuốc ARV (thuốc kháng vi rút HIV) có thẻ BHYT tăng ngoạn mục từ 50% vào cuối năm 2016 lên 82% vào cuối năm 2017.

"Đây là tín hiệu rất đáng mừng trong công tác phòng chống HIV tại Việt Nam để thực hiện mục tiêu kết thúc đại dịch này vào năm 2030", PGS Long nhấn mạnh.

Sở dĩ có được thành tựu trên, là do người bệnh uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định, đạt được và duy trì tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng phát hiện sẽ làm giảm tối đa nguy cơ làm lây truyền HIV sang người khác.

Nói về chi phí điều trị cho người bệnh nhiễm HIV, ông Long cho biết, chi phí thấp nhất cho việc điều trị thuốc của bệnh nhân HIV/AIDS khoảng hơn 4 triệu đồng/năm/người đối với bệnh nhân theo phác đồ 1. Nhưng đối với bệnh nhân kháng thuốc, phải điều trị phác đồ 2 chi phí điều trị tăng lên gấp 7- 8 lần.

"Chính vì lý do đó, chúng tôi luôn khuyến cáo và tuyên truyền cho những người nhiễm HIV nên đi điều trị sớm, ngay sau khi phát hiện để đạt được hiệu quả phòng bệnh tốt nhất", PGS Long chia sẻ.

Đồng thời, PGS Long cũng cho rằng, cộng đồng xã hội không kỳ thị với những người nhiễm căn bệnh này. Bởi HIV cũng tương tự như các bệnh mãn tính khác như huyết áp, tiểu đường. Thậm chí, người bệnh khi được điều trị kịp thời còn có tuổi thọ và chất lượng sống cao hơn khi mắc các căn bệnh nan y khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại