30 năm làm nhẫn se duyên cho đôi lứa người Churu

KHƯƠNG QUỲNH |

Vào những tháng cuối năm, thời tiết se se lạnh, đường vào huyện Đơn Dương ngập sắc vàng của hoa dã quỳ, sắc xanh mướt của những ruộng rau, sắc đỏ của vườn cà phê đang mùa thu hoạch. Người đồng bào Churu quan niệm đó là mùa của no đủ, mùa của sinh sôi, mùa đẹp nhất trong năm để trai gái người đồng bào Churu tổ chức cưới hỏi, trao cho nhau đôi nhẫn trống - mái truyền thống, hội tụ sự linh thiêng đất trời và huyền nhiệm của văn hóa Churu.

Hồn nhẫn trống - mái

Mùa này, nhà ông Bơ Ju Ya Tuất ở thôn Ma Đanh, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng trở nên nhộn nhịp vì người ra vào hỏi đặt nhẫn trống-mái.

Một người đàn ông đi từ thôn Ma Đanh dáng vẻ vội vã chạy tới tủ trưng bày nhẫn của gia đình ông Ya Tuất, hỏi mua thêm một chiếc nhẫn trống có đính hạt cây Kơ nia.

Người đàn ông mân mê chiếc nhẫn, vừa tỏ ý hài lòng vừa thanh minh: “Mai đám hỏi đứa cháu gái mà mua thiếu mất một chiếc cho nhà trai”.

Theo phong tục cưới hỏi của người đồng bào Churu, ngoài cặp nhẫn trống - mái cho chú rể, cô dâu, nhà gái phải chuẩn bị thêm khoảng 10-20 cái nhẫn bạc để tặng cho bà con đằng trai, thể hiện tấm lòng thành.

Ông Ya Tuất giải thích, người Churu sống theo chế độ mẫu hệ. Đến tuổi lập gia đình, các cô gái Churu sẽ thực hiện nghi lễ bắt chồng. Khi để ý hoặc yêu thầm một chàng trai nào đó, cô gái về báo cho gia đình và dòng họ biết, gia đình sẽ đến nhà trai dạm hỏi.

Nếu được chấp nhận, cô gái sẽ đeo nhẫn bạc truyền thống lên tay người con trai mình yêu và chuẩn bị sính lễ theo sự thách cưới của đàng trai. Trong ngày cưới, chàng trai và cô gái lại làm thủ tục đổi và đeo nhẫn cho nhau.

Sau đám cưới bảy ngày, cô dâu cởi nhẫn của mình trao cho mẹ chồng cất giữ và ngược lại nhẫn của chú rể do mẹ cô dâu cất.

Đối với người Churu, cặp nhẫn trống - mái trở thành một vật thiêng liêng, vừa thể hiện sự gắn kết bền chặt của vợ chồng, hai dòng họ. Cặp nhẫn còn là biểu tượng cho cuộc sống hôn nhân viên mãn.

Ngày nay, nhẫn bạc được sản xuất công nghiệp và bán đầy rẫy.

Nhưng người đồng bào Churu vẫn luôn tin rằng nhẫn trống - mái phải do bàn tay của một người con Churu tạo ra mới trọn vẹn vì hội tụ được sự linh thiêng của đất trời và hạnh phúc, thùy ân từ bề trên ban tặng.

Tinh hoa hội tụ từ những điều gần gụi

Nói với chúng tôi bằng giọng điệu thật thà, ông Ya Tuất bảo: “Mình không có giấu nghề đâu, nhưng làm nhẫn không phải lúc nào cũng làm được, phải chọn giờ làm mới hội tụ được tinh hoa của đất trời”. Tuy nhiên, ông cũng bật mí cách thức làm nên một chiếc nhẫn.

Theo ông, để chế tác nhẫn trống - mái, khâu làm khuôn được xem là khó nhất. Khuôn nhẫn trống làm riêng, nhẫn mái làm riêng. Phải làm khuôn vào lúc trời không quá nắng gắt cũng không quá lạnh.

Tầm 8-9 giờ sáng là đẹp nhất, tia nắng chênh chếch vừa đủ làm dẻo sáp ong, đủ làm cho khuôn khô lại mà không nứt, gãy. Khuôn nhẫn phải được nhào trộn từ đất sét pha với sáp ong và phân trâu.

Những nguyên liệu làm khuôn cũng phải được chọn lựa kỹ càng, chỉ cần sai một chút cũng không thành. Đất sét phải được lấy trong rừng, loại đất này trắng mịn như bột. Sáp ong phải là sáp ong rừng, loại có độ dẻo tinh khiết nhất.

Phân trâu phải là phân của con trâu tơ dưới 2 tuổi, không ăn quá nhiều cỏ nên phân không bị bột, có độ kết dính: “Người Churu mình coi trâu là linh vật thiêng.

Nhẫn của người Churu tạo nên từ những điều linh thiêng mà gần gũi thế thôi, không giống như nhẫn người Kinh mua ngoài tiệm vàng đâu”, ông Ya Tuất chia sẻ.

Với ông Ya Tuất, để làm được khuôn nhẫn trống - mái điêu luyện như bây giờ, ông phải trải qua 15 năm trời rèn giũa và hoàn thiện. Đây là công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi sự kiên nhẫn và tinh tế của người thợ.

Đầu tiên, phải nấu sáp ong cho nóng chảy, đổ sáp vào các ống lồ ô, để khô tự nhiên. Sau đó, người nghệ nhân phải đẽo gỗ rừng thành các đoạn hình trụ tròn, to bằng ngón tay người đeo để đút đoạn gỗ vào sáp ong.

Nghệ nhân dùng ngón tay và vải mài cho bề mặt chiếc nhẫn sáp ong trở nên bóng mịn, rồi dùng sáp ong tạo hoa văn trên mặt chiếc nhẫn sáp. Những hoa văn trên mặt nhẫn cũng gần gụi, đơn giản như mắt sâu, cây mía, bông lúa, mặt trời...

Nếu kỳ công hơn, trên những chiếc nhẫn trống, người nghệ nhân có thể gắn thêm hạt của cây rừng Kơnia màu đỏ.

Đó là công đoạn làm khuôn. Khâu đổ bạc thì nhanh hơn nhưng cũng đòi hỏi sự tinh tế. Theo ông Ya Tuất, để đổ bạc, người nghệ nhân phải đổ lúc 4 giờ sáng hoặc đêm khuya. Đây là thời khắc thiêng liêng và tĩnh lặng nhất của đất trời.

Trước khi đổ bạc, nghệ nhân bao giờ cũng phải thực hiện nghi thức tẩy uế và khấn Yàng cùng các vị thần linh phù hộ.

Bạc phải được nấu chảy trong chén đất. Củi đun chảy bạc phải là củi của cây rừng tên là Ksiu, loại củi có độ ẩm vừa phải để không làm đứt gãy bạc. Bạc nóng chảy được nghệ nhân đổ thật chính xác nhưng nhanh tay.

Sau khi lấy nhẫn ra khỏi khuôn, người nghệ nhân lại tiếp tục đánh bóng nhẫn bằng nước nấu của một loại bồ kết rừng. “Đã có rất nhiều trai làng đến đây học nghề, dù đổ đúng kỹ thuật mình chỉ đấy nhưng nhẫn vẫn bị đứt, gãy”, ông Ya Tuất kể lại.

Theo ông, ngoài vấn đề kỹ thuật thì dường như có một yếu tố huyền diệu tạo nên nhẫn trống - mái. Có lẽ, đó là lý do trai gái người Churu hiếm khi nào bỏ nhau khi đã đồng ý trao cho nhau cặp nhẫn trống - mái truyền thống.

Niềm hy vọng của nghệ nhân

Trước đây, nghề làm nhẫn bạc mỗi thời điểm chỉ độc một người làm được. Người này mất đi, người khác mới nối nghiệp.

Ông Ya Tuất được xem là người nghệ nhân đời thứ sáu được truyền nghề làm nhẫn trong cộng đồng hơn 20.000 người dân tộc Churu đang sinh sống ở huyện Đơn Dương và một phần huyện Đức Trọng, Lâm Đồng.

Ông làm nghề này lâu quá, lâu đến nỗi những đồ nghề mà ông cậu để lại đã hư hỏng gần hết.

Dù tự chế được đồ nghề mới, nhưng ông Ya Tuất vẫn cẩn thận cất đồ nghề vào một hộc tủ của gia đình, một cách nâng niu như trân trọng những gì tổ tiên để lại cho mình.

Ông Ya Tuất kể: “Năm mình 17 tuổi, ông cậu trong dòng họ nói với mẹ mình rằng, cả buôn ta thấy thằng Ya Tuất thông minh, khéo léo nhất. Con bảo nó sang đây ta truyền nghề”.

Mất 3 năm đầu, đôi tay Ya Tuất còn lóng ngóng, đổ bạc bị gãy, nứt, làm khuôn bị méo mó, không như ý. Có lúc, ông đã bỏ cuộc, bỏ về nhà làm rẫy với mẹ.

Thế nhưng, khi ông cậu mất, ông Ya Tuất được người làng nhắn nhủ nối nghề: “Lúc đó, tự nhiên mình làm được nhẫn. Chắc ông cậu thương, ở trên cao đã chỉ dẫn cho mình biết cách giữ nghề của buôn làng”.

Ông không biết trong suốt 30 năm qua, ông đã làm bao nhiêu cặp nhẫn, se duyên cho bao nhiêu trai gái đồng bào mình nên vợ, thành chồng.

Người nghệ nhân không quen nói những lời hoa mỹ này vẫn thốt lên: “Mình yêu nghề này chứ, người ta thành vợ thành chồng, mình cũng vui”. Đã có những cặp trai gái nhờ ông làm nhẫn sống với nhau đến già.

Rồi con cái họ lớn lên, đến tuổi lập gia đình, lại đeo trên tay chiếc nhẫn trống - mái do ông làm: “Đồng bào mình còn yêu nhẫn trống - mái thì lửa sẽ còn cháy.

Lửa nhà Ya Tuất tắt, lửa nhà nghệ nhân khác sẽ phải cháy lên. Thì chắc là nhà thằng Ya Thương, Ya Khoa gì đó... Không tắt được đâu”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại