Quả thật, nhìn bề ngoài, Dung chẳng khác gì một đứa trẻ mới lên 2. Căn bệnh não úng thủy đã khiến cơ thể cô gái này vĩnh viễn không bao giờ lớn.
Tuy nhiên, nếu coi khuôn mặt và hình thể của Dung là một sự lắp ghép thì đó được xem là sự lắp ghép thiếu hoàn hảo nhất. Bởi khi cơ thể chỉ là một đứa trẻ thì khuôn mặt của Dung lại mang dấu ấn của một người trưởng thành.
Khi chúng tôi đến, Dung đang ngồi tựa vào bậc cửa ra vào, tay mân mê một mảnh vải dài màu trắng. Chúng tôi hỏi bà Nguyễn (mẹ Dung) đó là cái gì thì bà Nguyễn bảo: "Đó là mảnh khăn tang đấy. Hồi chồng tôi mất, người thân chít khăn tang cho Dung.
Vậy mà con bé nó giữ từ ngày ấy, thỉnh thoảng lại lôi ra ngắm rồi ngồi khóc một mình". Quả đúng như bà Nguyễn nói, trên khóe mắt của Dung bấy giờ vẫn còn ánh nước. Dung hầu như không nói bao giờ nên không ai biết Dung nghĩ gì.
Theo lời của bà Nguyễn kể lại, Dung chỉ nói một lần duy nhất trong đám tang của cha mình. "Cách đây 2 năm, chồng tôi mất vì tai nạn giao thông. Trong lúc mọi người đang bối rối thì bỗng nghe thấy tiếng Dung khóc nấc gọi "Cha ơi, cha dậy đi".
Nó nói thế đúng 3 lần. Rồi kể từ lần đó, nó không nói thêm một câu nào nữa. Suốt ngày im lặng như một cái bóng" - bà Nguyễn buồn rầu chia sẻ.
Cũng theo lời bà Nguyễn, khi còn sống, chồng bà lúc nào cũng quan tâm và yêu thương Dung nhất. Thế nên việc bố mất đi là một cú sốc quá lớn đối với Dung.
Suốt một thời gian dài sau đó Dung chỉ khóc, không thiết tha ăn uống gì. Hồi đó những người trong gia đình bà Nguyễn chỉ lo Dung không vượt qua được nỗi mất mát to lớn ấy.
Dung là con thứ 2 trong gia đình có 5 anh chị em. Khi mới chào đời, Dung có hình hài bình thường như bao đứa trẻ khác với cân nặng 2,5kg và khuôn mặt kháu khỉnh, đáng yêu.
Khi ấy, hai vợ chồng bà Nguyễn vui lắm. Vì trước Dung, ông bà đã có một người con trai cả.
Theo quan niệm truyền thống thì vợ chồng bà đã có đủ cả nếp lẫn tẻ. Vậy mà niềm vui ngắn chẳng tầy gang, khi Dung được 6 tháng, bà Nguyễn đưa con lên trạm xá xã tiêm phòng lao. Trở về nhà Dung bị sốt cao và nổi hạch ở nách.
Cái hạch to dần rồi vỡ ra, kể từ đó sức khỏe Dung yếu đi trông thấy và chiều cao cũng dừng lại luôn.
"Nhà tôi nghèo nhưng cũng vác con đi chạy chữa khắp nơi. Xuống đến Bệnh viện tỉnh Thái Nguyên thì các bác sĩ bảo cháu nó bị úng thủy trong não nên cơ thể sẽ không thể phát triển được nữa.
Bệnh này trừ khi có điều kiện mang sang tận nước ngoài điều trị thì may ra mới cứu vãn được tình hình. Các bác sĩ còn dặn thôi cứ đưa con về nhà, khi nào khoa học tân tiến các bác sĩ sẽ chủ động liên lạc với tôi" - bà Nguyễn tâm sự.
Mẹ chăm sóc Dung từ những việc nhỏ nhất. |
Do phần đầu to và nặng so với cơ thể nên việc đi lại của Dung rất khó khăn, hầu như Dung không bao giờ đi được một mạch quá 10 bước chân. Cứ đi vài bước cô lại phải dừng để nghỉ lấy sức.
Mang hình hài bé nhỏ nên sở thích của Dung cũng giống như một đứa trẻ vậy. Cô gái này thích ăn bim bim, thích tỉ mẩn ngồi lắp ráp đồ chơi. Dung đặc biệt thích chơi trò quấn chỉ vào tay.
Cô có thể ngồi cả ngày cặm cụi quấn chỉ kín cả một cánh tay rồi lại cặm cũi gỡ ra như thể đó là công việc vậy.
Bà Nguyễn cho biết, gần chục năm nay Dung chưa từng bước chân ra khỏi nhà vì mặc cảm với thân hình không giống ai của mình. Ở nhà, Dung cũng chỉ thích chơi với cô em thứ 4 Đỗ Thị Thơm.
"Chả hiểu sao nó đặc biệt quấn quýt với cái Thơm. Thơm đi làm thì phải chịu chứ ở nhà là Dung lại quanh quẩn bên em thôi. Mà cái Thơm cũng chiều chị nó lắm, chị muốn gì nó cũng đáp ứng hết". Với Dung, Thơm như người bạn duy nhất của cô vậy.
Ngày Thơm đi lấy chồng, mọi người mừng, còn Dung lại khóc. Chắc có lẽ cô gái ấy cảm nhận được rằng mình sẽ chẳng còn ai để chia sẻ, để được chiều chuộng.
Ngày trước, bà Nguyễn đã từng có lần cho Dung tới trường học chữ. Thế nhưng, sự nghiệp học hành của cô gái bé bỏng này cũng chỉ kéo dài được vài ngày.
Sau đó Dung nhất định cự tuyệt không chịu để mẹ đưa đi học. Vặn hỏi mãi Dung mới diễn tả rằng khi đến lớp em bị bạn bè trêu trọc nên tủi thân.
"Hồi trước, Dung hay theo tôi ra đường. Có lần, một người lạ đi qua làng, thấy Dung đang lẫm chẫm đi ngoài đường mới quay ra mắng tôi là "con nhỏ như thế mà chả chịu trông nom, để nó lang thang rồi chẳng may quệt vào xe thì lại bắt đền người ta à".
Họ nghĩ con tôi chắc mới chừng một tuổi, đang chập chững tập đi" - bà Nguyễn nhớ lại.
Ngồi cạnh cô con gái 27 tuổi, bà Nguyễn vuốt vuốt mái tóc lưa thưa tới mức có cảm giác đếm được bao nhiêu sợi tóc trên đầu của Dung, rồi bà khóc.
Bà bảo, từ khi sinh ra đến bây giờ đã ngoài 60 tuổi rồi nhưng chưa một ngày bà được hưởng hạnh phúc. Lấy chồng, gia đình nhà chồng được xếp vào hạng nghèo nhất nhì xã. Sinh được 5 đứa con thì có tới 3 đứa con bị bệnh.
Ngoài Dung bị não úng thủy thì cô em gái là Đỗ Thị Linh (24 tuổi) có vấn đề về thần kinh từ khi sinh ra. Linh lúc thì nói cười cả ngày nhưng cũng có thời điểm cả tuần cô gái ấy chẳng nói chẳng rằng chỉ nằm bẹp một chỗ.
Cơm cũng phải có người xúc cho mới chịu ăn.
Không chỉ vậy, người con trai út của bà Nguyễn là Đỗ Duy Thiệp năm nay đang học lớp 6 nhưng thân hình cũng chỉ bằng với một đứa trẻ 5, 6 tuổi.
Nhà nghèo, chồng mất sớm, một mình bà Nguyễn phải bươn chải gấp 5, gấp 10 người khác để có tiền nuôi con. Bà không nề hà bất kể công việc gì dù nặng hay nhẹ.
Từ đi cắt lúa thuê, làm cỏ thuê đến cả việc đi phụ hồ, gánh gạch bà đều đã từng làm hết.
Tuy vậy, bà Nguyễn chưa bao giờ dám ra khỏi lũy tre làng để đi kiếm kế sinh nhai bởi theo lời bà, làm đâu thì làm nhưng đến bữa là phải sấp ngửa về nấu cơm cho các con ăn.
Đặc biệt, Dung lại có sở thích ăn uống hơi khác thường. "Trước khi đi chợ bao giờ tôi cũng phải hỏi cháu hôm nay thích ăn gì.
Nếu hôm nào không mua được đúng món nó muốn là nó dỗi nhịn ăn luôn, dỗ thế nào cũng không chịu, khổ lắm cô chú ạ" - bà Nguyễn cho biết.
Bà Nguyễn chỉ mong một lần được con gọi "Mẹ ơi". |
Không vận động nhiều nên cơ thể của Dung ngày một yếu đi. Gần 30 năm có mặt trên cuộc đời nhưng Dung chưa từng làm được bất kể một công việc nào dù là nhẹ nhất để giúp đỡ mẹ.
Có một điều lạ là, dù cơ thể rất yếu nhưng Dung hầu như không bị ốm bao giờ.
Cùng lắm cũng chỉ bị đau bụng qua loa, mỗi lần như thế bà Nguyễn chỉ cần bôi dầu là khỏi.
Bà Nguyễn bảo: "Coi như ông trời vẫn còn thương tôi, chứ em nó mà lại suốt ngày bệnh tật, nay viện, mai viện chắc tôi cũng không còn đủ sức mà gượng nữa".
Biết gia cảnh của bà đặc biệt khó khăn nên có lần các tiểu ở Bắc Ninh đã đến và ngỏ ý sẽ đưa Dung về chùa cưu mang nhưng bà Nguyễn không đồng ý. Bà tâm sự: "Tôi nghèo thì đã nghèo rồi, khổ thì chắc cũng khổ đến thế là cùng thôi.
Bao nhiêu năm qua tôi đã chịu được thì hà cớ gì mà không chịu thêm được nữa. Với lại, con mình nó có bị thế nào thì mình vẫn thương. Giờ mà cho nó đi xa chắc tôi nhớ không chịu nổi đâu.
Hơn nữa nhà tôi nghèo thế, cho con đi rồi thì cũng chẳng biết bao giờ mới có dịp mà đến thăm nó. Thế nên biết các tiểu có ý tốt nhưng tôi vẫn phải từ chối thôi".
Nhiều khi đi làm về, thấy con bị ruồi bâu khắp mặt, bà Nguyễn không sao cầm được nước mắt. Bà giải thích: "Nhà ẩm thấp nên ruồi muỗi nhiều, chắc con bé cũng đuổi suốt rồi nhưng không ăn thua. Đến khi mệt quá rồi thì cứ kệ cho nó bâu kín mặt".
Điều khiến bà Nguyễn đau khổ nhất là dù Dung đã gần 30 tuổi đầu, đã từng biết khóc và gọi cha trong đám tang nhưng Dung lại chưa từng một lần cất tiếng gọi mẹ.
Bà bảo, bà chả dám ao ước con sẽ khỏi bệnh nhưng chỉ mong một lần Dung cất tiếng gọi "Mẹ ơi!" để bà được an ủi.
Đêm về, bà Nguyễn vẫn ngủ cùng Dung, vẫn ôm ấp và tâm sự với Dung những điều bà trăn trở. Và lần nào cũng vậy, Dung chỉ biết rụi rụi vào nách mẹ hoặc lại nằm sấp xuống chiếu.
Thỉnh thoảng lại ú ớ vài tiếng gì đó rất khó hiểu. Thế nhưng với linh cảm của người mẹ, bà Nguyễn luôn tin rằng Dung hiểu được hết những điều bà nói, chỉ có điều con gái bà không thể nói ra suy nghĩ của mình mà thôi.
Nhìn cái cách bà Nguyễn chăm sóc cho đứa con gái chịu nhiều thiệt thòi của mình mới thấy, với một người mẹ thì đứa con của mình dù có ra sao nó vẫn là đứa trẻ đáng yêu nhất.