Cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 20km, Kiêu Kỵ, Gia Lâm là làng nghề duy nhất ở Việt Nam chuyên làm vàng quỳ, bạc quỳ. Trải qua bao thăng trầm cho đến nay, hiện làng nghề vẫn tồn tại và lưu giữ được kỹ thuật truyền thống. Hầu hết các làng làm nghề tạc tượng, khắc hoành phi, câu đối, hoặc làm hàng sơn mài… đều là những bạn hàng thân thiết của làng Kiêu Kỵ.
Kiêu Kỵ là làng nghề truyền thống chuyên làm vàng quỳ, thuộc xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội, có lịch sử trên 400 năm do danh nhân tổ nghề Nguyễn Quý Trị chế ra và truyền dạy.
Nếu như trước đây sản phẩm của làng làm vàng quỳ truyền thống Kiêu Kỵ góp phần tạo sự nguy nga trong các công trình kiến trúc cung đình thời phong kiến thì ngày nay lại được dùng cho việc trang trí nội thất của Nhà hát Lớn Hà Hội, Văn Miếu Quốc Tử Giám và các di sản kiến trúc được UNESCO công nhận như Kinh đô Huế, Hội An…
Ngay nay, làng Kiêu Kỵ có khoảng 50 hộ gia đình chuyên kinh doanh và sản xuất vàng quỳ. Tại xưởng sản xuất của gia đình nghệ nhân Lê Bá Tươi, xưởng làm quỳ, dát vàng của gia đình đã tạo việc làm cho hơn chục thanh niên trong làng và các tỉnh khác với mức thu nhập đều đặn 3-6 triệu đồng/tháng. Nghề làm vàng quỳ rất tinh xảo, tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ phải kiên trì cần mẫn lao động với những thao tác và kỹ thuật chuẩn. Từ việc xây lò kín và thấp, dùng mùn cưa trộn với keo da trâu, viên nhỏ đốt dưới chiếc nồi ang để tạo bồ hóng, làm mực "lướt" quỳ, vàng phải đập mỏng đều, không rách…