Tâm sự cảm động của thầy giáo nuôi dạy “học trò tí hon” cao 58 cm

Bích Lan |

Với “cậu bé tí hon” chỉ cao 58cm, nặng 3,9 kg Đinh Văn K'Rể, thầy giáo Đặng Văn Cương như người cha thứ hai của em.

Ở những vùng miền khó khăn, xa xôi của Tổ quốc, có những thầy cô giáo đang thầm lặng “gieo chữ” cho học trò. Họ là những gương điển hình nhà giáo mẫu mực vừa được Bộ GD-ĐT vinh danh tại chương trình “Thay lời tri ân”.

Cả không gian của chương trình “Thay lời tri ân” lặng đi khi “cậu bé tí hon” Đinh Văn K'Rể, học sinh trường Tiểu học Dân tộc bán trú Sơn Ba (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) xuất hiện trên sân khấu cùng người thầy, "người cha thứ hai" của em.

Đó là thầy giáo Đặng Văn Cương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Dân tộc bán trú Sơn Ba.

Tâm sự cảm động của thầy giáo nuôi dạy “học trò tí hon” cao 58 cm - Ảnh 1.

Thầy giáo Đặng Văn Cương với câu chuyện đầy xúc động về cậu học trò tí hon Đinh Văn K'Rể (Ảnh chụp từ chương trình "Thay lời tri ân")

Tuổi thơ của Đinh Văn K'Rể (người dân tộc H'rê), không êm đềm như những bạn nhỏ cùng trang lứa. Từ khi sinh ra, K'Rể đã mắc chứng bệnh Seckel (người lùn, đầu chim). Đây là một chứng bệnh rất hiếm gặp và khó có khả năng chạy chữa.

Tại buổi giao lưu, thầy Đặng Văn Cương xúc động kể lại, năm 2012, lần đầu tiên gặp gỡ cậu học trò đặc biệt này. Lúc đó, K'Rể mới 4 tuổi, được đặt nằm trong cái túi đi chợ của mẹ.

Dù thân hình bé nhỏ, nhưng ánh mắt sáng, cử chỉ linh hoạt của K'Rể đã níu kéo thầy để thầy gửi lại lời hẹn với gia đình em: “Khi nào đến tuổi đi học, thầy sẽ đón em xuống ở cùng thầy một ngày.

Nếu qua được một ngày đó mà em chịu, thầy sẽ nuôi luôn”.

Và thầy đã thực hiện đúng lời hứa, đón K'Rể về ở cùng thầy trong căn phòng công vụ ngay tại trường.

Thầy tự tay chăm sóc, cùng em vượt qua những khó khăn khi đi khám để tìm ra căn nguyên căn bệnh tật; cùng trải qua những ngày tháng được học tập, vui chơi, hòa nhập của K’Rể.

Những ngày tháng khó khăn của hai thầy trò, kỷ niệm khó quên nhất là lần thầy đưa "cậu học trò đặc biệt" ra Hà Nội khám bệnh.

Để có các xét nghiệm, các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Trung ương phải lấy đủ 5 ống máu. 5 ống máu với một cậu bé hơn 3kg thực sự là một “cuộc chiến đấu”.

Khi các bác sĩ lấy đến ống máu thứ 3, K'Rể gần như kiệt sức, thầy gạt nước mắt dỗ dành trò. Cuộc chiến đấu phải kéo dài đến tận cuối ngày, các bác sĩ mới lấy được 5 ống máu.

Đối với thầy Cương, đây sẽ là kỷ niệm mãi không thể quên. Còn với những người lắng nghe câu chuyện ấy, không ai nghĩ đây là thầy giáo của Đinh Văn K'Rể nữa mà chính là người cha của em.

Theo thầy Đặng Văn Cương, việc K'Rể đến tham dự chương trình “Thay lời tri ân” có rất đông người tham dự đã là một việc mà cách đây 1 năm thầy không bao giờ dám nghĩ tới.

Sau 2 năm đến lớp trong tình yêu thương của bạn bè, thầy cô, Đinh Văn K'Rể đã có thể viết được chữ O, số 1. Em cũng mạnh dạn hơn nhiều, biết nói “ạ”, làm được một số việc cá nhân.

Đặc biệt, em có thể quan sát, lắng nghe và hiểu hết những vấn đề xung quanh mình.

Để có một Đinh Văn K'Rể như hôm nay là hành trình gian nan nhưng đầy tình yêu thương của thầy giáo Đặng Văn Cương. Thầy tâm sự, không chỉ thầy mà cả vợ, các con thầy đều yêu thương K'Rể.

Em đã thực sự trở thành một thành viên trong gia đình, một phần máu thịt của thầy.

Xúc động trước tình cảm thầy Đặng Văn Cương đối với Đinh Văn K’Rể, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, đây là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời làm thầy giáo, làm một nhà quản lý giáo dục của ông.

Trên cương vị của mình, Bộ trưởng cho biết, sẽ nỗ lực hơn nữa để đồng hành với các thầy cô giáo; san sẻ bớt gánh nặng, cùng các giáo viên trên khắp mọi miền đất nước./.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại