MiG-41, siêu vũ khí của Nga sẽ “đập tan” đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu của Mỹ?

Anh Tú |

Thừa hưởng tất cả những ưu điểm của chiếc máy bay tiền nhiệm MiG-31, tiêm kích đánh chặn MiG-41 của Nga được cho là lời đáp trả thích đáng với dự án máy bay siêu âm X-51 của Mỹ.

Tiền nhân MiG-31 dành cho F-35

Được phát triển vào những năm 1970 và đưa vào sử dụng những năm 1980, tiêm kích phản lực MiG-31 sẽ sớm được thay thế bởi chiếc máy bay kế cận nó: MiG-41.

MiG-31 được thiết kế với mục đích phát hiện, tiêu diệt các tên lửa hành trình và đạn đạo, nhiều loại máy bay khác nhau, từ phương tiện bay không người lái (UAV) tới vệ tinh quỹ đạo tầm thấp.

MiG-31 có thể bắn hạ các mục tiêu trên không di chuyển ở vận tốc lên tới Mach 5 từ tầm phát hiện 280 km nhờ radar mảng pha mà không loại máy bay nào có được ở thời điểm đầu thế kỷ này.

Chiếc tiêm kích đánh chặn này có thể mang theo tải trọng từ 5 – 9 tấn, gồm nhiều loại vũ khí khác nhau, trong đó các tên lửa tầm xa có thể tự tấn công mục tiêu mà không cần tới sự trợ giúp chỉ thị từ bên ngoài.

Mặc dù chiếc tiêm kích đánh chặn này đã được phát triển từ cách đây hơn 40 năm và được xếp vào dòng máy bay chiến đấu thế hệ 4, các vũ khí mà nó mang theo được cho là có thể tiêu diệt cả F-35 thế hệ 5 của Mỹ.

MiG-41, siêu vũ khí của Nga sẽ “đập tan” đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu của Mỹ? - Ảnh 1.

Các máy bay tiêm kích MiG-31 của Nga tổng duyệt chuẩn bị cho Lễ duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng 9/5/2017. Ảnh: Sputnik

"Chặn đứng" X-51 là nhiệm vụ của MiG-41

Đầu năm 2017, Phó Chủ tịch Tập đoàn sản xuất máy bay thống nhất Nga (UAC) Sergei Korotkov nói với các phóng viên rằng, các công việc liên quan tới chiến đấu cơ MiG-41 vẫn đang tiếp tục được tiến hành.

Theo đó, đây sẽ là một cỗ máy thế hệ mới, thay thế cho tiêm kích đánh chặn MiG-31. Korotkov cũng đề cập tới việc các nhà thiết kế của Cục thiết kế đặc biệt Mikoyan và đại diện các tập đoàn quốc phòng khác đang tham gia vào quá trình phát triển MiG-41.

Trước đó, Tư lệnh Lực lượng phòng thủ Vũ trụ Nga Viktor Bondarev đã được thông báo về Tổ hợp hàng không tiên tiến, Dự án đánh chặn tầm xa (AAC-LI) MiG-41. Ông cho biết, việc phát triển chiếc tiêm kích đánh chặn mới đang được Nga tích cực theo đuổi và năm 2017 dự kiến sẽ bắt đầu chế tạo nguyên mẫu đầu tiên.

Tư lệnh Không quân Nga có lần cũng từng tiết lộ, thời điểm đưa MiG-41 vào sử dụng dự kiến là năm 2025.

Cho tới nay, gần như chưa có thông tin chính thống nào được biết đến về cỗ máy này, cũng như bất kỳ đặc điểm nổi bật hay hình dáng bên ngoài của nó.

Tuy nhiên, dựa vào các nhiệm vụ mà MiG-41 dự kiến sẽ đảm trách, nhiều chuyên gia quân sự đã đưa ra những phỏng đoán về chiếc tiêm kích mới này của Nga.

Thứ nhất, nhiều khả năng MiG-41 sẽ được thử nghiệm vào năm 2020, trong lúc MiG-31 vẫn đảm trách nhiệm vụ của nó và sẽ chưa thể lỗi thời cho tới đầu những năm 2030. Chiếc tiêm kích phản lực mới sẽ được phát triển riêng rẽ với AAC-LI T-50 (Su-57), không phải là đối thủ cạnh tranh của Su-57 và sẽ thực thi các nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau.

Thứ hai, khả năng cơ động cao hay đánh chặn chiến thuật tàng hình đối với MiG-41 không thực sự cần thiết nhưng trần bay và tốc độ siêu nhanh, đặc biệt là các vũ khí mới cũng như radar trên khoang được nâng cấp là những gì nó phải cần đến để tiêu diệt các mục tiêu siêu tốc độ ở trần bay rất cao.

Cuối tháng 8/2017, Giám đốc điều hành Hãng chế tạo máy bay MiG nói với các phóng viên rằng, tiêm kích đánh chặn MiG-41 sẽ có thể bay được trong vũ trụ. Còn theo Vladimir Mikheev, chuyên viên Tập đoàn Công nghệ Vô tuyến Điện tử Nga, MiG-41 sẽ được trang bị vũ khí laser và thuộc máy bay thế hệ 6.

Thứ ba, nếu so sánh với MiG-31, hình dạng của MiG-41 sẽ thay đổi theo hướng tàng hình tốt hơn. Trang bị vũ khí có thể sẽ được đặt bên trong, pháo nhiều khả năng sẽ bị bỏ đi vì không hiệu quả đối với dòng máy bay này.

Tóm lại, MiG-41 sẽ thừa hưởng tất cả những ưu điểm của chiếc máy bay tiền nhiệm MiG-31 và được trang bị thêm các hệ thống tác chiến điện tử hiện đại, có thể mang theo nhiều loại vũ khí mới với số lượng lớn.

Theo các chuyên gia, một trong những mối đe dọa lớn trong tương lai gần đối với Nga có thể là siêu máy bay quân sự hiện đang được Mỹ đẩy mạnh phát triển: X-51.

Dự án máy bay siêu âm X-51 do Tập đoàn quốc phòng Boeing của Mỹ chế tạo với mục đích chính là thực thi chiến lược "Đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu".

Tốc độ ước tính của chiếc máy bay này có thể đạt tới 6.000 – 7.000 km/h, đủ khả năng trở thành mối đe dọa chiến lược đối với Nga. Do đó, theo các chuyên gia, tiêm kích đánh chặn MiG-41 được Nga phát triển chính là lời đáp trả cho tham vọng này của Mỹ.

Video mô phỏng dự án MiG-41 của Nga

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại