Báo cáo của Liên Hiệp Quốc: Mỗi ngày 7.000 trẻ sơ sinh tử vong, 30% do sinh non

Nguyên Huy |

Với xu hướng như hiện nay, thế giới có thể sẽ có khoảng 30 triệu trẻ sơ sinh dưới 28 ngày tuổi tử vong từ 2017 đến 2030.

Theo báo cáo mới nhất của Liên Hiệp Quốc (UN), năm 2016, mỗi ngày trên thế giới có khoảng 15.000 trẻ dưới 5 tuổi tử vong. 46% trong số này (tương đương 7.000) là trẻ sơ sinh - tức là trẻ dưới 28 ngày tuổi.

Tính chung cả năm 2016, có khoảng 5,6 triệu trẻ dưới 5 tuổi tử vong, trong khi con số này năm 2000 là 9,9 triệu. 

Mặc dù số trẻ dưới 5 tuổi tử vong đã giảm rất mạnh như trên, nhưng tỷ lệ trẻ sơ sinh (dưới 28 ngày tuổi) tử vong lại đang tăng, từ 41% lên 46% trong cùng thời kỳ.

Theo Stefan Swartling Peterson, Trưởng nhóm Y tế và Sức Khỏe của UNICEF: " Kể từ năm 2000, có khoảng 50 triệu trẻ dưới 5 tuổi được cứu sống. Kết quả này là do sự nỗ lực của chính quyền các nước và các tổ chức phát triển nhằm ngăn chặn số trẻ tử vong trước tuổi trưởng thành trên toàn thế giới".

Tuy vậy, các nhà khoa học dự đoán rằng, với chiều hướng như hiện nay, thế giới sẽ có khoảng 60 triệu trẻ dưới 5 tuổi tử vong trong khoảng thời gian từ 2017 đến 2030. Một nửa trong số đó là trẻ sơ sinh. 

Đây là thông tin từ Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới (WB), Phòng Dân số của Nhóm Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDESA).

Những quốc gia nghèo có số lượng trẻ sơ sinh tử vong cao nhất

Hầu hết các trường hợp trẻ sơ sinh tử vong nằm ở 2 khu vực: Nam Á (39%) và Châu Phi hạ Sahara (38%). Trong đó, 5 nước chiếm hơn một nửa số trẻ sơ sinh tử vong của thế giới là Ấn Độ (24%), Pakistan (10%), Nigeria (9%), Cộng hòa Dân chủ Congo (4%) và Ethiopia (3%).

Ở châu Phi vùng hạ Sahara, ước tính cứ 36 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ tử vong ngay trong tháng đầu tiên, trong khi ở các nước có thu nhập cao, tỷ lệ này là 1/333.

Nếu tình trạng này không được cải thiện, hơn 60 quốc gia sẽ không đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDG). Mục tiêu này nhằm chấm dứt số ca tử vong ở trẻ sơ sinh có thể ngăn ngừa được vào năm 2030 và một nửa số quốc gia này sẽ không đáp ứng được mục tiêu 12/1000 trẻ sơ sinh tử vong vào năm 2050.

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc: Mỗi ngày 7.000 trẻ sơ sinh tử vong, 30% do sinh non - Ảnh 1.

Những quốc gia nghèo có số lượng trẻ sơ sinh tử vong cao nhất

Nguyên nhân dẫn đến nhiều trường hợp trẻ sơ sinh tử vong

Trong số các nguyên nhân gây nên cái chết của trẻ dưới 5 tuổi, viêm phổi và tiêu chảy là hai nguyên nhân hàng đầu, chiếm khoảng 16% và 8% trên toàn thế giới.

Các biến chứng sinh non và các biến chứng trong khi chuyển dạ hoặc sinh con là các nguyên nhân khiến 30% trẻ sơ sinh tử vong trong năm 2016. 

Ngoài con số 5,6 triệu trẻ dưới 5 tuổi tử vong, hàng năm, thế giới còn có 2,6 triệu ca thai chết lưu. Đáng nói là, phần lớn trong số đó có thể ngăn ngừa được.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng nếu bất bình đẳng trên thế giới giảm đi thì có thể nhiều trường hợp tử vong sẽ không xảy ra. Nếu tất cả các quốc gia có tỷ lệ tử vong trung bình giống như các nước thu nhập cao thì 87% trẻ dưới 5 tuổi sẽ được cứu sống (tương đương với 5 triệu trẻ năm 2016).

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc: Mỗi ngày 7.000 trẻ sơ sinh tử vong, 30% do sinh non - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Những biện pháp cấp bách hiện nay

"Thật đáng buồn khi năm 2017 vẫn còn nhiều bà mẹ mang thai và trẻ em có nguy cơ tử vong trên thế giới", theo Tim Evans, Giám đốc phòng Sức khỏe Dinh dưỡng và Dân số của Ngân hàng Thế giới. "Biện pháp toàn diện nhất là mỗi bà mẹ cần được tiếp cận với y tế một các dễ dàng, phù hợp với kinh tế gia đình".

Theo Tiến sĩ Flavia Bustreo, Phòng Sức khỏe Gia Đình, Phụ nữ và Trẻ em Của WHO: "Nhằm phổ cập kiến thức về y tế, sức khỏe và giảm nguy cơ trẻ sơ sinh tử vong, chúng ta cần phải tập trung vào các quốc gia và hộ dân nghèo. Chúng ta cần giúp họ ngăn ngừa bệnh tật, cải thiện kinh tế gia đình, giúp họ có tiếng nói trong xã hội và tiếp cận với dịch vụ y tế tốt hơn".

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc: Mỗi ngày 7.000 trẻ sơ sinh tử vong, 30% do sinh non - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Chúng ta có thể ngăn chặn số trẻ sơ sinh tử vong bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận với chuyên gia chăm sóc sức khoẻ có kỹ năng trong thời kỳ mang thai và lúc sinh; can thiệp kịp thời nhằm cứu sống trẻ sơ sinh như tiêm chủng, cho con bú sữa mẹ và các loại thuốc; và tăng cường tiếp cận với nước sạch và vệ sinh.

Tuy nhiên, những vấn đề này hiện vẫn còn đang vượt xa tầm tay của các quốc gia nghèo nhất thế giới.

*Theo WHO

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại