Sốt xuất huyết vẫn đang “nóng”

Nguyễn Hưng |

Mặc dù tình hình sốt xuất huyết có vẻ im ắng, nhưng thực tế nó vẫn diễn ra “sốt, nóng” và đang có “chiều hướng đi ngang”, như lời của một chuyên gia y tế dự phòng. Về vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với TS.BS. Nguyễn Vũ Thượng - Viện phó Viện Pasteur TP.HCM.

Sốt xuất huyết vẫn đang “nóng” - Ảnh 1.

TS.BS. Nguyễn Vũ Thượng

Tình hình sốt xuất huyết ở các tỉnh thành phía Nam, đặc biệt là ở TP.HCM, đang diễn tiến như thế nào? Có nghiêm trọng không?

Tính đến tuần 38/2017, khu vực phía Nam đã ghi nhận 55.550 ca mắc sốt xuất huyết Dengue (SXHD). So cùng kỳ 2016, số ca mắc tăng 31%.

Sự gia tăng ca mắc SXHD diễn ra hầu hết ở các tỉnh thành khu vực phía Nam nhưng tập trung nhiều ở các tỉnh/thành công nghiệp có tốc độ phát triển đô thị hóa và giao lưu cao, đặc biệt nơi có sự biến động lớn về dân cư (di cư và nhập cư).

Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu trực tiếp gây nên dịch sốt xuất huyết hiện nay chính là mật độ muỗi và lăng quăng. Qua điều tra của Viện Pasteur TP.HCM, số lượng vật chứa có lăng quăng trên địa bàn còn rất cao.

Các ổ chứa lăng quăng chính rất đa dạng, thay đổi theo từng địa bàn, bao gồm các loại chính sau: (1) vật chứa nước sinh hoạt (lu, hồ, khạp, hầm nước) trong nhà và khu chung cư cao tầng; (2) vật chứa nước linh tinh như bình hoa, chậu kiểng, chân chén, bát nhang ngoài trời; và (3) vật phế thải gồm vỏ xe, vỏ dừa, lon nước, chai lọ, vỏ hộp cơm nhiều ở xung quanh vườn, nhà, bãi đất trống, công trình xây dựng. Ngoài ra, còn có nhiều tấm bạt che đậy ngoài trời vô hình trung tạo những chỗ lõm chứa nước cho muỗi vằn sinh sản. Nhìn chung, các vật dụng có khả năng chứa nước, đọng nước (dù là nước mưa hay nước máy) đều là nơi muỗi vằn có thể sinh sản, nhất là còn đang trong mùa mưa như hiện nay. Đó là mối nguy lớn khiến cho tình hình sốt xuất huyết sắp tới có thể tăng cao hơn.

Dịch sốt xuất huyết bùng phát là do đến chu kỳ hay do nguyên nhân nào khác? Phòng chống dịch của chúng ta đã có hiệu quả?

Sự gia tăng ca mắc SXH xảy ra khi có sự thay đổi của 1 trong 4 yếu tố (tác nhân gây bệnh, véc tơ truyền, khối cảm thụ và biện pháp phòng chống) theo hướng bất lợi. Sự chuyển đổi chủng gây bệnh, số người chưa có miễn dịch với chủng này tăng, nên tăng nguy cơ mắc bệnh.

Mùa mưa đến sớm hơn mọi năm, gia tăng nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh sản và phát triển.

Trong khi đó, các vật chứa (nước) nguy cơ chưa được dọn dẹp, là nơi lý tưởng cho muỗi vằn sinh sản. Mỗi muỗi cái có thể đẻ 4 - 5 lần; mỗi lần 100 - 200 trứng, vốn có sức chịu hạn cao, có thể tồn tại qua mùa khô. Do vậy, mật độ muỗi cao hơn bình thường, ngay từ đầu năm.

Quần thể miễn dịch cũng có thay đổi do quá trình đô thị hóa và giao lưu đi lại cao. Vấn đề toàn cầu hóa, giao thương, đi lại là điều kiện tất yếu trong phát triển kinh tế xã hội. Do đó, việc di biến động dân cư vô hình trung giúp mang mầm bệnh SXH đến một nơi mới, hoặc ngược lại, người chưa có miễn dịch đến nơi có lưu hành bệnh SXH đều dẫn đến khả năng bùng phát dịch SXH.

Sự gia tăng này nằm trong xu hướng chung của thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới - WHO, số mắc SXH trong 50 năm qua đã gia tăng gấp 30 lần và lan rộng ở 128 quốc gia trên thế giới với 3,9 tỉ người (hơn 40% dân số toàn cầu) có nguy cơ mắc bệnh.

Hàng năm, có 390 triệu người nhiễm bệnh, 96 triệu trường hợp có triệu chứng. Theo thống kê trên thế giới, SXH năm này cao hơn năm trước. Cứ mỗi 10 năm, số mắc SXH lại gia tăng gấp đôi. Việt Nam không là ngoại lệ, không khác biệt so với thế giới và mọi năm.

Trong các tuần gần đây, tình hình mắc SXHD tại miền Nam đang chững lại.

Kết quả đó là nhờ vào sự nỗ lực của chính quyền các cấp, Y tế địa phương và nhất là người dân tại khu vực phía Nam.

Các biện pháp phòng chống SXH đã được địa phương triển khai như mọi năm nhưng quyết liệt, đồng bộ hơn, kiên trì hơn gồm: (1) triển khai chiến dịch diệt lăng quăng thường xuyên, định kỳ và đẩy mạnh truyền thông trên phương tiện truyền thông đại chúng, cộng tác viên vãng gia thường kỳ để tuyên truyền và vận động hộ gia đình diệt lăng quăng tại nhà; (2) tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại chỗ dịch để ngăn chặn ngay việc lây lan bệnh từ muỗi sang người khác; (3) phát hiện ca bệnh sớm để xử lý kịp thời không thể lây lan thành dịch.

Tuy nhiên, miền Nam hiện đang vào đỉnh điểm mùa mưa và số ca mắc SXHD vẫn dừng lại ở mức cao, do đó nguy cơ SXHD sẽ gia tăng trở lại là hoàn toàn có thể nếu không kiên trì triển khai những hoạt động phòng, chống hiệu quả vừa qua.

Ông có khuyến cáo gì cho người dân lúc này?

Hiện nay, biện pháp PCSXH chủ yếu là diệt lăng quăng, diệt muỗi và công tác này cần được các hộ gia đình thực hiện thường xuyên, liên tục hàng tuần.

Việc kiểm tra và diệt lăng quăng hàng tuần cũng cần được thực hiện tại các cơ sở làm việc, học tập, các khu công nghiệp, nơi vui chơi giải trí, nơi tụ tập đông người...

Mọi người có thể chung tay cùng ngành Y tế thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh như sau:

Hãy dành 10 phút mỗi tuần để kiểm tra và loại trừ lăng quăng trong và ngoài nhà. Cụ thể:

- Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín các lu, khạp...

- Thường xuyên thay nước ở các bình bông, thả muối vào bát nước kê chân chạn...

- Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, không để lăng quăng phát triển, nguy cơ lan truyền bệnh SXHD.

Hãy tự bảo vệ để không bị muỗi chích:

- Ngủ mùng kể cả ban ngày.

- Mặc quần, áo có màu sáng, dài tay.

- Sử dụng kem thoa chống muỗi ở những vùng da trên cơ thể không được quần, áo che phủ.

- Hãy phối hợp với Y tế trong phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh SXH

- Hãy đến cơ sở y tế gần nhất khi bị sốt.

Tháng 10: Vẫn là thời điểm nguy hiểm của sốt xuất huyết

Hiện nay, trung bình, mỗi ngày, khoa Hồi sức Tích cực Chống độc (BV. Nhi Đồng 1, TP.HCM) vẫn luôn có ca sốt xuất huyết nặng cần cứu chữa tích cực, có thời điểm khoa điều trị đến 4 - 5 ca/ngày.

TS.BS. Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc (HSTCCĐ) - khuyến cáo, mặc dù đã vào tháng 10, theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, tình hình sốt xuất huyết vẫn còn căng thẳng. Hiện nay thành phố đã có 5 ca tử vong vì căn bệnh này.

"Trong tháng vừa rồi, chúng tôi đã phải chiến đấu và cứu sống được rất nhiều bệnh nhi sốt xuất huyết nặng", BS. Quang nhấn mạnh.

photo-4

Bác sĩ thăm khám một bệnh nhi sốt xuất huyết

Khoa HSTCCĐ vừa tiếp nhận một ca bệnh nhi trai (11 tuổi, Bình Tân) trong tình trạng rất nặng, mạch không bắt được, huyết áp không đo được. Bệnh nhi này được chẩn đoán tại khoa Cấp cứu là "sốc sốt xuất huyết Dengue nặng đầu ngày thứ tư, theo dõi xuất huyết tiêu hóa".

"Trước khi nhập viện, bệnh nhi này bị sốt cao liên tục 3 ngày. Đến ngày thứ ba, bé đi phân đen. Khi đi khám tại phòng mạch tư, bác sĩ cũng đã tư vấn phụ huynh rất kỹ về theo dõi sốt xuất huyết để phòng ngừa bé trở nặng.

Đến ngày thứ tư, bé bớt sốt, nhưng lại lừ đừ, ăn uống kém, mệt mỏi, vẫn đi tiêu phân đen và đau bụng nhiều. Đó cũng là lý do người nhà nhanh chóng đưa bé đến ngay BV. Nhi Đồng 1" BS. Quang đưa ra hàng loạt dấu hiệu cảnh báo về sốt xuất huyết trên bệnh nhi này.

Trong quá trình điều trị, do bệnh nhi có nhiều yếu tố nguy cơ nặng của sốt xuất huyết.

Một, bệnh nhi sốt xuất huyết Dengue nặng nhất của sốt xuất huyết.

Hai, sốc sốt xuất huyết sớm, mới đầu ngày thứ tư. Thông thường, sốc sốt xuất huyết diễn ra vào ngày thứ năm, thứ sáu của bệnh.

Ba, đây là một đứa bé nằm trong tình trạng dư cân - béo phì; đứa bé mới 11 tuổi nhưng đã cân nặng 61 kg.

Bên cạnh đó, đứa bé này bị tổn thương rất nhiều cơ quan do diễn tiến bệnh ngày càng tăng nặng. Đứa bé bị xuất huyết tiêu hóa, sau đó diễn tiến tiếp tục và suy hô hấp, tổn thương gan, tổn thương thận và tăng áp lực ổ bụng rất nặng.

Đặc biệt, theo BS. Quang, điều trị cho một đứa bé mắc sốt xuất huyết trên nền dư cân béo phì sẽ gặp khó khăn rất nhiều so với đứa bé có cân nặng bình thường và bệnh dễ diễn tiến nặng.

"Người ta thấy rằng, cân nặng lớn không có nghĩa rằng thể tích máu lớn tương ứng. Thể tích máu ở nhóm trẻ này cũng bằng các bạn đồng trang lứa bình thường.

Nhưng cái khó nhất, điều trị sốt xuất huyết chủ lực là phải truyền dịch. Truyền dịch là phải dựa vào cân nặng của đứa bé. Đối với những bé dư cân, nếu điều trị dựa vào cân nặng thật, tính toán lượng dịch cần truyền cho 61kg, sẽ khiến cơ thể của bé bị quá tải.

Do đó, chúng tôi phải điều chỉnh lượng dịch vừa tránh quá tải vừa đảm bảo hiệu quả điều trị. Chưa kể, đứa trẻ dư cân thường rất khó trong vấn đề hồi sức vì các nhân viên y tế rất khó tiếp cận đường tĩnh mạch, lấy ven...", BS. Quang giải thích.

Trong quá trình điều trị, các bác sĩ khoa HSTCCĐ tiến hành hồi sức sốc bao gồm truyền dịch, truyền albumin và thuốc vận mạch. Đối với xuất huyết tiêu hóa, rối loạn đông máu, bệnh nhi được truyền máu và các chế phẩm của máu.

Ngoài ra, bệnh nhi bị suy hô hấp nặng nên cần phải hỗ trợ hô hấp và máy thở. Để điều trị tổn thương gan, suy thận nặng nên bệnh nhi được lọc máu liên tục.

"Từ ngày 13/9 đến nay, mặc dù bệnh nhi này nhập viện trong tình trạng rất nặng, tổn thương hầu hết các cơ quan, tuy nhiên sau 3 tuần điều trị tích cực, hiện giờ hô hấp, tuần hoàn, gan, đông máu hầu như đã trở lại bình thường.

Bệnh nhi đã tỉnh táo, ăn uống được, có thể tự thở, chức năng đông máu và chức năng gan đã trở lại bình thường. Ngoại trừ chức năng thận vẫn còn trong giới hạn bất thường và cần theo dõi chừng 1 tuần nữa. Nhưng bệnh nhi đã đi tiểu được, chứng tỏ thận đã bắt đầu phục hồi".

Đặc điểm của sốt xuất huyết là 3 ngày đầu sốt cao liên tục. Do đó, nếu như các bé ở trong vùng dịch tễ sốt xuất huyết, nếu sốt từ 3 ngày trở lên, một trong những bệnh lý hàng đầu các bậc phụ huynh cần nghĩ đến là sốt xuất huyết.

Nếu bé có kèm theo các chấm xuất huyết ở da, hoặc chảy máu mũi, chảy máu răng, đi tiêu phân đen… là những dấu chứng gợi ý của sốt xuất huyết.

Người nhà phải nhanh chóng ở ngày thứ ba, đừng để sang ngày thứ tư, đưa bé đến cơ sở y tế để được thăm khám, thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán sớm. Vì sốt xuất huyết sẽ trở nặng ở ngày thứ tư, thậm chí là vào sốc, trụy tim mạch.

AN QUÝ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại