Tên lửa phòng không S-350E Vityaz đã xong: Việt Nam là khách hàng tiềm năng?

Ly Vy - Bình Nguyên |

Tin từ ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết tổ hợp tên lửa phòng không S-350E Vityaz thế hệ mới đã hoàn thiện và sẵn sàng được xuất khẩu cho khách hàng nước ngoài.

Theo đó, ngay từ năm tới (2018), Nga sẽ bắt đầu chào bán cho khách hàng nước ngoài tổ hợp tên lửa phòng không S-350E Vityaz mới nhất.

Loại tên lửa mới này sẽ gọn nhẹ hơn và rẻ hơn so với tên lửa phòng không tầm xa S-400 nhưng lại bao trọn năng lực của tên lửa S-300 và có khả năng diệt các mục tiêu ở tầm gần mà không cần phải có thêm các "hộ vệ" như Pantsir và Tor.

Hoàn tất thử nghiệm vào cuối năm nay

Các chuyên gia tin rằng sau khi Vityaz hoàn thiện công tác thử nghiệm và đưa vào hoạt động, chúng sẽ đánh bật các tổ hợp tên lửa phòng không Buk tầm trung khỏi thị trường nước ngoài, tờ Izvestia (Nga) đánh giá.

Tại Diễn đàn Kỹ thuật - Quân sự ARMY-2017, ông Vyacheslav Dzirkaln, Phó giám đốc điều hành Văn phòng thiết kế Almaz-Antey đã giới thiệu phiên bản xuất khẩu của tổ hợp tên lửa S-350E Vityaz này và khẳng định cuối năm nay công tác thử nghiệm cấp nhà nước sẽ kết thúc sau khi được Chính phủ Nga chấp thuận.

Hiện nay Almaz-Antey đang đánh giá các dữ liệu về hiệu suất chiến đấu của tổ hợp khi thực hành xạ kích các mục tiêu thật trong nhiều loại tình huống và môi trường khác nhau. Việc thử nghiệm 3 loại đạn tên lửa của tổ hợp tên lửa phòng không S-350E Vityaz cũng gần như sắp hoàn tất.

Tổ hợp S-350 kế thừa những kinh nghiệm quý giá thu được trong quá trình thiết kế tổ hợp tên lửa phòng không RM-SAM cho Hàn Quốc. Trong đó, các chuyên gia Nga đã được tiếp cận, học hỏi để ứng dụng những công nghệ tiên tiến từ nước ngoài để chế tạo những khối thiết bị thuộc phần cứng trong tổ hợp.

Mỗi hệ thống Vityaz hoàn chỉnh gồm 1 xe điều khiển, 1-2 xe radar đa chức năng 50N6E và 1 tới 8 xe mang phóng tự hành.

Một trong những ưu điểm lớn nhất của hệ thống S-350 là số lượng đạn sẵn sàng phóng trên mỗi xe bệ có thể lên tới 12 quả. Do vậy với một tiểu đoàn trang bị tổ hợp Vityaz hoàn chỉnh gồm 8 xe mang phóng tự hành, tổng lượng đạn có thể lên tới 96 quả.

Và với 3 loại đạn tên lửa khác nhau gồm tầm ngắn, tầm trung và tầm trung xa, Vityaz không cần các hệ thống phòng không tầm gần bảo vệ hoặc phối hợp tác chiến vì nó hoàn toàn có khả năng độc lập đối phó với nhiều mối đe dọa từ trên không. 

Trong cùng một thời điểm, tổ hợp này có thể điều khiển được 32 tên lửa (với sự hỗ trợ của radar thứ 2). Xe điều khiển của hệ thống S-350 Vityaz chỉ cần kíp vận hành gồm có 3 người, mọi công việc hoàn toàn tự động.

Tên lửa phòng không S-350E Vityaz đã xong: Việt Nam là khách hàng tiềm năng? - Ảnh 1.

Tổ hợp tên lửa phòng không S-350E Vityaz đươc trưng bày tại Triển lãm MAKS 2013 ở Nga. Ảnh: Armyrecognition.com

Việt Nam sẽ là khách hàng đầu tiên?

Chuyên gia Andrei Frolov - Tổng biên tập tạp chí Arms Export đánh giá trên tờ Izvestia rằng sau khi kết quả thử nghiệm cấp nhà nước của Vityaz được chấp nhận và đưa vào hoạt động, chúng có thể trở thành món hàng "hot" cạnh tranh cùng họ tên lửa Buk trên thị trường xuất khẩu.

Ông nói: "Vityaz là một tổ hợp hoàn toàn mới, không phải được nâng cấp - hiện đại hóa từ bất cứ tổ hợp tên lửa nào từng có từ thời Liên Xô. Nhờ đó, S-350E sẽ vượt trội các tổ hợp tên lửa trước đó, kể cả Buk-M3 vừa mới được hoàn thiện gần đây. Đồng thời, chúng rẻ hơn đáng kể so với S-400, cho nên chắc chắn sẽ rất hấp dẫn đối với khách hàng nước ngoài".

Chuyên gia Frolov tin rằng tổ hợp tên lửa phòng không thế hệ mới này có thể sẽ được đặt mua bởi những quốc gia phải đề phòng các cuộc tập kích ồ ạt bởi tên lửa hành trình và máy bay không người lái, nhưng lại có khả năng tài chính hạn chế.

"Sở hữu S-350E Vityaz, khách hàng sẽ có một tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung xa gọn nhẹ với khả năng chống tên lửa tuyệt hảo. Điều này rất quan trọng đối với các quốc gia muốn xây dựng mạng lưới phòng không đa tầng, đa lớp, uy lực nhưng lại không có nhiều tiền.

Khách hàng tiềm năng bao gồm Việt Nam, Ấn Độ, Algeria, Armenia và các nước Trung Đông - những quốc gia không đủ khả năng tài chính để mua tên lửa phòng không tầm xa S-400", ông Frolov bình luận.

Công tác thiết kế tổ hợp S-350 Vityaz được bắt đầu từ năm 2007 khi xuất hiện nhu cầu về một tổ hợp tên lửa phòng không hoàn toàn mới để trang bị cho các lực lượng mặt đất và hải quân Nga. Vityaz được giới thiệu tới công chúng lần đầu vào năm 2013.

Tuy nhiên các vấn đề phát sinh trong quá trình thiết kế tên lửa mới đã khiến thời gian đưa vào sử dụng của tổ hợp bị kéo dài cho tới tận bây giờ, Izvestia cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại