Chuyên gia Úc lý giải tại sao Nhật Bản không bắn hạ tên lửa Triều Tiên

Hải Vy |

Có ý kiến cho rằng, một phần nguyên nhân khiến Tokyo không bắn hạ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản là vì việc đó không hề dễ dàng.

Sáng 29/8, Triều Tiên đã tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo. Tên lửa này đã bay hơn 2.700km, bay qua mũi Erimo ở đảo Hokkaido, miền bắc Nhật Bản trước khi vỡ làm 3 mảnh và rơi xuống Thái Bình Dương. Tổng thời gian bay là 14 phút.

Quân đội Nhật Bản không bắn hạ tên lửa Triều Tiên nhưng hệ thống cảnh báo của chính phủ đã khuyến cáo người dân đề phòng để không có thiệt hại nào.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera, đó nhiều khả năng là tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong 12 và nó được bắn đi từ bệ phóng di động. Trước đó, Triều Tiên đã thử nghiệm thành công tên lửa Hwasong 12 vào tháng 5 năm nay.

Ngoài ra, đáng chú ý, tên lửa thử vào sáng 29/8 được phóng đi từ một địa điểm gần thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên. Theo các báo cáo ban đầu, tên lửa được phóng đi từ một nơi gần sân bay quốc tế của Bình Nhưỡng, khác với địa điểm mọi khi nằm ở vùng đông bắc nước này.

Chuyên gia Úc lý giải tại sao Nhật Bản không bắn hạ tên lửa Triều Tiên - Ảnh 1.

Trả lời phỏng vấn của chúng tôi về sự kiện này, ông Carl Thayer - Giáo sư danh dự Đại học New South Wales (Australia) nhận định:

"Bắn tên lửa tầm trung bay qua Nhật Bản là một động thái rất khiêu khích của Triều Tiên, cho thấy Triều Tiên có thể tấn công các đồng minh của Mỹ, như Nhật Bản và Hàn Quốc – hai quốc gia đang cho phép Mỹ triển khai binh lính trên lãnh thổ của họ.

Triều Tiên đang phát đi thông điệp rằng họ sẽ đáp trả những mối đe dọa nhằm vào chính quyền Bình Nhưỡng, như cuộc tập trận chung giữa Mỹ-Hàn Quốc, hay những lời đe dọa từ phía Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Mỹ sẽ trút "lửa và thịnh nộ" xuống Triều Tiên.

Thông qua việc phóng tên lửa từ bệ phóng di động, Triều Tiên còn muốn cho thấy Mỹ và các đối thủ khác của họ không thể tấn công phủ đầu hay phá hủy toàn bộ tên lửa của Triều Tiên bằng một cuộc tấn công bất ngờ.

Bên cạnh đó, phải nói thêm rằng, mỗi vụ phóng sẽ giúp Triều Tiên phát triển thêm công nghệ tên lửa và xây dựng năng lực răn đe đáng tin cậy hơn để đáp trả bất cứ cuộc tấn công nào bằng các loại vũ khí thông thường, hóa học, sinh học hay vũ khí hạt nhân nhằm vào lãnh thổ của họ".

Chuyên gia Úc lý giải tại sao Nhật Bản không bắn hạ tên lửa Triều Tiên - Ảnh 2.

Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đăng tải một loạt hình ảnh về vụ thử tên lửa sáng sớm 29/8. (Ảnh: KCNA)

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết, Tokyo quyết định không bắn hạ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản vì tên lửa này không gây ra mối đe dọa về thiệt hại cho nước này.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng một phần nguyên nhân khiến Tokyo không hành động là bởi không dễ gì bắn hạ tên lửa đạn đạo. Theo đài RFI (Pháp), trong quá khứ, Tokyo từng khẳng định sẽ bắn hạ từ trên không tất cả các tên lửa của Bình Nhưỡng có thể đe dọa lãnh thổ nước Nhật.

Bình luận về ý kiến này, ông Thayer cho rằng: "Nhật Bản có trong tay hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Patriot, có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo tầm trung. Radar của Nhật Bản (và Mỹ) sẽ phát hiện được vụ phóng tên lửa và tính toán quỹ đạo của nó.

Nếu Nhật Bản kết luận rằng tên lửa Triều Tiên chỉ bay qua Nhật Bản thôi thì không có lý do gì phải bắn hạ nó.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, họ có lẽ cũng nhận thấy rằng quyết định bắn hạ tên lửa này có thể gây ra những phản ứng không mong muốn từ phía Triều Tiên. Ngoài ra, những rủi ro từ việc 'không có hành động gì' sẽ thấp hơn rủi ro khi bắn hạ tên lửa, nhất là trong trường hợp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot thất bại".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại