Nỗi ám ảnh từ dịch sốt xuất huyết

BS. Hoàng Cương |

Hiện nay, nhìn chung số ca mắc sốt xuất huyết vẫn tăng cho dù ở một số địa phương dịch đã chững lại.

Số người chết tuy ít nhưng đã có trẻ em thiệt mạng, phụ nữ bị sẩy thai. Mỗi người chỉ có một cha, một mẹ, hai đứa con..., chết chóc giáng xuống ai đều là đau đớn tột cùng, là thảm họa với thân nhân của họ.

Đã có bao nhiêu nỗ lực, vất vả, hy sinh của ngành y tế để chống dịch và điều trị bệnh nhân. Các ngành, các cấp đều vào cuộc để khoanh vùng, dập dịch, tìm những thời khắc bình yên cho mùa nhập trường của con trẻ...

Khí hậu cận nhiệt đới, mưa ẩm ở nước ta khiến sốt xuất huyết cứ hoành hành. Với căn bệnh AIDS, thế giới đã có những bước tiến quan trọng trong phòng ngừa, các phương pháp điều trị mới cải thiện tuổi thọ bệnh nhân rõ rệt.

Hình ảnh căn bệnh AIDS giờ đây đã không phải là thần chết gõ cửa, hiền hòa hơn, hòa nhập cộng đồng sâu sắc hơn. Phải chăng Tổ chức Y tế Thế giới đã quên đi SXH, quên luôn các nước nghèo đang vật lộn với nó.

Chẳng có hãng vắc-xin nào, công ty dược nào nghiên cứu đầu tư ra sản phẩm liên quan đến căn bệnh này. Chỉ khổ các nước nghèo, bệnh nhân nghèo. Con ấu trùng muỗi thả vào môi trường để cạnh tranh với chủng muỗi truyền bệnh Anophen một thời làm ta hân hoan nhưng nay rơi vào khoảng lặng.

Y sinh trên thực tế đã phân hóa hai thái cực rõ rệt. Bệnh thường gặp xảy ra như cơm bữa, không có phương pháp điều trị hữu hiệu, tử vong là do chủ quan, do biến chứng... còn lại là bệnh nặng, bệnh nhà giàu nhiều thuốc men và tiến bộ, tiến bộ liên tục.

Các chuyên khoa đều có tình trạng này, có người mới đưa ra khái niệm “nhóm bệnh mồ côi” - orphan disease, những căn bệnh mà ai mắc người ấy ráng mà chịu.

Cách đây vài năm, tôi rất khâm phục một bác sĩ nhi khoa phát biểu khi dịch sởi bỗng dưng hoạt động mạnh ở Việt Nam: Cứ 5 năm dịch sởi lại bùng phát một lần, ta cũng vậy. Năm nay cũng vậy, ai đó lại phát biểu 10 năm dịch SXH sẽ lên đỉnh một lần.

Nếu nhớ lại năm ngoái ta đã có một năm hạn thê thảm, đồng bằng sông Cửu Long không có lũ... ai đó cũng nói là năm nay sẽ mưa nhiều kết hợp nóng cực điểm. Gay rồi, phải có ai dự báo, giải thích, đưa ra biện pháp và rút ra bài học quý cho những năm sau.

Tính lạc quan, dũng cảm của người dân đã bị áp dụng sai trong trường hợp SXH. Không ai sợ nó cho đến khi chính bản thân mình, người nhà mình bị SXH. Trong ký túc xá, lán trại công nhân, tại xóm ngõ đều như vậy... cho đến khi dịch ập đến ngay trước cổng.

Kiến thức không có, tự chữa bệnh lại là một sai lầm nữa khiến cho nhiều người phải ân hận. Ý thức là do giáo dục tuyên truyền, thậm chí cưỡng bức, diệt muỗi là của phòng dịch, diệt bọ gâỵ phải có tham gia của toàn thể nhân dân.

Vốn là người trọng Đông y, tôi khâm phục và đánh giá cao nhiều bài thuốc chống SXH đăng tải trên các tờ báo chính thống của ngành y. Trong đó, cỏ mực hay cỏ nhọ nồi, hoa hòe, sài đất... có tác dụng rất tốt để hạ sốt, mau khỏi bệnh và hạ thấp tỷ lệ phải truyền dịch.

Cả nhà tôi đã qua cơn SXH những năm 80 chỉ nhờ những cây cỏ này. Hãy nhìn người Trung Quốc dùng hoàng kỳ, người Hàn Quốc dùng sâm hay linh chi để thấy được người Việt Nam ta cũng có những phương thuốc tốt và phải tin dùng vào nó.

... Một cháu bé lớp 6 ở thành phố Hạ Long nơi tôi đang làm việc vừa ngã xuống cống vào buổi sáng thành phố mưa như trút, nước đưa thi thể em vòng vèo ra cái hồ lớn đang cải tạo để thành khu vui chơi nghỉ mát. Em không thể đi khai giảng nữa rồi, cũng không thể vui chơi ở cái công viên đó.

Người ta đang tụ tập xem, chụp selfie tắc một đoạn đường. Tôi nghĩ về em đầy nuối tiếc và oán trách. Năm ngoái đã có một phụ nữ rơi xuống đó, rồi năm nay cũng chẳng có ai cảnh báo em, chẳng có gì phòng ngừa nên em đã chết thảm như vậy.

Phải có động lực tích cực để hành động và đổi thay vì một người, vì nhiều người khác quanh ta.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại