Mỹ-NATO thấy điểm yếu của Nga, nhưng lại "lo sốt vó": Hé lộ những điều gây chấn động

Đại tá Trần Danh Bảng |

Hai chuyên gia Mỹ hàng đầu tự tin khi cho rằng, trong thời điểm hiện tại, tiềm lực quân sự Nga không thể chống lại bất cứ vũ khí nào của Mỹ-NATO, nhưng sự thật lại quá phũ phàng.

Những bài viết trên các tạp chí nghiên cứu quốc tế cho thấy, Mỹ-NATO luôn nhấn mạnh về điểm yếu của Quân đội Nga.

Không biết nhận định sau đây của Chuyên gia Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ Stephen Blank và cựu nhân viên Lầu Năm góc Michael Kofman có khách quan, khi họ bày tỏ sự tự tin khi cho rằng, trong thời điểm hiện tại, quân sự Nga "không thể chống lại bất cứ vũ khí nào đến từ quân đội của các nước phương Tây!"

Nói về chiến tranh thông thường, phi hạt nhân, sau khi tiến hành Chiến dịch quân sự ở Gruzia 2008, dù đã đạt được mục tiêu quân sự, nhưng thời điểm này Nga bộc lộ rõ nhất nhược điểm có tính đặc trưng về cấu trúc và năng lực tác chiến trong chiến tranh cục bộ, xung đột khu vực.

Nhưng hơn chục năm liền, những nỗ lực của Chính phủ Nga, và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Ivanov, sau đó là Anatoliy Eduardovich Serdyukov (tới năm 2012), không vực được gì đáng kể sức mạnh quân đội…

Mỹ-NATO thấy điểm yếu của Nga, nhưng lại lo sốt vó: Hé lộ những điều gây chấn động - Ảnh 1.

Xe tăng Nga tập kết.

Thiếu tiền

Đó là một từ ghép lạnh lùng, nhưng hàm chứa sức nặng lớn lao, khi vũ khí trang bị có giá rất đắt đỏ, đặc biệt là khi trang bị số lượng lớn. Vào năm 2008, Tổng giám đốc Hãng MiG, ông Nikolay Nikitin cho biết: "Chỉ có 1/10 số tiền thu được từ xuất khẩu được tái đầu tư vào việc nghiên cứu, phát triển kỹ thuật mới"!

Nhớ lại, những năm thuộc về cuối thập kỷ 90, Tư lệnh Không quân Nga khi đó - Đại tướng Vladimir Mikhailov nói với hãng RIA Novosti về trực thăng chiến đấu: "Không quân Nga đang rất cần có một thế hệ trực thăng mới, hiện đại hơn. Loại "được nhất" như Ka-50/52 Black Shark và Mi-28 cũng chỉ chiếm khoảng 10% tổng số, khiến cho khả năng thực chiến chỉ 35%"....

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Ivanov lúc đó phải than thở: "Kinh phí chỉ đáp ứng được ở mức tối thiểu cho nhu cầu của quân đội".

Thời điểm cách đây 10 năm, Không quân Nga gần như hoàn toàn không được mua sắm thiết bị mới. Những máy bay mới nhất năm 2008 cũng đã có ít nhất 15 - 20 năm tuổi, số giờ bay của phi công thấp, nhất là phi công trẻ…

Năm 2012, Bộ trưởng Sergei Shoigu được giao nhiệm vụ. Ông này rất chú trọng đến nâng cao vị thế Nga, trước hết về quân sự. Thật sự nước Nga đã gồng mình.

Nhưng dù ngân sách quốc phòng đứng thứ 3 thế giới, gần đây Nga mới chỉ có 50 tỷ USD/năm so với một số cường quốc khác thì vẫn quá ít, khi Trung Quốc chi khoảng 150 tỷ (gấp 3 lần), còn so với Mỹ thì… Nga phải ngước "nhìn theo", khoảng 650 tỷ USD/năm.

Điều này khiến cho những năm đầu lãnh nhiệm (2012), Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu mới chỉ gắng nâng tỷ lệ vũ khí mới trong toàn quân được 25 % mà thôi.

Gánh nặng

Nga là nước có diện tích lớn nhất thế giới, bao phủ 1 phần 9 diện tích các châu lục, trải dài trên phần phía bắc của lục địa Á - Âu. Hai điểm xa nhau nhất tại Nga cách nhau khoảng 9.000 km, bao trùm 11 múi giờ! Bảo đảm Quốc phòng-quân sự cho một lãnh thổ lục địa quá dài, rộng… chưa nói chủ quyền vùng biển của Nga rất lớn, là gánh rất nặng cho nước Nga.

Thật khó khăn về nguồn lực, nên những kế hoạch thay thế các loại vũ khí Nga liên tiếp bị trì hoãn, kéo dài. Như dự án phát triển máy bay ném bom tầm xa thế hệ 5 PAK-DA đến năm 2015 phải tạm dừng…

Nga rất muốn khôi phục, đóng tàu sân bay năng lượng hạt nhân mới, một số tàu tuần dương mạnh, nhưng cũng thiếu tiền. Nga chưa thể sản xuất máy bay mới, siêu tiêm kích đánh chặn MiG 41 có thể đạt vận tốc Mach 4.3. Để thay thế MiG-31 để lấp khoảng trống tiêm kích tầm xa, chỉ còn cách nâng cấp chính loại máy bay này.

Mỹ-NATO thấy điểm yếu của Nga, nhưng lại lo sốt vó: Hé lộ những điều gây chấn động - Ảnh 2.

Tiêm kích MiG-31 thực hành tiếp dầu cùng máy bay IL-78.

Chưa bao giờ nhu cầu cấp thiết về nghiên cứu phát triển, nghiên cứu công nghệ mới trong công nghiệp quốc phòng Nga lại cấp thiết như lúc này. Khi Mỹ, NATO đang đầu tư rất lớn vào hệ thống vũ khí thông minh, uy lực cao theo cách mạng 4.0 và 5.0.

Gánh nặng về phòng thủ ở Nga chưa giải quyết căn cơ, thì tình hình địa chính trị thế giới diễn biến rất nhanh, biến chuyển khó lường.

Mới từ năm 2014, Nga đối mặt với hướng phòng vệ giáp biên với Ukraine, cho dù giành thắng lợi trong việc sáp nhập Crime. Tới năm 2015, Nga tham chiến ở Sirya với toàn bộ các binh chủng và đạt được lợi ích rất nhiều từ việc "thử lửa" chiến đấu cho rất nhiều chủng loại vũ khí, nhưng tổn hao binh khí, đạn dược, xăng dầu là rất lớn.

Khi Sirya lại là chiến trường xa, phương tiện chủ yếu được vận tải tới bằng đường biển và đường không tốn kém…

Biên giới Nga giáp Ba Lan và 3 nước vùng Ban Tích từ năm 2015 đến nay "căng như dây đàn", khi vũ khí Mỹ và NATO đã áp sát, rồi diễn tập lớn chưa từng có ở vùng này. Phía Đông Á, tình hình Bắc Triều Tiên, Nhật Bản cũng cần theo dõi thường xuyên.

Có thể nói, chưa bao giờ Quân đội Nga lại phải cảnh giác khắp nơi bởi "Tứ bề thọ địch".

Điểm yếu vũ khí Nga

Tạp chí Defence Talk, tạp chí Global Security đã đánh giá và ngay các tạp chí Nga cũng thừa nhận:

"Về sức đột kích, con số thống kê từ 2015-2016 cho thấy, Quân đội Nga hiện sở hữu khoảng 10.000 xe tăng các loại. Nhưng chỉ có 30% số xe này đang hoạt động. Trong số 30% đó, thì chủ yếu là xe tăng T-72 đã lỗi thời.

Dù Nga đã đã trang bị xe tăng T-90, nhưng chỉ có 300 chiếc. Còn tăng Amata hiện đại còn đang nghiên cứu thử nghiệm tiếp. Cần nhớ trong chiến tranh Iraq năm 2003, dòng tăng Mỹ M1-Abrams đa chứng tỏ sự vượt trội so với T-72 ( Nga bán cho Iraq). Trong khi M1-Abrams Mỹ có tới 5.000 chiếc đang hoạt động.

Về máy bay chiến đấu, hiện Nga bộc lộ rõ dàn máy bay cường kích chiến trường vẫn dùng chủ đạo là máy bay Su-24 và Su-25 đã cũ, hệ thống điện tử tác chiến liên quân chủng chưa có gì, chỉ tương đương với A-10 của Mỹ.

Mỹ-NATO thấy điểm yếu của Nga, nhưng lại lo sốt vó: Hé lộ những điều gây chấn động - Ảnh 3.

Máy bay ném bom Su-24 của Nga triển khai ở Syria.

Trong khi F/A-18E/F Super Hornet là một máy bay tiêm kích hoạt động trên tàu sân bay kiêm máy bay tấn công, được hoạt động từ năm 1999, tỏ ra vẫn dẻo dai, liên tục được hiện đại hóa.

Máy bay chiến đấu đa năng Su-27 và tiêm kích tầm gần MiG-29, tầm xa MiG-31 thuộc thế hệ 4 của Nga đã khẳng định công năng, nhưng tốc độ hiện đại hóa không thể bằng F-16, thậm chí F-15 của Mỹ, chúng liên tục được nâng cấp sâu.

Cả Nga, Mỹ và NATO nhìn Nga tác chiến quần quật 3 năm qua ở Sirya, đã nhận ra, vũ khí công nghệ cao rất đắt tiền cho một đơn vị tác chiến (chiếc). Nhưng rõ ràng Nga kém hẳn về số lượng, chủng loại bom thông minh, vũ khí chính xác.

Gần đây Nga đã trang bị nhiều hơn các máy bay cường kích Su-34, máy bay đa năng Su- 30M2, Su-30SM… nhưng chúng không có nhiều điểm chung, để có thể liên kết tác chiến "nhất thể hóa" và cơ sở bảo trì, chung trong tác chiến hiện đại.

Tàu sân bay duy nhất của Nga là Kuznetsov trong năm 2016 đã hải hành cả vạn hải lý đến Địa Trung hải, nhưng máy bay chiến đấu cất cánh trên hạm chỉ mang được lượng vũ khí tối thiểu, tàu sân bay này phải tiếp nhiên liệu sau 45 ngày… và chưa an toàn!

Hai chuyên gia, của Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ Stephen Blank và cựu nhân viên Lầu Năm góc Michael Kofman kết luận, nhìn chung, xét về mức độ phát triển công nghệ, Nga đang thụt lùi 15-20 năm sau phương Tây. Có nghĩa rằng sự phát triển hiện tại của Nga tương đương với sự phát triển của NATO trong những năm 1990?

Năm năm mới bấy nhiêu ngày

Không thể phủ nhận 5 năm gần đây, về hệ thống phòng không Nga đã nhanh chóng trang bị, đưa tên lửa S-400 vào trực chiến ở hầu khắp các quân khu và Bắc Cực.

Khi quyết định bán máy bay Su-35, và sẽ bán tên lửa S-400 cho Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, thì chính là Nga đã phát đi thông điệp rõ ràng, họ không phải vì tiền mà bán mọi thứ. Sau Su-35, Nga đã có máy bay thế hệ 5 là PAK-FA T-50 đưa vào trang bị trước 2020, tên lửa S-500 "Prometheus" đã thử nghiệm, đạt hiệu quả như mong muốn.

Theo National Interest, các hệ thống phát triển từ chương trình Standard sẽ thay thế toàn bộ các hệ thống phòng không đáng gờm của Lục quân Nga hiện nay, bao gồm các tổ hợp phòng không Pantsir, Tor, Buk và thậm chí hệ thống tên lửa tầm xa S-300V4.

Mỹ-NATO thấy điểm yếu của Nga, nhưng lại lo sốt vó: Hé lộ những điều gây chấn động - Ảnh 4.

Tổ hợp tên lửa phòng không S-300V4 Nga thực hành bắn đạn thật.

Sự xuất hiện của tên lửa chiến trường Iskander, tên lửa đối hải Bastion và Bal-E di động của Nga…đưa vào trang bị cũng đã làm nhiều nước phải thán phục.

Người Mỹ còn nhớ đòn tên lửa hành trình đối đất tầm xa Kh-55/101 phóng từ máy bay chiến lược Tu-95 Bear, Tu-160 Blackjack với độ chính xác rất cao. Ngoài ra, Nga còn có đạn pháo điều khiển với độ chính xác rất cao Krasnopol.

Hệ thống tác chiến điện tử mới có tới gần chục loại, trong đó Krasukha-4 cho phép chế áp, ngăn chặn và gây nhiễu các vệ tinh do thám, hệ thống radar mặt đất, bán kích hoạt động tới 300 km…

Ronald Pontius, phó hiệu trưởng chỉ huy không gian mạng của Quân đội Mỹ thốt lên, Krasukha-4 có thể gây nhiễu AWACS và hệ thống radar vệ tinh, là một trải nghiệm gây chấn động. Còn theo báo cáo thường niên của Tạp chí quốc phòng uy tín Jane's IHS, Nga có 12 loại vũ khí đáng gờm.

Dư luận nước Nga và NATO cho thấy ông Phó thủ tướng Dmitry Rogozin, một người am hiểu và tầm nhìn, tham mưu cho lãnh đạo Nga những quyết sách rất mạnh, hiệu quả để vũ khí Nga trong 10 năm tới có sự phát triển về chất.

Theo Bộ trưởng Shoigu, trong 2 tháng đầu năm 2017, số vũ khí mới được bàn giao đã đạt 34,2% tổng số đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Nga, trong khi số được sửa chữa cũng chiếm 42,2%.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov tiết lộ, dù cho chi tiêu quốc phòng của Nga ít hơn 11 lần so với Mỹ, nhưng điều này không làm ảnh hưởng tới tiềm lực quân sự của Nga.

Trong 5 năm vừa qua, Quân đội Nga đã được trang bị hơn 30.000 đơn vị vũ khí và trang thiết bị quân sự mới và cải tiến, gồm hơn 50 tàu chiến, 1.300 máy bay, 4.700 xe tăng và thiết giáp. Năm ngoái, họ đã nhận 40 đơn vị mang vũ khí dẫn đường chính xác và 180 tên lửa hành trình, tầm xa.

Số vũ khí và thiết bị kỹ thuật hiện đại trang bị cho các đơn vị thường xuyên sẵn sàng chiến đấu đã đạt mức 62% năm 2017. Trong số vũ khí mà Lực lượng bộ binh sở hữu có đến 42% vũ khí hiện đại.

Vũ khí hiện đại trong Lực lượng hải quân Nga hiện chiếm 47%. Từ nay cho đến năm 2020, khoảng một nửa số tàu chiến của Nga sẽ được trang bị tên lửa hành trình Kalibr.

Riêng về tên lửa hành trình Kalibr, Tổng Tư Lệnh lực lượng vũ trang Mỹ ở châu Âu, Tướng Curtis Skaparrotti đã thừa nhận và đánh giá cao khả năng, sức mạnh và hiệu quả của nó. "Nga đang chuyển từ đối tác thành đối đối thủ trong quan hệ với chúng ta, họ đang tìm mọi cách để lấy lại vị thế của mình trên thế giới".

Global Security nhân định, những vũ khí công nghệ cao góp phần làm thay đổi bộ mặt của chiến tranh trong tương lai sẽ là laser năng lượng cao, vũ khí siêu thanh, tàu ngầm thế hệ mới, trực thăng phản lực, máy bay không người lái bay lâu, sống còn cao... thì Nga đã có những thành tựu rất đáng nể trong chỉ vài năm gần đây.

Về vũ khí siêu thanh, tên lửa siêu vượt âm 3M22 "Zircon" Moscow đang ngang bằng với Mỹ, tướng Curtis Skaparrotti nói.

Riêng về tàu ngầm, người Mỹ đang thăm dò rất ráo riết vũ khí "kín tiếng" này. Nhưng các nhà bình luận thạo tin thì nói: Nga rất mạnh về tác chiến ngầm, trong đó 3 loại (tầu ngầm thông thường) có thể đánh chìm bất cứ tàu sân bay nào của Mỹ, ở bất cứ trên vùng biển nào chỉ bằng một loạt bắn.

Ngày 26/07/2017 vừa qua, tại trung tâm chỉ huy Quốc phòng Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã tuyên bố, Quân đội nước này từ đầu năm đến nay đã nhận hơn 600 đơn vị vũ khí tiên tiến nhất, trong đó các thiết bị đặc biệt.

Với tốc độ hiện đại hóa và gia tăng nhịp độ nghiên cứu, sản xuất vũ khí, không kể nỗ lực rất cao về vũ khí hạt nhân, Quân đội Nga chỉ trong mấy năm, đã khiến cho Mỹ-NATO từ nhìn nhận chủ quan, sang thái độ đáng gờm dàn vũ khí Nga, tạo nên sức mạnh tác chiến không thể coi thường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại