Thức uống làm "mê mệt" đàn ông, mẹ bỉm sữa uống được không: Câu trả lời đặc biệt của TS Mỹ

Đình Mạnh |

Mẹ đang trong thời kỳ cho con bú có nên uống trà, cà phê, bia rượu hay không? Đây là những khuyến cáo chung cho các mẹ đang cho con bú, cũng như các mẹ đang mang thai.

* Dưới đây là phần giải đáp đặc biệt của bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo dành cho các mẹ bỉm sữa, bởi có lẽ ít ở đâu bạn tìm thấy thông tin đầy đủ như thế này. Chưa kể, cách chị giải đáp một "truyền thuyết" ở cuối bài cũng rất thuyết phục.

Mẹ đang cho con bú, uống một, hai ly trà, cà phê, hoặc thỉnh thoảng uống nước ngọt là chuyện bình thường, không cần quá bận tâm!

Khi tiêu thụ các thức uống chứa caffeine, chất này có thể đi vào sữa mẹ và cũng giống như tác dụng giúp người lớn chúng ta tỉnh ngủ, chất này cũng có thể làm cho các bé khó ngủ hơn và cũng có thể kích thích các bé, làm bé khó chịu, quấy nhiều hơn và gắt gỏng hơn.

Tuy nhiên, lượng caffeine qua sữa mẹ rất thấp, dưới 1% lượng caffeine mà mẹ tiêu thụ và vì vậy, đối với những trường hợp uống các thức uống chứa caffeine một cách điều độ, một, hai ly một ngày, đa số các bé bú mẹ sẽ không bị ảnh hưởng gì cả.

Thức uống làm mê mệt đàn ông, mẹ bỉm sữa uống được không: Câu trả lời đặc biệt của TS Mỹ - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Khuyến cáo chung cho các mẹ đang cho con bú, cũng như các mẹ đang mang thai, là nên giới hạn mức tiêu thụ chất caffeine này, tối đa là 300mg caffeine một ngày mà thôi. Để cho chúng ta dễ tính, đây là hàm lượng caffeine có trong các thức uống phổ biến mà ta có thể sử dụng:

• 1 ly cà phê lọc, có khoảng 140mg caffeine

• 1 ly cà phê hòa tan (gói sẵn) có khoảng 100mg caffeine

• 1 ly trà chỉ có khoảng 75mg caffeine – dĩ nhiên, những ly trà đặc mà miền Bắc hay dùng, nồng độ caffeine có thể cao hơn nhiều.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhớ, các thực phẩm và thức uống khác cũng có thể có caffeine. Điển hình như:

- Nước uống tăng lực, thường chứa hàm lượng caffeine cao mà nhiều người không nhận biết, có thể lên đến 80mg caffeine trong một lon nước

- Nước uống ngọt như coca cola, pepsi, cũng có thể chứa vài chục mg caffeine

- Sôcôla, cũng là một nguồn thực phẩm chứa nhiều caffeine. Trung bình, 50g sôcôla nguyên chất chứa khoảng 50mg caffeine.

Đây là những con số tham khảo. Dĩ nhiên, nhìn chung, một, hai ly trà, cà phê, hoặc thỉnh thoảng uống nước ngọt, ăn sô cô la, vẫn là chuyện bình thường, không cần quá bận tâm.

Còn nếu bạn thấy bé trở nên cáu bẳn, khó ngủ, quấy nhiều, đặc biệt khi bạn uống quá nhiều thức uống chứa caffeine, điều hiển nhiên là chúng ta nên điều độ lại, để tránh ảnh hưởng không tốt đến con.

Mẹ có thể uống rượu bia khi cho con bú không?

Câu trả lời là được, miễn đừng quá xỉn! Khi uống rượu bia, nồng độ cồn trong cơ thể sẽ tăng lên và sau vài giờ sẽ tự động hạ xuống, sau khi được thanh lý bởi gan và thải ra từ thận (qua đường nước tiểu).

Tuy nhiên, 30 phút sau cốc bia đầu tiên, cồn đã vào trong sữa mẹ, vì sữa mẹ cũng là một loại dịch cơ thể.

Thức uống làm mê mệt đàn ông, mẹ bỉm sữa uống được không: Câu trả lời đặc biệt của TS Mỹ - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Khi uống một ly rượu chuẩn (standard drink), sau 2 giờ, chất cồn sẽ bị đào thải hết và không còn trong cơ thể cũng như trong sữa mẹ. Nếu mẹ thỉnh thoảng uống một hai ly chơi cho vui, thì không có ảnh hưởng gì tiêu cực đến trẻ cả. Tuy nhiên, mẹ nên cố gắng để giờ cho con bú cách vài giờ sau khi uống bia rượu mới cho con bú.

Nếu mẹ nghiện rượu bia và uống quá nhiều, nên tránh cho con bú khi nồng độ cồn trong cơ thể còn quá cao. Đồng thời, việc uống rượu bia thường xuyên sẽ có thể làm giảm tiết sữa mẹ. Dĩ nhiên, trong trường hợp này, mẹ nên đi khám bác sĩ để được tư vấn cai rượu bia sẽ tốt cho cả mẹ và con.

Một điều nên lưu ý là, uống rượu bia có thể làm thay đổi mùi vị sữa mẹ trong vài giờ sau uống, nên trẻ có thể không hoặc giảm bú ngay tại thời điểm đó. Đối với trẻ nhỏ trong tháng đầu đời, lời khuyên lý tưởng là mẹ nên tránh, không uống chất uống có cồn trong thời điểm nhạy cảm này.

Quan niệm uống rượu bia lợi sữa có đúng? Câu trả lời của TS Mỹ ai cũng nên biết

Truyền thuyết về đồ uống có cồn giúp tăng lượng sữa mẹ, thật ra không chỉ có ở Việt Nam, mà còn ở nhiều nơi trên thế giới, cả nước phát triển và nước đang/chậm phát triển.

Ở nhiều vùng miền đất nước khác nhau, ở những giai đoạn khác nhau, nếu tìm hiểu kĩ, sẽ có những cách chế biến các thức uống chứa cồn đặc biệt nào đó, đôi khi còn bày bán tại các hiệu thuốc, dành cho những người mẹ sau sinh.

Tuy nhiên, cũng như nhiều truyền thuyết phổ biến lâu đời khác, truyền thuyết này, khi được đưa vào đánh giá, nghiên cứu để chứng minh, theo góc nhìn và đánh giá khách quan của khoa học, lại cho chúng ta dở khóc dở cười.

Đã từng có nghiên cứu cho thấy, khi tiêu thụ bia, sẽ có thể làm tăng nồng độ hormone prolactin ở người, nam lẫn nữ. Hormone này cần thiết cho sản xuất sữa. Tuy nhiên, việc tăng lượng prolactin cũng không đồng nghĩa hoàn toàn với việc tăng lượng sữa ở mẹ cho con bú.

Các nghiên cứu về tác dụng của các thức uống có cồn đối với sản xuất sữa mẹ, cho đến nay, đều cho thấy điều ngược lại với truyền thuyết được đưa ra. Nghiên cứu trên thực tế của Tiến sĩ Julie Mennella vào năm 1993, trên hơn 12 bà mẹ đang cho con bú.

Thức uống làm mê mệt đàn ông, mẹ bỉm sữa uống được không: Câu trả lời đặc biệt của TS Mỹ - Ảnh 3.

Tiến sĩ Mỹ Julie Mennella.

Các bà mẹ này được cho uống bia có cồn hoặc bia không có cồn, nhưng vị và mùi cồn được xử lý biến mất, không phân biệt được, trong hai ngày tách biệt nhau. Sau đó, nghiên cứu đánh giá lượng sữa bú mẹ ở các bé trong vòng 4 tiếng sau khi uống nước này bằng cách cân bé ngay trước và sau khi bú mẹ.

Nghiên cứu này cho thấy rằng, sau khi mẹ uống bia có cồn, lượng sữa các bé bú được sau đó, ít hơn hẳn (giảm 23%) so với lượng sữa các bé bú sau khi mẹ uống bia không cồn. Điều đáng lưu ý là, đa số các bà mẹ đều không nhận biết được sự khác biệt này, vì cách cho bú, cảm giác sữa xuống... đều giống nhau trong hai hoàn cảnh.

Tiến sĩ Mennella cũng đã thực hiện một nghiên cứu tương tự trước đó vào năm 1991, nhưng bằng nước cam nguyên chất hoặc nước cam có cồn. Kết quả cũng cho thấy, bé bú được ít sữa mẹ hơn sau khi mẹ uống thức uống chứa cồn. Một số nghiên cứu tương tự, nhưng ở chuột, cũng cho thấy kết quả tương tự như vậy.

Vì vậy, về mặt khoa học mà nói, truyền thuyết này không được ủng hộ và cũng không có khuyến cáo y khoa nào khuyến khích mẹ nên uống bia hoặc rượu để có thêm sữa cho con.

*Bài viết này rút từ sách "Chat với bác sĩ" của BS Trần Thị Huyên Thảo, Thái Hà Books phối hợp với Nhà xuất bản Lao Động ấn hành. Bài viết được chỉnh lý bởi biên tập viên Đình Manh. Các tiêu đề trong bài do Ban biên tập tòa soạn đặt.

Bs Trần Thị Huyên Thảo tốt nghiệp y khoa tại trường đại học Monash, Melbourne, Úc, qua chương trình học bổng toàn phần AusAid của chính phủ Úc.

Sau khi tốt nghiệp, bác sĩ Huyên Thảo về làm việc tại Việt Nam và có nhiều năm kinh nghiệm về Nhi Khoa. Bs Huyên Thảo hiện đang giữ vị trí Trưởng khoa Nhi, phòng khám CarePlus, và là tác giả của hai quyển sách chăm sóc trẻ: "Chào con! Ba mẹ đã sẵn sàng!" dành cho lứa tuổi 0-6 tháng, và "Bước đệm vững chắc vào đời" dành cho trẻ từ 0-6 tháng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại