Khổng Minh tài trí hơn người nhưng vẫn thua... Tào Tháo?

Trần Quỳnh |

Hàng thế kỷ qua đi, những tranh luận xung quanh cuộc tỷ thí tài năng giữa Gia Cát Khổng Minh và Tào Tháo vẫn chưa đi tới hồi kết.

"Tam Quốc diễn nghĩa" từng khắc họa Gia Cát Lượng và Tào Tháo là hai nhân vật có lập trường và tính cách đối lập. Trong đó, một người được ca ngợi là bậc đại trung thần, một kẻ bị coi là gian hùng khét tiếng.

Vậy nhưng, "Tam Quốc diễn nghĩa" vốn là tiểu thuyết "bảy phần thực, ba phần hư". Nếu xét tới bối cảnh loạn li như thời Tam Quốc thì trung thần Gia Cát Lượng liệu có thể "vượt mặt" gian thần Tào Tháo hay không?

Khổng Minh tài trí hơn người nhưng vẫn thua... Tào Tháo? - Ảnh 1.

Đều từng là những bậc trọng thần mưu lược trứ danh, nhưng thanh danh của một đại thần "cúc cung tận tụy" như Khổng Minh lại tốt hơn nhiều so với một "Hán tặc" Tào Tháo. (Ảnh minh họa).

Bởi hai người chưa từng giáp mặt đọ sức, cũng không cùng một triều đình, nên giữa Tào Tháo và Gia Cát Lượng ai mạnh hơn ai vẫn là một câu hỏi gây tranh cãi. 

Tuy nhiên, dựa vào việc đánh giá tính cách và cuộc đời của hai nhân vật ấy, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử hiện đại của Trung Quốc cho rằng: Gia Cát Lượng cao nhất chỉ có thể làm mưu sĩ, còn Táo Tháo mới thực sự là bậc quân chủ tài giỏi.

Cuộc so tài giữa quân chủ với mưu sĩ chỉ có thể tiến hành trên hai phương diện: cách dùng người và việc thi hành quân kỷ.

Nhìn sai người, Khổng Minh "khôn ba năm, dại một giờ"!

Bài nghiên cứu "Thập đại sai lầm của Gia Cát Lượng" từng chỉ rõ không ít sai lầm trong việc dùng người của mưu sĩ trứ danh Gia Cát Lượng.

Trong số đó, có những sai lầm tai hại đến nỗi đẩy nhà Thục Hán tới bờ diệt vong, tiêu biểu là quyết định để Quan Vũ trấn thủ Kinh Châu, chọn Khương Duy làm người kế thừa và thái độ chưa trọng hiền tài.

Về việc chọn Quan Vũ trấn thủ Kinh Châu

Trong con mắt của Gia Cát Lượng, Quan Vũ là người "biết tiểu nghĩa mà không hiểu đại nghĩa, tận ‘tiểu trung’ mà có thể hại ‘đại trung’, có tiểu dung mà chưa chắc có đại dũng". Nhưng ngay cả khi e ngại Quan Công như vậy, Khổng Minh vẫn để ông trấn thủ Kinh Châu.

Khổng Minh tài trí hơn người nhưng vẫn thua... Tào Tháo? - Ảnh 2.

Đại tướng Đông Ngô Lục Tốn tổng kết tính cách của Quan Vân Trường là "kiêu căng ngạo mạn, áp bức người khác" - Theo "Tam Quốc Chí - Ngô thư - Lục Tốn truyện". (Tranh minh họa).

Thành trì trọng yếu này vốn là "yếu hầu" của nhà Thục Hán. Vân Trường vốn là dũng tướng đầy tài năng, nhưng thái độ nóng nảy và  cố chấp của ông đã dẫn tới kết cục mất thành Kinh Châu.

Thất bại chiến lược trên không chỉ lấy đi mạng sống của nhiều trụ cột nhà Thục như Quan Vũ, Lục Tốn… mà còn biến "Long Trung đối sách" của Gia Cát Lượng tan thành mây khói, khiến Thục Hán gần như "không thể gượng dậy nổi".

Không chú trọng thu thập, bồi dưỡng nhân tài

Sau khi Lưu Bị qua đời, rất nhiều nhân tài ưu tú (như Triệu Vân) không được trọng dụng, mà những kẻ không ra gì lại được đăng đàn. 

Khổng Minh vì quá chú tâm vào hoàn thành "tâm nguyện của tiên đế" và triển khai "Long Trung đối sách" nên thiếu quan tâm tới việc tìm kiếm, thu hút, bồi dưỡng người tài.

Chính điều này đã khiến Thục Hán thời kỳ sau rơi vào cảnh "nhân tài như lá mùa thu". Sai lầm của người cầm lái này đã khiến "con thuyền" của Thục quốc sa vào vòng xoáy diệt vong.

Chọn sai người kế thừa

Sinh thời, Khương Duy vốn là đệ tử "chân truyền" của Ngọa Long tiên sinh. Bản thân ông cũng là người tài năng, từng vô số lần xông pha trận mạc, lập nhiều chiến công.

Không thể phủ nhận việc Khương Duy là một tướng tài trên chiến trường, nhưng ở phương diện chính trị, ông lại bộc lộ nhiều điểm yếu.

Khổng Minh tài trí hơn người nhưng vẫn thua... Tào Tháo? - Ảnh 3.

Mặc dù được Khổng Minh xem là đệ tử "trời cho", nhưng thái độ cố chấp và thiếu tầm nhìn chính trị của Khương Duy đã đẩy Thục quốc tới họa diệt vong. (Tranh minh họa).

Sau khi kế nghiệp Gia Cát Lượng, Khương Duy bất chấp thực lực kiệt quệ của quốc gia, đem quân đánh Trung Nguyên tới 9 lần, đẩy nhanh tiến độ mất nước của nhà Thục.

Bởi vậy, hậu thế khi nhắc đến Khương Duy phần lớn đều coi ông là tội nhân hại nước. Nhiều người còn khẳng định: Khương Duy là sai lầm "để đời" trong việc nhìn người của mưu sĩ Gia Cát Lượng.

Tào Tháo - kinh nghiệm dùng người ngàn năm vẫn đúng

Dù không phải là hình tượng được các nhà Nho yêu thích, nhưng không ai có thể phủ nhận được sự thật rằng Tào Tháo là một trong những nhà chính trị, quân sự xuất sắc bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa.

Sinh thời, Tào Tháo dù đa nghi nhưng rất yêu người tài, khát người tài, tìm đủ mọi cách để có được người tài.

Khổng Minh tài trí hơn người nhưng vẫn thua... Tào Tháo? - Ảnh 4.

Mặc dù đa nghi, nhưng Tào Tháo lại rất quý trọng người tài, không câu nệ xuất thân của họ. (Ảnh minh họa).

Bởi vậy, dưới tay Tào Tháo là không ít những nhân tài trứ danh Tam Quốc không kém Phượng Sồ, Ngọa Long.

Về võ tướng, ông nắm trong tay huynh đệ Hạ Hầu, Tào Nhân, Tào Hồng, Trương Văn Viễn… Thậm chí, Tào Tháo còn nhiều lần tìm cách giữ lại tướng tài là Quan Vân Trường nhưng không thành.

Về mưu sĩ, ông được Hí Chí Tài, Quách Gia, Tuân Úc phụng sự. Những người này được đánh giá có năng lực không thua kém so với Gia Cát Khổng Minh và Phượng Sồ Bàng Thống.

Bên cạnh đó, Tào Tháo còn được nhiều nhân tài đầu quân như Trình Trọng Đức, Tuân Công Đạt, Giả Văn Hòa… với những sở trường riêng biệt.

Khổng Minh tài trí hơn người nhưng vẫn thua... Tào Tháo? - Ảnh 5.

"Gian thần" khét tiếng Tam Quốc từng không ít lần rơi nước mắt trước sự ra đi của những nhân tài như Hí Chí Tài, Điển Vi. (Ảnh minh họa).

Hơn nữa, Tào Tháo từng thề cả đời không xưng đế, chỉ nguyện làm vương. Đây được xem là chiến lược thông minh nhất trong cuộc đời của "gian hùng" khét tiếng Tam Quốc này.

Nếu ông lên làm Hoàng đế, những trọng thần vẫn mang tư tưởng trung thành với Hán triều như Tuân Úc, Tuân Du sẽ cật lực phản đối. Vì những hiền tài trong tay mình, Tào Tháo chấp nhận "ngậm bồ hòn", cả đời làm vương.

Mặc dù mở rộng cửa thu dụng người tài, nhưng Tào Tháo vẫn có những nguyên tắc riêng của mình trong việc dùng người.

Người được ông dùng nếu chỉ có tài thôi vẫn chưa đủ, mà phẩm chất đạo đức của họ phải ở mức "chấp nhận được", phải tuyệt đối trung thành với quốc gia và chủ nhân.

Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến ông quyết định giết chết một kẻ "phản trắc" Lã Bố, mặc dù thời điểm ấy ông vẫn đang rất cần một dũng tướng. Dương Tu cũng chết dưới tay Tào Tháo vì tài nhưng không biết "tuân phục".

"Quân lệnh như sơn" hay coi trọng tướng tài?

Nhắc tới vấn đề quân lệnh, Khổng Minh nổi danh với yêu cầu "quân kỷ nghiêm minh", "quân lệnh như sơn.

Bởi vậy, ông từng bắt Quan Vũ lập "quân lệnh trạng" (thua trận thì sẽ bị xử trảm, thậm chí tru di), tại Nhai Đình từng trảm Mã Tốc do "không hiểu quân pháp, kẻ dưới bất phục".

Thái độ nghiêm khắc, bình đẳng, coi tướng làm sai cũng xử như quân lính chính là cách thiết lập quân kỷ nghiêm minh của Gia Cát Lượng.

Khổng Minh tài trí hơn người nhưng vẫn thua... Tào Tháo? - Ảnh 6.

Chủ trương thiết lập kỷ cương của Gia Cát Lượng và Tào Tháo cũng rất khác nhau. (Ảnh minh họa).

Trong khi đó, khi có vị tướng ký quân lệnh trạng nhưng vẫn đại bại, Tào Tháo chỉ khoát tay nói một câu khiến chư quân tâm phục khẩu phục: "Thắng bại là chuyện thường tình của binh gia."

Tào Tháo đối xử với tướng lĩnh như vậy là bởi ông hiểu rõ đạo lý "ngàn quân dễ kiếm, một tướng khó cầu". Sự coi trọng đối với tướng tài của ông khác với thái độ có phần khắc nghiệt của Khổng Minh.

Khổng Minh tài trí hơn người nhưng vẫn thua... Tào Tháo? - Ảnh 7.

Coi trọng tướng tài hơn quân lệnh là thái độ đối với quân đội của Tào Tháo. (Ảnh minh họa).

Còn nhớ năm xưa, khi dùng kế "thuyền cỏ mượn tên", Khổng Minh đã từng nói: "Người làm tướng giỏi không chỉ biết bày binh bố trận, mà con phải nhìn được thiên văn, am tường địa lý, phải biết kỳ môn, nắm rõ thực lực quân đội, biết xem trận đồ..."

Nhưng Khổng Minh tuyệt nhiên lại không nhắc tới chuyện người làm tướng không thể không biết dùng người!

Hàng thế kỷ qua đi, những tranh luận xung quanh cuộc so tài giữa Khổng Minh và Tào Tháo vẫn chưa đi tới hồi kết. 

"Tam Quốc chí" từng ghi nhận việc Khổng Minh hợp cùng Lưu Bị khiến quân Tào phải nhiều lần thất bại. Nhưng "cặp bài trùng" của nhà Thục ấy vẫn chưa thực sự lật đổ được "gian hùng" bậc nhất Tam Quốc.

Suy cho cùng, dù chưa ai chắc chắn giữa Tào Tháo và Gia Cát Lượng ai giỏi hơn ai, nhưng đến cuối đời, hai nhân vật đình đám Tam Quốc ấy vẫn chưa thể hoàn thành khát vọng thống nhất ba nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại