Không chỉ gây dựng một tập đoàn con cháu lớn mạnh như vậy, các Hoàng đế họ Chu đặt ra chế độ ưu đãi "trên trời" dành cho hoàng thân quốc thích. Bởi vậy, Chu gia được xem là dòng họ hoàng tộc "hạnh phúc nhất" trong lịch sử Trung Quốc.
Thế nhưng, chính sự đãi ngộ thái quá và tốc độ bùng nổ dân số chóng mắt của hoàng thân quốc thích đã trở thành một trong những nguyên nhân đẩy Minh triều vào thảm cảnh diệt vong.
Hoàng tộc "bùng nổ dân số"
Năm Hoằng Trị thứ 5 (1493), Tuần phủ Sơn Tây bẩm báo lên triều đình một tin tức khiến Hoàng đế Chu Hữu Đường không khỏi giật mình: Khánh Thành Vương Chu Chung Dật vừa mới có thêm một người con, nâng tổng số con cái của vị vương gia này lên con số 94 người.
Nhiều năm sau đó, con cái của Khánh Thành Vương kế thừa khả năng sinh sản vượt trội của phụ thân. Trưởng tử của Chu Chung Dật cũng không kém cạnh cha mình, có tới 70 người con cả nam lẫn nữ.
Như vậy, vương phủ của Khánh Thành Vương Chu Chung Dật theo thống kê có tới 163 người cháu, 510 người chắt, trực hệ lên tới gần 1000 nhân khẩu.
Vị vương gia này còn thừa nhận mình thậm chí không thể nhớ mặt hết người thân, cũng gặp không ít khó khăn để quản lý mọi việc trong vương phủ khổng lồ ấy.
Sự tăng trưởng nhân khẩu ở mức chóng mặt tại vương phủ của vị Vương gia họ Chu kể trên chính là một minh chứng tiêu biểu cho tình trạng bùng nổ dân số tồn tại trong hoàng tộc Minh triều.
Sau khi lập quốc, Chu Nguyên Chương phân phong con cháu đi khắp nơi. Một trăm năm sau, lượng hoàng thân quốc thích nhà Minh đã tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. (Ảnh minh họa).
Từ năm Hồng Vũ cho tới năm Gia Tĩnh, con cháu của Tấn vương đã lên tới 1851 vị. Tương tự như vậy, từ khi Minh Thái Tổ tại vị cho tới lúc Minh Thần Tông lên ngôi, trực hệ của Chu vương đã có tới 5000 con cháu.
Về những con số cụ thể thống kê nhân khẩu hoàng tộc, học giả Ngọc Điệp Thượng từng ghi chép:
Những năm Hồng Vũ dưới thời Chu Nguyên Chương, hoàng tộc nhà Minh chỉ mới có 58 vị, tới thời Vĩnh Lạc tăng lên 127, đến năm Gia Tĩnh thứ 32 là19.611 người, mà năm Vạn Lịch thứ 32 thậm chí đã cán mốc 8 vạn người.
Cuốn "Hồng Vũ Hoàng đế đại truyện" đánh giá: trên đây mới chỉ là con số do Ngọc Điệp Thượng thống kê những hoàng tộc thuộc hàng "cao cấp", chứ chưa kể tới con cháu họ Chu ở những tầng áp chót.
Theo các chuyên gia tính toán, tới cuối thời nhà Minh, con cháu của Chu gia phải đạt tới mức gần 100 vạn nhân khẩu.
Hoàng tộc Minh triều - đẻ nhiều vì ham của
Sở dĩ hoàng tộc "bùng nổ" dân số chính là do chế độ ưu đãi "trên trời" của các Hoàng đế Minh triều dành cho tầng lớp này.
Người khởi nguồn cho chế độ ưu ái ấy không ai khác chính là Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương.
Sinh thời, vị Hoàng đế khai quốc Minh triều này nổi tiếng tàn nhẫn, máu lạnh với dân chúng, kẻ thù, đại thần, nữ nhân… nhưng lại đặc biệt ân cần với con cháu. Phàm là những việc có lợi cho dòng tộc của mình, Chu Nguyên Chương đều ưu tiên hàng đầu.
Lập quốc không lâu, còn chưa kịp khen thưởng công thần, ông đã phong tất cả những người con của mình làm thân vương, bổng lộc cao gấp 7 lần quan lại.
Ông đặt ra yêu cầu hoàng tộc không cần đảm nhiệm nghề nghiệp gì. Tất cả chi tiêu của hoàng tộc đều tính vào quốc khố.
Theo đó, con cháu của Chu gia 10 tuổi đã được hưởng bổng lộc, khi kết hôn thì triều đình đầu tư địa điểm, chi phí, phục trang, khi chết còn được một khoản phí mai táng khổng lồ.
Nhờ chính sách "bảo vệ" tuyệt đối này, nhà Minh được xem là triều đại ưu ái hoàng thân quốc thích nhất trong lịch sử Trung Quốc. (Ảnh minh họa).
Tuy nhiên, sự ưu tiên thái quá đối với hoàng tộc không những trở thành gánh nặng cho ngân khố, mà còn tạo nên nhiều nguy cơ bất ổn với vương quyền. Đến những năm Vĩnh Lạc, các thân vương liên tục nổi dậy.
Sau khi dẹp loạn, để tránh việc hoàng tộc cấu kết làm phản, các Hoàng đế Minh triều vừa duy trì những ưu đãi cho hoàng thân quốc thích, vừa quy định vương gia cả đời chỉ có thể sinh hoạt trong vương phủ, không được Hoàng đế cho phép thì không thể bước chân ra khỏi thành.
Các vương gia lại bị tước đoạt mọi sự tự do, bị giam lỏng trong thành trì, không có nghề nghiệp, không có quyền hành, họ chỉ có thể tăng thêm "thu nhập" nhờ một con đường – liên tục sinh con đẻ cái.
Trung Hoa từ lâu đã có quan niệm con cái là của trời cho, càng nhiều con thì càng có phúc. Nhưng điều đó không đúng với Minh triều. (Tranh minh họa).
Vương gia có thêm con cái, vương phủ cần mở rộng đồng nghĩa với việc thu hẹp đất đai của bách tính.
Mặt khác, từ những năm giữa của triều đại nhà Minh, ngân khố thu về tại các địa phương thậm chí còn không đủ để nuôi dưỡng những hoàng tộc bản địa.
Sau này, hoàng tộc còn vận dụng thân phận đặc thù của mình để kiếm lời, trục lợi mà không từ thủ đoạn. Họ cấu kết cùng các phú thương, lũng đoạn nhiều ngành sản xuất.
Rất nhiều phiên vương địa phương đã lợi dụng đặc quyền để độc chiếm ngành sản xuất muối tại nơi mình ở, sau đó tự ý tăng thuế, khiến dân chúng nơi đó thậm chí nhiều năm không đủ tiền mua muối ăn.
Tất cả những tài nguyên có giá trị như núi, rừng, mỏ kim loại… đều bị hoàng tộc chiếm đoạt. Số người này còn tự ý thu thuế, tăng thuế, khiến dân chúng nơi nơi lầm than, khổ cực.
Cái kết đẫm máu cho hoàng tộc hưởng lạc nhất Trung Hoa
Hoàng tộc Minh triều đè đầu cưỡi cổ dân chúng, bỏ ngoài tai những tiếng khóc than, liều mạng hưởng thụ, sau cùng lại trở thành nhân tố "đục khoét" cơ nghiệp của tổ tiên gây dựng.
Khi Lý Tự Thành, Trương Hiến phất cờ khởi nghĩa, yến tiệc hưởng thụ kéo dài gần 3 thế kỷ của hoàng tộc nhà Minh cuối cùng cũng tới hồi tàn.
Vì làm nhiều điều sai trái, hoàng thân quốc thích của Chu gia không chỉ trở thành con mồi của nghĩa quân, mà còn là mục tiêu triệt hạ của bách tính.
Những nơi có nghĩa quân nông dân đi qua, hoàng tộc nhà Minh đều bị diệt sạch. Vương phủ bị "cướp bóc", "phá hủy", "đốt phá" vô cùng tàn độc.
Sự nổi dậy nghĩa quân và sự phẫn nộ của bách tính đã đẩy hoàng tộc Minh triều vào con đường tuyệt diệt. (Tranh minh họa).
Lúc bấy giờ, Sơn Tây là nơi tập trung nhiều hoàng thân quốc thích hơn cả. Khi phá được thành này, việc đầu tiên Lý Tự Thành làm chính là bắt giết hoàng tộc.
Năm Sùng Trinh thứ 17, sau khi phá được thành Thái Nguyên, Lý Tự Thành hạ sát 400 người thuộc gia tộc của Tấn Vương. Tháng 3 cùng năm, nghĩa quân chiếm được Đại Đồng, chỉ trong vòng 4 ngày đã diệt 4000 nhân mạng của hoàng tộc tại nơi đây.
Cứ như vậy, nghĩa quân đi tới đâu, hoàng tộc nhà Minh bị triệt tiêu tới đó. Bữa tiệc hưởng thụ kéo dài gần 3 thế kỷ của Minh triều khép lại bằng kết cục bi thảm và đẫm máu.