Minh triều huyết nhục tương tàn vì cái dại của Chu Nguyên Chương

Trần Quỳnh |

Sai lầm trong việc chọn người kế vị của Chu Nguyên Chương đã khiến Minh triều bị cuốn vào cuộc huyết nhục tương tàn đẫm máu.

Năm 1368, Chu Nguyên Chương lãnh đạo thành công cuộc khởi nghĩa nông dân, lật đổ cơ nghiệp thống trị kéo dài gần 2 thế kỷ của Nguyên triều, sáng lập nên vương triều Đại Minh trong lịch sử Trung Quốc.

Ông ta lên ngôi sau đó và trở thành khai quốc Hoàng đế của nhà Minh, sử cũ gọi là Minh Thái Tổ.

Sinh thời, Chu Nguyên Chương tài giỏi hơn người, từng xông pha đánh đông dẹp bắc, tranh giành thiên hạ ở Trung Nguyên, một tay làm nên sự nghiệp to lớn đầy cơ nghiệp.

Chỉ tiếc rằng, một vị vua sáng suốt như vậy lại đưa ra quyết định sai lầm vào cuối đời, khiến cho Minh triều rơi vào thảm cảnh mưu máu gió tanh, cốt nhục tương tàn.

Quyết định "khôn ba năm, dại một giờ" của Chu Nguyên Chương

Vào lúc cuối đời, thay vì lập con trai, Chu Nguyên Chương đã lựa chọn cháu trai Chu Doãn Văn làm người kế vị. Hành động lập cháu thay vì lập con này của Minh Thái Tổ là khởi nguồn của bi kịch chú cháu tương tàn đẫm máu nhất trong lịch sử Minh triều.

Phụ thân của Chu Doãn Văn chính là Chu Tiêu – con trưởng của Chu Nguyên Chương. Ông này được vua cha vô cùng yêu quý, lập làm Thái tử vào năm 13 tuổi.

Bởi vậy, khi con trai của của Chu Tiêu đoản mệnh qua đời, Thái Tổ vô cùng đau lòng, dồn hết yêu thương và ưu ái cho con thứ của thái tử là Chu Doãn Văn.

Minh triều huyết nhục tương tàn vì cái dại của Chu Nguyên Chương - Ảnh 1.

Năm 1392, Chu Tiêu qua đời vì bạo bệnh, ngôi Thái tử bị bỏ chống. Chu Nguyên Chương lại một lần nữa đau đầu trong vấn đề chọn người kế vị. (Tranh: nguồn internet).

Kỳ thực, Minh Thái Tổ có không ít con trai. Trong số đó, người sở hữu tư chất nổi bật hơn cả chính là Yên vương Chu Đệ. Bản thân Chu Nguyên Chương đã từng cân nhắc tới việc lập người con này làm Thái tử, liền hỏi ý của Học sĩ Hàn lâm Lưu Tam Ngô.

Tuy nhiên, Lưu Tam Ngô cương quyết phản đối việc lập Yên vương, một lòng ủng hộ Chu Doãn Văn làm người thừa kế. Vị học sĩ này cho rằng, Chu Doãn Văn là người nhân nghĩa, trung hậu, nhất định có thể trị vì tốt đất nước.

Nhắc tới người cháu này, Chu Nguyên Chương cũng rất mực hài lòng. Khi Thái tử Chu Tiêu lâm bệnh, Chu Doãn Văn mới chỉ 14 tuổi, nhưng vô cùng hiếu thuận, ngày đêm kề cận chăm sóc phụ thân. Tình cảm ấy đã khiến Minh Thái Tổ vô cùng cảm động.

Quả nhiên sau đó, Chu Doãn Văn được phong làm Hoàng Thái Tôn, trở thành người kế vị của Chu Nguyên Chương sau khi ông qua đời.

Mất ngôi cũng vì nhân từ, hiếu nghĩa nhưng non nớt

Tháng 5 năm 1398, Minh Thái Tổ bệnh mất, Chu Doãn Văn lên ngôi, đóng đô ở Nam Kinh, sử cũ gọi là Kiến Văn Đế. Sinh thời, Hoàng đế thứ 2 của Minh triều là người rất mực ôn hòa, bề ngoài nho nhã như văn nhân.

Tuy mang trong mình khát vọng lớn lao là đưa Minh triều lên đỉnh cao thịnh trị, nhưng vị Hoàng đế này từ nhỏ đã sống trong nhung lụa, thiếu đi kinh nghiệm thực chiến, gặp nhiều khó khăn trong việc điều hành chuyện quân sự và việc quốc chính.

Minh triều huyết nhục tương tàn vì cái dại của Chu Nguyên Chương - Ảnh 2.

Nhân từ nhưng quá non nớt, quyết định bãi phiên của Kiến Văn Đế là trở thành mồi lửa châm ngòi cho cuộc huyết nhục tương tàn khét tiếng trong lịch sử Trung Hoa. (Tranh minh họa).

Khi ấy, Chu Đệ đang là Yên vương trấn tại khu vực Bắc Bình (Bắc Kinh ngày nay). Nghe được tin này, lại sẵn dã tâm thâu tóm hoàng quyền, ông đã lập tức dấy quân xuôi nam, phát động cuộc chính biến mang tên "Tĩnh Nan chi dịch" vào năm 1399.

Chỉ chưa đầy 4 năm, Yên vương nhanh chóng dẫn quân đánh vượt Trường Giang, vây thành Nam Kinh. Mặc dù Kiến Văn đế đã chủ động cầu hòa, nhưng Chu Đệ không đồng ý. Động thái này của người chú ruột đã buộc Chu Doãn Văn phải tử thủ tới cùng.

Trớ trêu thay, đại thần kề cận Hoàng đế khi ấy là Lý Cảnh Long lại chủ động mở cổng thành nghênh đón đại quân của Yên vương. Bá quan văn võ trong triều đều đầu hàng.

Chứng kiến đại cục đã không thể cứu vãn, Kiến Văn đế bất đắc dĩ phải hạ lệnh đốt cung rồi nhảy vào biển lửa tự thiêu. Các phi tần và người hầu khi ấy đều quyên sinh theo Hoàng đế.

Yên vương Chu Đệ sau khi vào thành từng hạ lệnh lục tung cung điện gần 3 ngày để tìm kiếm tung tích người cháu ruột vừa bị mình bức tử.

Nhưng khi ấy, thứ mọi người tìm thấy chỉ là những thi thể cháy đen, không phân biệt được danh tính. Nhiều người cho rằng Kiến Văn đế đã thực sự bỏ mình trong biển lửa, một số khác lại khẳng định ông đã kịp chạy trốn khỏi kinh thành.

Mặc dù Chu Đệ đã tổ chức "Lễ táng Kiến Văn Đế" để bố cáo thiên hạ rằng Chu Doãn Văn đã chết, nhưng tới nay, tung tích thực sự của vị Hoàng đế bất hạnh này vẫn mãi là một bí ẩn trong lịch sử Trung Hoa.

Minh triều huyết nhục tương tàn vì cái dại của Chu Nguyên Chương - Ảnh 3.

Biển lửa thành Nam Kinh đã mãi mãi vùi chôn tung tích của Kiến Văn Đế Chu Doãn Văn trong đống đổ nát sau cuộc chính biến "Tĩnh Nan chi dịch". (Tranh minh họa).

Sử cũ đánh giá Kiến Văn Đế Chu Doãn Văn là người "thiên tư nhân hậu, thân hiền hiếu học". Tiếp thu cung cách giáo dục Nho học từ nhỏ, ông trở thành một người ôn hòa, nhân nghĩa. Nhưng thân là vua của một nước, Chu Doãn Văn quá thiếu kinh nghiệm và sự kiên định.

Trong khi đó, Chu Đệ là người trí dũng, có lòng gan dạ và khí phách hơn người, không hề thua kém Thái Tổ Chu Nguyên Chương năm nào. So với người cháu non trẻ như Chu Doãn Văn, Chu Đệ xứng đáng trở thành người kế nhiệm hơn ai hết.

Chỉ tiếc rằng, Chu Nguyên Chương cả đời sáng suốt, nhưng sau cùng lại mắc sai lầm trong việc chọn người thừa kế, gây nên nghịch cảnh chú cháu tương tàn.

Càng đáng tiếc hơn là trong tấn bi kịch ấy, người hiếu thuận, nhân nghĩa như Chu Doãn Văn lại bất hạnh sắm vai kẻ phải hy sinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại