Quân đội Campuchia tuyên bố sẽ "thẳng tay" với CNRP

Linh Nguyễn |

Căng thẳng ngày càng gia tăng giữa hai đảng CPP và CNRP tại Campuchia.

Tờ The Phnom Penh Post ngày 15/9 đưa tin, trong bối cảnh mâu thuẫn giữa đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) và đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền ngày càng lên cao, chính quyền Phnom Penh kiên quyết bảo vệ lập trường, phản bác thông cáo chung của 39 quốc gia bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về căng thẳng chính trị leo thang tại nước này.

Theo Phnom Penh Post, để tỏ thái độ ủng hộ Thủ tướng Hun Sen, hàng loạt tướng lĩnh thuộc quân đội Hoàng gia Campuchia (RCAF) thề sẵn sàng trấn áp mọi cuộc "tuần hành hàng loạt" của CNRP.

Chỉ huy Biệt khu RCAF, Trung tướng Prum Din tuyên bố quân đội của ông sẽ "loại bỏ tất cả nhóm hoạt động mang mục đích phá hoại sự bình ổn", và sẽ "đối đầu" với đảng CNRP.

Các sở chỉ huy bộ binh RCAF cũng đưa ra công bố tương tự, khẳng định rằng RCAF sẽ ngăn chặn các cuộc biểu tình trái phép "bằng bất cứ giá nào".

Trung tướng Mao Sophan chỉ huy Lữ đoàn 70; Trung tướng Nob Ratana chỉ huy đơn vị pháo binh ; Trung tướng Srey Doek chỉ huy Lực lượng Can thiệp 3; và Trung tướng Bun Seng chỉ huy Quân khu 5 đều lần lượt đưa ra các tuyên bố tương tự.

Quân đội Campuchia tuyên bố sẽ thẳng tay với CNRP - Ảnh 1.

Cảnh sát bắt giữ người biểu tình hồi tháng trước tại quận Tuol Kork, Phnom Penh. (Ảnh: The Phnom Penh Post)

Theo như hình ảnh trên trang web của đơn vị, ông Bun Seng - cũng là phó tổng tư lệnh quân đội - đã giám sát cuộc tập trận dùng đạn thật tại địa điểm gần sở chỉ huy tại Battambang vào hôm qua (14-09).

Cùng lúc đó, hãng thông tấn địa phương Fresh News đưa tin đồng phó tổng tư lệnh quân đội là Tướng Eth Sarath đã phỉ báng đảng đối lập CNRP trong một bài phát biểu trước hơn 100 lính tại Bộ Quốc phòng.

Các tuyên bố trên được đưa ra sau khi ông Hun Sen cảnh báo hôm thứ 2 rằng ông "tuyệt đối cấm" mọi hành vi biểu tình, sau khi hàng loạt cận vệ có vũ khí thuộc lực lượng bảo vệ của riêng ông bao vây trụ sở của đảng CNRP.

Ngày 14/9, tại kỳ họp thứ 33 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tổ chức tại Geneva, Thụy Sỹ, gần 40 quốc gia đã cùng bày tỏ mối quan ngại về vấn đề leo thang căng thẳng chính trị tại Campuchia.

Trong 15 phút mở màn cuộc họp, ông Keith Harper, đại diện Mỹ tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã có bài phát biểu thay mặt cho 39 quốc gia.

Tuyên bố của 39 nước này cho biết, mặc dù Campuchia đã đạt được một số thành tựu về cải cách hệ thống bầu cử sau những cáo buộc gian lận hồi năm 2013 nhưng môi trường chính trị và xã hội hiện tại không thuận lợi cho việc tiến hành các cuộc tổng tuyển cử quốc gia vào năm 2017 và 2018 tới đây.

Các quốc gia này nhấn mạnh, chỉ có bầu cử tự do và công bằng mới đảm bảo sự hợp pháp của chính phủ mới.

"Chúng tôi quan ngại sâu sắc về tình trạng leo thang căng thẳng chính trị hiện nay tại Campuchia. Điều này đe dọa tới hoạt động hợp pháp của các đảng đối lập và các tổ chức phi chính phủ hoạt động vì nhân quyền".

(Theo Bình Minh/Hà Nội Mới)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại