Thủ tướng Hun Sen lên Facebook: "Không ngại dùng vũ lực"

Nguyễn Quân |

Thủ tướng Hun Sen không chỉ tỏ rõ ý định ngăn cản phe đối lập hô hào biểu tình vào ngày 16-9, mà còn thể hiện bằng việc điều động quân đội vào thủ đô Phnom Penh.

Lãnh đạo các lực lượng quân đội, cảnh sát và đội cảnh vệ thiện chiến của Thủ tướng Hun Sen đã tuyên bố thể hiện lòng trung thành với chính phủ, sẵn sàng đập tan mọi cuộc biểu tình “bất hợp pháp” theo lời kêu gọi của phe đối lập.

Đặt cược vào Kem Sokha

Trong diễn biến mới nhất, phe đối lập có vẻ xuống nước trước các động thái huy động và phô trương lực lượng của chính quyền Thủ tướng Hun Sen trước trụ sở của phe đối lập vào ban đêm.

Theo báo chí Campuchia ngày 14-9, phe đối lập giờ đây tuyên bố sẽ tiến hành biểu tình nếu bên chính phủ bắt giữ ông Kem Sokha - phó chủ tịch Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập.

Ông Sokha đã bị tòa sơ thẩm Tòa án Phnom Penh xét xử vắng mặt hôm 9-9 về tội “chống lệnh triệu tập của tòa”.

Hôm đó, tòa quyết định tuyên phạt ông Sokha 5 tháng tù giam vì trốn tránh thẩm vấn trong điều tra cáo buộc mua dâm. Ngoài ra, ông này còn bị buộc nộp phạt 800.000 riel (200 USD).

Bên phe đối lập, với sự hậu thuẫn của cả các quan chức Liên Hiệp Quốc, đại diện Mỹ và Pháp, cho rằng phiên tòa này mang động cơ chính trị.

Vì lẽ đó, ông Sokha không ra tòa và trú ngụ trong trụ sở của CNRP tại Phnom Penh từ ngày 26-5-2016 để tránh bị bắt giữ.

Sau phán quyết của tòa, hôm 11-9 đích thân ông Sokha đã xuất hiện tại trụ sở của đảng để phát đi lời kêu gọi biểu tình.

Chủ tịch CNRP Sam Rainsy, người hiện đang sống lưu vong ở Paris (Pháp) để tránh án tù 11 năm đã tuyên, cũng lên tiếng kêu gọi các thành viên của đảng và người ủng hộ xuống đường biểu tình.

Thủ tướng Hun Sen không nhượng bộ

Theo báo The Phnom Penh Post, ngày 13-9 tướng Hing Bun Heang - tư lệnh cảnh vệ Thủ tướng Hun Sen - khẳng định đơn vị của ông sẽ tiếp tục bao vây trụ sở phe đối lập vì “có quyền bảo vệ an ninh đất nước”.

Ông cũng chỉ trích kế hoạch biểu tình của CNRP đang gây “mất an ninh” và “bất ổn” cho đất nước.

Trong khi đó, lực lượng quân đội và cảnh sát cũng tuyên bố sẵn sàng theo lệnh của Thủ tướng Hun Sen ngăn chặn kế hoạch biểu tình được CNRP kêu gọi.

Ông Chum Socheat, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia, khẳng định bộ này đã cảnh báo người dân tránh xa bất kỳ cuộc tụ tập biểu tình nào và binh sĩ quân đội đã sẵn sàng hành động ngăn chặn “mọi cuộc biểu tình bất hợp pháp”. “Chúng tôi phải bảo vệ chính phủ” - ông Socheat nhấn mạnh.

Một thông cáo trước đó của Bộ Quốc phòng Campuchia cũng cho biết quân đội nước này sẵn sàng “hi sinh mọi thứ” để bảo vệ quốc gia.

Trong một trả lời phỏng vấn với báo chí Campuchia, tướng Kun Kim, phó tổng tư lệnh quân đội Hoàng gia Campuchia, cho rằng lời kêu gọi biểu tình của CNRP là chống lại luật pháp.

Ông nhấn mạnh: “CNRP không có quyền kêu gọi nhân dân như thế. Đó là kiểu biểu tình để bảo vệ cho một người có hành động sai trái (ám chỉ ông 
Kem Sokha)”.

Tướng Khieu Sopheak, người phát ngôn của Bộ Nội vụ Campuchia, cũng cho rằng lời hiệu triệu của CNRP kêu gọi biểu tình là một hành vi phạm tội có thể bị đưa ra trước tòa.

Tướng Sopheak khẳng định: “Bên cảnh sát chúng tôi cũng sẽ hành động (khi có biểu tình), nhưng tôi không thể tiết lộ kế hoạch”.

Người phát ngôn của Chính phủ Campuchia Phay Siphan lên tiếng nhấn mạnh rằng kế hoạch kêu gọi biểu tình là một kiểu “nổi loạn”.

Tối 12-9, Thủ tướng Hun Sen đã đăng đàn trên tài khoản Facebook của mình rằng “không ngại dùng vũ lực” để ngăn chặn biểu tình của phe đối lập, dù là biểu tình mang tính chất hòa bình.

Để khẳng định cho cảnh báo của ông Hun Sen, các đơn vị quân đội Hoàng gia Campuchia đã được điều động vào tối 13-9 hướng đến trụ sở của CNRP ở thủ đô Phnom Penh.

Theo báo chí Campuchia, những chiếc xe quân đội chở binh sĩ đã dừng lại khoảng 30 phút trước tòa nhà trụ sở của CNRP nhiều tối liền.

Báo chí Campuchia mô tả rằng xe của quân đội Campuchia sau khi dừng lại trước trụ sở CNRP còn chạy qua lại trước nơi này trong những giờ sau đó. Những chiếc tàu chở binh sĩ cũng neo bên sông Bassac gần trụ sở phe đối lập.

Một chuyên gia của Việt Nam chuyên nghiên cứu về Campuchia nhận định với Tuổi Trẻ rằng tình hình hiện nay quả thật khó đoán.

Nhưng theo ông, thế giằng co, thử sức nhau như thế này cũng thường xảy ra trước mùa bầu cử ở Campuchia, với cuộc bầu cử cấp phường xã vào giữa năm sau và bầu cử Quốc hội vào năm 2018.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại